Bán lẻ lo bị "hít khói", cười chê

“Giờ nói chuyện bảo hộ thì còn có thể chấp nhận được, nhưng 5 năm nữa mà đưa câu chuyện này ra thì người ta cười cho".

Bùng nổ tập đoàn bán lẻ ngoại

Tại cuộc Hội thảo “Chính sách đầu tư và xu hướng phát triển ngành bán lẻ Việt Nam”, ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trường Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đến cuối 2013, số cơ sở bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn rất ít, khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại.

Ông Năm cũng tiết lộ, từ 2013 đến nay Việt Nam đặc biệt tại Hà Nội, TP. HCM đã và đang có sự bùng nổ trong phát triển loại hình cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu khá nổi tiếng của nước ngoài như B’s mart, Circle K…. Một số tập đoàn bán lẻ lớn gia tăng việc thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư của Walmart (Mỹ), Auchan (Pháp) đã làm việc với Bộ Công thương và tìm kiếm, thăm dò cơ hội.

Bán lẻ lo bị

Sau trung tâm đầu tiên thành công tại TP. HCM, Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) chuẩn bị mở trung tâm bán lẻ thứ 2 tại Việt Nam

Một số DN phân phối FDI đã có mặt ở Việt Nam thì đang tăng tốc độ phát triển các cơ sở bán lẻ trực thuộc như Big C (Pháp), Lotte, Lock&Lock (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản)…

“Thị trường bán lẻ nội địa sẽ chỉ có thể cầm cự như hiện tại vài ba năm nữa”- bà Loan nói.

DN bán lẻ nội “bắt tay” hay chịu “ngất lịm” thêm nữa?

Theo ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, từ ngày gia nhập WTO dịch vụ bán lẻ kỳ vọng phát triển theo kiểu “phù đổng”, nhưng rất khó. Cứ nhìn vào kết quả 7-8 năm vừa rồi, chính sách dịch vụ bán lẻ cứ bảo hộ như bây giờ thì DN nào cũng lớn, cũng hoành tráng, song thực chất lại chẳng có gì. Ông đề xuất, giai đoạn này song song việc sử dụng hàng rào kỹ thuật, thì nên chấp thuận việc DN trong nước liên doanh ở góc độ nào đó.

"Các chuỗi cửa hàng bán lẻ tiện lợi của Nhật Bản đã phát triển 50-70 năm, riêng dịch vụ logistic phục vụ hơn 700-800 cửa hàng, một ngày hàng nghìn chuyến xe chạy. Tại Trung Quốc, hệ thống tương đối hiện tại nhưng cũng thua Nhật Bản tới 30 năm.Vậy thử hởi Việt Nam bao giờ mới có được?”- ông Phạm Đình Đoàn nói.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng chia sẻ, ông biết tình trạng khó khăn của DN Việt Nam thông qua tiếp xúc với họ. Theo đó nhiều DN cho rằng họ sẵn sàng chia sẻ “miếng bánh” thị phần, thậm chí là “bán bớt” 30% cổ phần cho DN nước ngoài.

"60% bánh to đùng sẽ hơn 100% bánh quá đát", ông Phạm Đình Đoàn so sánh.

Vị Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cảnh báo, 5-7 năm nữa thôi bán lẻ Việt Nam sẽ không cưỡng được xu thế này, khi thị trường đã mở hết cỡ, DN nước ngoài vào tràn lan các DN nội lại “mất giá”.

“Giờ nói chuyện bảo hộ thì còn có thể chấp nhận được, nhưng 5 năm nữa mà đưa câu chuyện này ra thì người ta cười cho. DN bán lẻ trong nước phải vươn lên bằng cách liên doanh liên kết vì đang có giá. Gái hơi nhỡ thời, chưa đời chồng nào thì còn kết hôn được. Chứ 5-7 năm nữa gái vài đời chồng rồi thì ai còn cưới nữa?” – ông Đoàn ví von. Vì thế, cơ quan quản lý – Bộ Công thương cần sự đột phá, “bật đèn xanh” để chính sách đối với thị trường bán lẻ cần cởi mở hơn.

Ý tưởng liên doanh với DN bán lẻ nước ngoài của Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái không phải nhận được ngay cái gật đầu đồng tình của các đại biểu tham dự hội thảo. Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng lo lắng, nếu bắt tay liên doanh thì sẽ tới một ngày DN bán lẻ trong nước mất luôn thương hiệu mất công gây dựng trong bao năm mới có được.