Bộ so sánh hiệu quả sản xuất mía đường trong nước thấp hơn việc doanh nghiệp Hoàng Anh - Gia Lai trồng mía tại Lào đưa đường về Việt Nam tinh luyện và xuất khẩu... Ngay lập tức, Hiệp hội Mía đường (HHMĐ) Việt Nam cho rằng: Những vấn đề trên có một phần "lỗi" của các bộ chủ quản (trong đó có Bộ Công thương).
Bộ "bắt bệnh" ngành Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, từ một nước thiếu đường phải nhập khẩu thì nay Việt Nam đã thừa đường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhưng chính việc thừa lại dẫn đến khủng hoảng bởi nhiều lý do mà các bộ, ngành vẫn chưa có chiến lược dài hạn để khắc phục.
Theo Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú, nhìn lại hiện trạng ngành mía đường Việt Nam sau nhiều năm bảo hộ, có thể nhận thấy những bất cập lớn. Về nghiên cứu phát triển, những năm qua HHMĐ và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành. Viện nghiên cứu Mía đường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là cơ sở nghiên cứu duy nhất của ngành nhưng chưa được các doanh nghiệp, HHMĐ Việt Nam quan tâm, đặt hàng nghiên cứu, chỉ đạo và đầu tư nên phải tự bươn chải và phải làm nhiều việc bên ngoài để tồn tại, không tập trung nghiên cứu về mía đường được.
Chính lý do này đã dẫn đến năng suất trồng mía bình quân của Việt Nam hiện nay thấp hơn Thái-lan và Lào. Về quy mô và đổi mới công nghệ sản xuất, công suất của các nhà máy đường trong nước cũng thấp, trung bình chỉ từ 3.400 tấn mía/ngày, trong khi công suất hiệu quả cần tối thiểu từ 6.000 đến 8.000 tấn mía/ngày. Điều này dẫn tới giá thành luôn cao hơn so với thế giới và khu vực.
Vấn đề bất cập nữa là quan hệ giữa người nông dân trồng mía với các nhà máy vẫn không đổi mới trong hàng chục năm qua. Vẫn chỉ có người nông dân tự trồng mía và bán cho nhà máy theo phương thức "mua đứt, bán đoạn", người nông dân luôn ở thế yếu với doanh nghiệp trong quan hệ được mùa, rớt giá, được giá, mất mùa.
Dù ngành mía đường đã thành lập Hiệp hội nhưng thực chất các doanh nghiệp thành viên chỉ có sự liên kết lỏng lẻo, không hiệu quả để đổi mới, phát triển ngành. Nếu nhìn rộng ra sẽ thấy hoạt động này của ngành mía đường không bằng các ngành sản xuất khác như dệt may, da giày, gạo, cà-phê, v.v.
Ngành "kêu khó" từ phía bộ Theo HHMĐ Việt Nam, những thực trạng mà Bộ Công thương nêu ra, ngành đường đã thấy, tuy nhiên để giải bài toán trên cần có các chính sách phù hợp ngay từ các bộ chủ quản, trong đó có Bộ Công thương.
Mấy năm qua, để tồn tại và hội nhập trong tình trạng nạn đường nhập lậu hoành hành, các nhà máy đường đã tự nâng cấp, mở rộng, đầu tư công nghệ và thiết bị mới, nên nhìn chung không thể đánh giá là lạc hậu như nhận định của Bộ Công thương. Một số nhà máy đường có công suất lớn, công nghệ và thiết bị còn hiện đại hơn so với nhiều nhà máy đường trên thế giới, kể cả nhà máy đường của Hoàng Anh - Gia Lai xây dựng tại Lào. Hiện nay chỉ còn một số nhà máy đường có công suất nhỏ dưới 2.000 tấn/ngày, do vùng nguyên liệu mía bị giới hạn, không phát triển được, nên không cần đầu tư cải tạo kỹ thuật hoặc mở rộng quy mô công suất mà cần có quy hoạch và cơ cấu lại.
Về hỗ trợ kỹ thuật canh tác: hiện nay các nhà máy đường có vùng nguyên liệu tiềm năng, diện tích lớn, đã và đang đầu tư hỗ trợ cơ giới hóa ngoài các hỗ trợ khác như cung cấp giống, phân bón, vốn đầu tư... nhưng cũng bị hạn chế, do điều kiện sở hữu đất đai canh tác mía của nông dân Việt Nam có nhiều mặt không thuận lợi: Đất đai manh mún, trung bình một nông hộ Việt Nam sở hữu quyền sử dụng khoảng 0,4 ha, nhiều hộ nông dân miền trung, miền bắc sử dụng mảnh đất chưa được một sào, một công đất. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên tại miền bắc phần lớn đồi dốc, sỏi đá; đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nước. Đất trồng mía chỉ được cấp quyền sử dụng 20 năm, hết hạn phải xin xem xét cấp lại, không được cấp quyền sử dụng lâu dài...
