CP thương mại và sản xuất Viễn Phú (Công ty Viễn Phú) là đơn vị có nông trại sản xuất gạo hữu cơ tại huyện U Minh (Cà Mau).
Khách hàng nước ngoài kiểm tra chất lượng gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú |
Một số hợp đồng xuất khẩu mà Công ty Viễn Phú đã ký với đối tác khác cũng có nguy cơ tương tự, nếu không có cơ chế đặc thù...
Gạo trong kho, doanh nghiệp "trên lửa"
Mấy ngày qua, ông Võ Minh Khải, giám đốc Công ty Viễn Phú, như ngồi trên lửa bởi cả trăm tấn gạo hữu cơ phải tiếp tục lưu kho, trong khi công ty đang rất cần vốn để tái sản xuất vụ mùa mới.
Nhưng quan trọng hơn là cánh cửa mở ra thị trường đầy tiềm năng coi như đóng sầm lại với một DN đã tốn bao công sức để đưa thương hiệu gạo hữu cơ Việt đi xa!
"Phải khó khăn lắm chúng tôi mới ký kết được hợp đồng xuất khẩu gạo năm năm với Nga và một số nước châu Âu với sản lượng khoảng 300 tấn/năm" - ông Khải rầu rĩ.
Theo lịch trình, 14 tấn gạo đầu tiên sẽ giao cho phía Nga vào tháng 8-2014.
"Do chưa xin được giấy phép xuất khẩu, chúng tôi đã đề nghị lùi thời hạn giao hàng lại tới ba lần và thời hạn cuối đã trôi qua nhưng hàng vẫn chưa xuất được. Điều này cũng có nghĩa hợp đồng sẽ bị hủy và chúng tôi phải bồi thường cho phía Nga" - ông Khải cho biết.
Giải thích chuyện chưa xin được giấy phép, ông Khải cho biết theo nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc (lúa) và một cơ sở xay xát thóc công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.
Trong khi đó, do trong giai đoạn đầu thực hiện dự án liên kết sản xuất nông nghiệp theo mô hình hữu cơ với các hộ dân ở huyện vùng sâu U Minh, lượng sản phẩm làm ra còn hạn chế.
Mặt khác, quy trình sản xuất, chế biến gạo theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu như Viễn Phú là cực kỳ khó để mở rộng quy mô. Hiện tại Viễn Phú mới chỉ xây dựng kho có sức chứa 2.000 tấn và nhà máy xay xát công suất 2,5 tấn/giờ.
"Đây là sản phẩm đặc biệt, sản lượng gạo hữu cơ của cả châu Á cũng không tới 5.000 tấn, một doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ có chứng nhận như chúng tôi thì việc xây kho chứa đến 5.000 tấn là chưa thật sự cần thiết do phải dành vốn đầu tư cho các hạng mục khác" - ông Khải cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2013 Công ty Viễn Phú lần đầu tiên đưa sản phẩm gạo hữu cơ Hoa Sữa Food sang thị trường Anh là nhờ xuất ủy thác qua một công ty khác. Điều này có nghĩa các DN vừa và nhỏ như Viễn Phú sẽ khó xây dựng được thương hiệu cho chính mình! Tuy nhiên theo ông Khải, "không phải đối tác nào cũng đồng ý cho mình xuất ủy thác".
Đề xuất cơ chế đặc thù
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Đô - giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau - cho hay đã trình nhiều lần với Bộ Công thương về những khó khăn của Công ty Viễn Phú trong xuất khẩu gạo hữu cơ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Ngoài ra, trong một lần dự họp báo trực tuyến, ông Đô đã nêu câu chuyện này với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn cho DN. Bộ trưởng đồng tình, hứa sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ xem xét, kiến nghị Chính phủ nhưng mọi chuyện cũng rơi vào im lặng.
"Quan điểm của ngành và UBND tỉnh là rất ủng hộ Công ty Viễn Phú được xuất khẩu gạo hữu cơ. Nhưng quy định áp dụng đại trà chung cho cả nước nên phía Viễn Phú vướng, phải có cơ chế đặc thù. Tôi cũng được thông báo là Cục Quản lý xuất nhập khẩu đã có văn bản gửi Chính phủ rồi nhưng Chính phủ chưa có ý kiến, không biết còn vướng hoặc trở ngại gì" - ông Đô nói.
Cũng theo ông Đô, việc Viễn Phú không xuất được hàng đứng ở góc độ kêu gọi đầu tư thì ảnh hưởng không nhỏ.
Bởi đầu tư cho nông nghiệp chất lượng cao rất khó kêu gọi, nhưng khi nhà đầu tư đã bỏ vốn liếng hàng chục tỉ đồng, UBND tỉnh cũng giao hàng trăm hecta đất rồi nhưng DN xuất hàng không được thì chỉ có đường phá sản. Bởi lẽ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, giá thành cũng cao, tiêu thụ trong nước có hạn, trông nhờ chủ yếu vào xuất khẩu.
Mặt khác, nếu Viễn Phú xuất hàng không được thì không thể liên kết nông dân làm "vệ tinh" cho công ty, việc mở rộng quy mô lâu dài sẽ khó.
Theo nguồn tin của chúng tôi có được, để gỡ khó cho Công ty Viễn Phú, đầu tháng 8-2014 UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn số 4010/UBND-KT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép cơ chế đặc thù đối với xuất khẩu mặt hàng gạo hữu cơ và cho chủ trương để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho Công ty Viễn Phú.
Trường hợp nếu chưa được cấp giấy chứng nhận thì trước mắt cho phép công ty được thực hiện thí điểm hợp đồng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Liên bang Nga khoảng 300 tấn gạo hữu cơ trong năm 2014.
Cũng theo công văn, hiện Công ty Viễn Phú đã ký hợp đồng độc quyền để phát triển sản phẩm và phân phối sản phẩm với các công ty tại Hà Lan, Vương quốc Anh và Liên bang Nga.
Việc cho phép cơ chế đặc thù đối với xuất khẩu mặt hàng gạo hữu cơ hoặc cho phép công ty được thực hiện thí điểm xuất khẩu gạo hữu cơ nhằm tạo điều kiện khuyến khích đầu tư sản xuất, xuất khẩu gạo hữu cơ, sản phẩm đặc thù có chất lượng theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu gạo VN trên thị trường, đồng thời tạo điều kiện cải thiện đời sống người dân vùng U Minh Hạ còn nhiều khó khăn.
Chiều 15-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Tiến Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau - cho biết mãi đến văn bản thứ hai phía Bộ Công thương mới chấp nhận đề xuất của Cà Mau có cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng nghị định 109 cho Viễn Phú.
Và mới đây, Bộ Công thương gửi Thủ tướng xin đặc cách cho Viễn Phú xuất trực tiếp từng chuyến khi công ty này ký được hợp đồng.
"Gần đây là vào ngày 9-9-2014, phía Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6944 gửi Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực VN yêu cầu có ý kiến để Thủ tướng Chính phủ giải quyết cấp phép cho Viễn Phú. Trong trường hợp Viễn Phú xuất không được thì phải ủy thác qua một công ty khác đủ điều kiện và phải chịu phí. Quan điểm của tỉnh rất ủng hộ để DN được cấp phép xuất khẩu trực tiếp" - ông Dũng nói.
Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết - giám đốc Sở Công thương An Giang, phần lớn DN xuất khẩu gạo ở tỉnh này đều đạt các tiêu chí về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo nghị định 109. Tuy nhiên, cũng có DN vì kho chứa dưới 5.000 tấn nên không được cấp phép xuất khẩu gạo. Trong khi đó, muốn có kho chứa trên 5.000 tấn cần phải có mặt bằng rộng.
Với DN nằm ở nông thôn thì đáp ứng được, còn DN tại thành thị thì tương đối khó vì thiếu mặt bằng và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Từ thực tế đó cũng có ý kiến đề nghị Bộ Công thương nên thay đổi, xem xét đến điều kiện đáp ứng tiêu chí kho đối với từng DN ở mỗi địa bàn khác nhau nhưng chưa được chấp thuận.
Đức Vịnh