Quá trình đó đã hé ra một khoảng tối trong các doanh nghiệp nước ta và nay còn lởn vởn u ám.
Ngày 31/1/2014, Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor) cấm nhập khẩu cá tra từ 8 doanh nghiệp của Việt Nam. Cùng với nhiều doanh nghiệp khác đã bị cấm trong năm 2013, cá tra Việt Nam coi như hết đường vào Nga. Ngày 21/3/2014, Cơ quan Chống độc quyền LB Nga (cơ quan ngang bộ) ra quyết định khởi tố vụ án và thành lập Hội đồng xét vụ vi phạm luật chống độc quyền.
Khoảng tối
Hội đồng xét vụ án ấn định xét xử lúc 14 giờ ngày 30/4, tại Moskva. Bên bị của vụ án là Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản sang Nga của Việt Nam, Hiệp hội Các xí nghiệp sản xuất và thương mại thị trường cá của Nga.
Hai tổ chức này chính là hai đối tác của nhau, đưa cá tra từ Việt Nam sang bán ở Nga. Hội đồng xét xử yêu cầu hai bị đơn giải trình các cuộc đàm phán, các thỏa thuận về giá, khối lượng sản phẩm cá tra.
Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản sang Nga được Bộ NN&PTNT thành lập ngày 16/3/2009, một thí điểm nhằm cứu vãn ngành cá tra lúc đó đang lao đao sau cuộc khủng hoảng bùng nổ giữa năm 2008.
Ban này do ông Dương Ngọc Minh (TGĐ Cty Cổ phần Hùng Vương) làm Trưởng ban, tập hợp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Nga để đảm bảo chất lượng, giá cả, tăng kim ngạch xuất khẩu và xây dựng thương hiệu.
Năm 2009, xuất khẩu cá tra sang Nga chưa thoát được bế tắc, còn giảm 66,6% khối lượng và 65,8% kim ngạch so với năm 2008. Sang năm 2010, xuất khẩu cá tra sang Nga bắt đầu tăng. Sơ kết 6 tháng đầu năm 2010 tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phấn khởi chỉ đạo: Củng cố Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản sang Nga và nghiên cứu để có hình thức tổ chức phù hợp phát triển các thị trường khác.
Kết thúc năm 2010, cá tra xuất sang Nga hơn 50 triệu USD và mở ra hy vọng tăng gấp đôi ở năm tới. Tuy nhiên, năm 2012 dậm chân tại chỗ, sang năm 2013 giảm xuống còn 40 triệu USD và đầu năm nay bị cấm. Cấm cửa thị trường Nga cũng là cấm cửa cả Liên minh Hải quan (gồm LB Nga, Belarus, Kazakhstan).
Lý do cấm của Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga, chất lượng sản phẩm cá tra kém. Chất lượng kém thì không có gì lạ nhưng bất ngờ ở chỗ, kém đến mức bị cấm tại thị trường có Ban Điều hành từng nổi lên như một điển hình hướng tới xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.
Năm 2010, thị trường Nga đã phát hiện 7 lô hàng nhiễm vi sinh vật. Năm 2012, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản VN (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng khẩn thiết: Hãy nói không với hóa chất tăng trọng nước, giảm tỷ lệ mạ băng, hãy bán cá ngon chứ không bán cục nước đá.
Ông Dũng giải thích: Vì tình trạng thiếu minh bạch, cạnh tranh bằng cách hạ giá nên các doanh nghiệp giảm chất lượng để tồn tại. Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN Hồ Văn Vàng nói với Tiền Phong: Một số doanh nghiệp của nước ta liên kết với một số doanh nghiệp ở Nga (chủ yếu là Việt kiều) độc quyền thao túng giá cá tra nên đã làm hại tất cả.
Tiềm ẩn tái diễn
Vụ án vi phạm luật chống độc quyền ở Nga đã không xử theo kế hoạch. Có lý do xung đột Ucraina buộc Nga cấm nhập khẩu thủy sản của EU và Mỹ, thúc đẩy Nga trở về thị trường châu Á. Liền đó, Bộ NN&PTNT ra quyết định giải thể Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản sang Nga.
Một số cơ quan của Bộ NN&PTNT làm việc với Cục Kiểm dịch Động thực vật LB Nga để khai thông thị trường. Đầu tháng 8/2014, có 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản (5 doanh nghiệp chế biến cá tra) được phép trở lại thị trường Nga, sau đó thêm 3 doanh nghiệp nữa.
Trưởng đại diện Thương mại Nga tại VN Maxim Golikov cho biết, Nga đang có chính sách tăng cường nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Theo vị này, số lượng doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đến Nga tìm cơ hội làm ăn "đang tăng lên từng ngày" nên đề xuất một danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu xuất hàng vào Nga để xem xét.
Ngày 15/9, VASEP đã gửi công văn tới các thành viên đề nghị những doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang Nga đăng ký.
Khoảng trống thủy sản của thị trường Nga hiện nay có thể thấy khá lớn nhưng mới mở cho Việt Nam mấy doanh nghiệp thì quá ít. Ông Nguyễn Bình Giang ở Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nêu quan điểm, cần mở cửa với các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường Nga, không phân biệt đối xử như quy định của WTO.
Tiến sỹ Võ Hùng Dũng, GĐ Chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương mại Công nghiệp VN, cho biết có một số doanh nghiệp thường nêu lý do thị trường Nga chiếm tỷ trọng thấp để làm giảm nhẹ sự quan tâm của xã hội. "Theo tôi, nếu thực sự vì ngành cá tra nước nhà thì phải thấy thị trường Nga rất quan trọng bởi tiềm năng lớn và cần tập trung phát triển", TS Dũng nói.
Rào cản hiện nay không chỉ ở phía Nga. Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra phản ánh "vẫn bị nhóm lợi ích thao túng", đó là nhóm muốn duy trì ảnh hưởng độc quyền.
Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Cty TNHH Hùng Cá ở tỉnh Đồng Tháp - một trong những doanh nghiệp vừa được phép xuất khẩu cá tra trở lại Nga cho biết, ông phát biểu cần giảm hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra để tăng chất lượng mà cũng có người nhắn tin đe dọa.
Mới đây, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã gửi công văn đến Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đề nghị "tháo gỡ thêm vướng mắc cho các doanh nghiệp". Công văn nhắc lại tình trạng câu kết độc quyền thị trường cá tra ở Nga gây hại thời gian qua, bày tỏ "e ngại sự việc này có khả năng sẽ lặp lại vì lợi ích nhóm". Nên kiến nghị các bộ tiếp tục làm việc với Nga "để mở cửa cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam".
Mới đây, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã gửi công văn đến Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đề nghị "tháo gỡ thêm vướng mắc cho các doanh nghiệp". Công văn nhắc lại tình trạng câu kết độc quyền thị trường cá tra ở Nga gây hại thời gian qua, bày tỏ "e ngại sự việc này có khả năng sẽ lặp lại vì lợi ích nhóm". Nên kiến nghị các bộ tiếp tục làm việc với Nga "để mở cửa cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam".