Giá dầu đã giảm mạnh từ hơn 100 USD một thùng tháng 7 năm ngoái, xuống dưới 50 USD hồi tháng 1. Trong khi đó, Ảrập Xêút lại từ chối giảm sản xuất, làm dấy lên nhiều dấu hỏi về động cơ của quốc gia này.
Trước đây, Ảrập Xêút thường phản ứng lại dư thừa nguồn cung bằng cách bơm ra ít dầu hơn. Do đó, giới phân tích năng lượng bắt đầu đồn đoán Ảrập Xêút đang cố giết chết cuộc cách mạng đá phiến tại Bắc Mỹ. Một số dự án khai thác tại đây đã không còn lãi từ khi giá dầu xuống dưới 50 USD.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Xêút - ông Ali al-Naimi. Ảnh: WSJ |
Tuy nhiên, trong một bài phát biểu tại Berlin (Đức) hôm qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Xêút - Ali al-Naimi cho biết quan điểm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang "gây chiến với dầu đá phiến" và OPEC sắp hết thời là sai lầm.
"OPEC và Ả rập Xê út bị chỉ trích rất ác ý và không công bằng chỉ vì cái thực ra là phản ứng của thị trường", ông cho biết. Những lần giá biến động lớn thường châm ngòi cho "những bình luận điên cuồng về âm mưu và động cơ của OPEC", ông nói.
Richard Fisher - Chủ tịch FED Dallas gần đây tuyên bố chính người Ả rập đã "đạo diễn" kịch bản giá dầu giảm sau khi quốc gia này nhận thấy ngành công nghiệp năng lượng Mỹ đang bùng nổ. Fisher cũng cho biết Ảrập hưởng lợi từ giá dầu rẻ, do Iran - đối thủ của họ trong khu vực - mới là nước chịu hậu quả.
Ảrập thừa nhận họ không muốn lặp lại tình cảnh thập niên 80 - để mất thị phần vì cắt giảm sản xuất. "Chúng tôi sẽ không dẫm lên vết xe đổ lần nữa. Ngày nay, hỗ trợ các hãng sản xuất giá cao bằng cách nhường thị phần không phải là nhiệm vụ của chúng tôi, hay các nước OPEC khác", al-Naimi cho biết.
Ông cũng bác bỏ những bình luận cho rằng OPEC đã hết thời. Tổ chức này được thành lập năm 1960, dẫn dắt bởi các nước xuất khẩu có ảnh hưởng lớn, như Ảrập Xêút, Qatar, Iran và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Edward Morse - một chuyên gia phân tích dầu mỏ tại Citigroup gần đây cũng cho rằng kỷ nguyên của OPEC sắp chấm dứt. Cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ và khả năng tác động lên giá cả ngày càng giảm của OPEC đã khiến tổ chức này mất dần lợi thế.
Dù vậy, dầu rẻ rõ ràng cũng khiến nhiều nước OPEC gặp bất lợi, và gây rạn nứt trong nội bộ khối. Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria gần đây đã cảnh báo OPEC có thể mở phiên họp khẩn cấp nếu giá không tăng trở lại. Theo Deutsche Bank, để cân đối ngân sách, Nigeria cần giá dầu ít nhất 120 USD một thùng. Tuy nhiên, CNN trích lời một nguồn tin trong OPEC cho biết Ảrập Xêút sẽ không đồng ý họp khẩn cấp, bất chấp các nước thành viên khác gặp khó khăn.
8 tháng từ khi giá dầu bắt đầu lao dốc, tình trạng dư cung vẫn tồn tại. Dầu đã lại rơi xuống dưới 50 USD hôm qua, sau số liệu cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ tuần trước lên cao nhất mọi thời đại.
Nhưng al-Naimi có vẻ vẫn không lo lắng về chuyện này. "Lịch sử sẽ chứng minh đây là hướng đi đúng đắn. Nhu cầu đang tăng dần lên, kinh tế toàn cầu có vẻ khởi sắc và giá dầu đang bình ổn", ông nói.