Với các điều kiện trên đây, rất khó đầu tư vốn để cơ giới hóa nhằm áp dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất. Điều kiện này cách biệt rất xa so với điều kiện của Hoàng Anh - Gia Lai đầu tư tại Lào.
Tại Lào nhà đầu tư Hoàng Anh - Gia Lai được giao đất tốt bằng phẳng, hàng chục nghìn ha, thời gian hơn 90 năm, chỉ một người làm chủ, đủ điều kiện để bỏ vốn đầu tư nhằm áp dụng mọi kỹ thuật canh tác cần thiết...
Chúng ta cần nhớ lại xuất phát điểm của chương trình mía đường đạt một triệu tấn đến năm 2000, lúc bấy giờ chưa đặt mục tiêu đầu tư ngành đường để hội nhập mà Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu đủ đường để tự cung cấp không nhập khẩu và gắn liền cây mía lúc đó là cây xóa đói, giảm nghèo, đưa công nghiệp chế biến về các vùng sâu, vùng xa hẻo lánh mà lúc đó chưa có cây trồng nào khác có hiệu quả cao hơn.
Hiện nay, đường chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc dưới dạng biên mậu, mà chỉ duy nhất cửa khẩu ở Lào Cai mới thực hiện được. Ngoài ra chỉ các doanh nghiệp biên giới mới đủ điều kiện xin phép xuất khẩu tiểu ngạch. Việc mua bán qua cửa khẩu theo phương thức không đối đẳng, không chính quy không thể thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng hợp đồng xuất khẩu đường, cho nên rủi ro rất cao. Do đó các nhà máy đường không tự tổ chức xuất khẩu là hoàn toàn dễ hiểu...
Cần thống nhất để phát triển Trước hàng loạt nguyên nhân khách quan và chủ quan của tình trạng khủng hoảng ở ngành mía đường hiện nay, thiết nghĩ Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương và ngành mía đường cần thống nhất chặt chẽ, đưa ra những giải pháp đồng bộ nhằm sớm đưa ngành thoát khỏi khó khăn.
Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, ngành đường cần được đổi mới, cơ cấu lại. Quy hoạch lại đất trồng mía phù hợp cho cây mía, có diện tích vùng mía đủ lớn cho nhà máy đường có công suất ít nhất 4.000 - 5.000 tấn mía/ngày (theo điều kiện Việt Nam) trở lên. Cánh đồng mía đủ lớn và đủ điều kiện để áp dụng cơ giới hóa và các kỹ thuật canh tác. Sáp nhập, di dời các nhà máy nhỏ có vùng nguyên liệu mía bất lợi để tái đầu tư.
Các chính sách hỗ trợ người trồng mía của nhà máy còn được áp dụng như các nước có ngành mía đường phát triển đang thực hiện bao gồm: giao thông, thủy lợi, khuyến nông; cần có chính sách giống mía như các quốc gia khác. Và cần bảo đảm công bằng cho tất cả các thành phần liên quan tham gia chuỗi sản xuất mía đường, nhất là bảo vệ nông dân trồng mía.
Cho dù thế nào thì tương lai của ngành mía đường vẫn phụ thuộc vào tầm dự báo chính xác lượng cung cầu trong nước và xuất khẩu của Bộ Công thương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đề ra chiến lược lâu dài về quy hoạch vùng nguyên liệu.
Và trách nhiệm của ngành mía đường cần phải đổi mới từ sản xuất, công nghệ và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà máy với người nông dân.
Theo Bộ Công thương, ngành mía đường và doanh nghiệp Việt Nam thay vì trông chờ sự bảo hộ của Nhà nước, chủ động cạnh tranh với các doanh nghiệp như Hoàng Anh - Gia Lai, tạo áp lực tái cơ cấu, mua bán, sáp nhập nhằm mở rộng quy mô đầu tư, tăng hiệu quả. Thông qua đó mở cửa, thu hút các nguồn mới để đổi mới kỹ thuật, công nghệ và nâng cao quy mô, năng suất. Có như vậy thì ngành mía đường mới đứng vững được trước áp lực cạnh tranh với hàng nghìn doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.