Bảo tồn cá 'vua'

Loài cá khổng lồ, được mệnh danh cá “vua”, đã được cứu khỏi nguy cơ tuyệt chủng, mở ra hy vọng cho những loài cá quý ở sông Mê Kông vốn có tên trong sách đỏ thế giới.

Thạc sĩ Thi Thanh Vinh, Trưởng bộ môn sản xuất giống - Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (trụ sở tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang), cho biết khoảng năm 2002 nhiệm vụ bảo tồn và lưu giữ nguồn gien nhiều giống cá quý hiếm của dòng Mê Kông trở nên hết sức cấp thiết; trong đó cá hô là một trong những loài được Hội đồng quốc gia chọn để bảo tồn.

Để làm được việc này, trước hết phải có ít nhất 50 cặp cá bố mẹ mới có thể khai thác nguồn gien. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, bởi vào thời điểm đó loài cá này đã rất hiếm hoi.

Ông Vinh kể, khi tìm đến các ngư dân từng sống bằng nghề săn cá hô thì tất cả đã bỏ nghề. Vì vậy, hễ nghe nói nhà nào còn nuôi giữ cá hô là các nhà nghiên cứu lại tìm đến gặp gỡ, thuyết phục. Tuy nhiên, do nhiều người xem việc cá hô vào ao, hồ nhà mình là điềm may mắn nên kiên quyết giữ lại nuôi, mặc cho các kỹ sư năn nỉ rằng mục đích mua cá là để nghiên cứu tìm cách cho cá sinh sản nhân tạo, cứu loài cá quý này khỏi bị tuyệt chủng...

"Có một gia đình không khá giả gì, nhưng cứ khăng khăng giữ cặp cá hô để nuôi, mặc dù các kỹ sư của trung tâm nhiều lần thuyết phục. Đến khi một trong hai con cá bị chết, họ mới nhắn tin cho nhóm kỹ sư đến bắt con còn lại. Sau khi cầm số tiền bán con cá trị giá gần 2 chỉ vàng, họ vẫn xuýt xoa tiếc rẻ", thạc sĩ Vinh nhớ lại. Nhưng cũng có người nghe mục đích nghiên cứu liền gọi nhóm kỹ sư đến cho không cặp cá quý.

"Đó là một lão nông ở cồn Bình Thạnh. Khi đọc được tờ rơi tìm cá hô để nghiên cứu, ông lão đã gọi cho nhóm của tôi đến bắt cá. Lúc nhóm đưa tiền, ông lão nhất quyết từ chối, chỉ dặn khi nào nghiên cứu thành công thì báo cho ông biết để mừng", ông Vinh kể.

Sau 2 năm tìm kiếm, nhóm ông Vinh đã tìm được 70 cặp cá hô, đủ để bắt tay vào nghiên cứu. Đến năm 2005, mẻ cá hô đầu tiên được sinh sản thành công tại trung tâm, khiến nhiều người vui mừng không cầm được nước mắt. Lứa cá hô này ban đầu chỉ đưa ra ngoài để nuôi bảo tồn. Từ năm 2008 - 2012 trung tâm bắt đầu đưa cá hô ra nuôi kinh tế. "Cá hô từ loài cá sách đỏ đến khi trở thành loài cá thương phẩm là một quá trình dài", ông Vinh nói.

Điều thú vị là lúc đầu một số nông dân ở Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp mua cá hô giống về chỉ để "thả chơi" vì đây là loài cá quý, thịt ngon. Đến khi thu hoạch, nhiều người bất ngờ bởi tiền bán cá thu về tiền tỉ. Từ đó, họ gọi cá hô là "cá may mắn".

"Không chỉ sản xuất giống cá hô phục vụ kinh doanh, hằng năm Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ còn cung cấp giống cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… phối hợp với Campuchia thả cá hô giống ra môi trường tự nhiên. Đến nay, chúng tôi hoàn toàn chủ động được nguồn giống cá hô", thạc sĩ Vinh tự hào.

Ngoài cá hô, các kỹ sư tại Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ đang nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ nhiều giống cá quý hiếm của dòng Mê Kông như cá trà sóc, cá sửu, cá thái hổ, cá vồ đém…

Đặc biệt, theo thạc sĩ Vinh, sau gần 10 năm tìm kiếm, trung tâm đã thu thập được 10 cặp cá vồ cờ cực kỳ quý hiếm. Vậy là, khi mà nhiều giống cá quý của Mê Kông đã cạn kiệt trong môi trường tự nhiên, thì tại vùng hạ nguồn vẫn còn có nơi nương náu cho chúng..

Không chỉ sản xuất giống cá hô phục vụ kinh doanh, hằng năm Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ còn cung cấp giống cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang... phối hợp với Campuchia thả cá hô giống ra môi trường tự nhiên. Đến nay, chúng tôi hoàn toàn chủ động được nguồn giống cá hô

Loài cá huyền thoại

Ở miền Tây Nam bộ có câu: "Lên rừng rắn hổ mây là rắn chúa, xuống sông cá hô là cá vua". Loài cá "khủng" này gắn liền với nhiều thế hệ người dân vùng hạ nguồn Mê Kông. Cá hô được mua với giá rất cao do thịt săn chắc, dai và ngọt, ăn rất ngon. Cũng vì thế mà ven sông Vàm Nao (con sông chảy cắt ngang giữa sông Tiền và sông Hậu) từng xuất hiện nhiều thợ săn cá hô chuyên nghiệp. Rầm rộ nhất là vào thập niên 80 của thế kỷ trước

Nhiều ngư dân trang bị những tấm lưới to, trị giá tương đương vài lượng vàng để săn bắt "cá vua". Cho đến những năm gần đây chẳng còn mấy ai bắt được loài cá huyền thoại này nữa. Thỉnh thoảng, có người may mắn bắt được khi chúng đi kiếm ăn lạc vào ao, ruộng rồi mắc kẹt không ra được.

Sau nhiều mùa cá hô biệt tăm, đội quân săn bắt chuyên nghiệp lớp già yếu, lớp nản lòng đã giải nghệ hết. Nghề săn cá hô cũng được xếp vào ký ức. Và đó cũng chính là khi cá hô bị điền tên vào sách đỏ cùng những loài đứng bên bờ tuyệt chủng.