Các khu vực cần gạo nằm ở miền đông bắc đất nước, nơi tuyến đường sắt đang được tu bổ khiến việc vận chuyển bị gián đoạn.
Các quan chức Ấn Độ cho biết, nước này sẽ nhập khẩu trên 100.000 tấn gạo từ nước láng giềng Myanmar trong vài tháng tới qua các cuộc đấu thầu với khối lượng mỗi gói khoảng 10.000 đến 30.000 tấn.
Gạo nhập khẩu và gạo dự trữ trong nước sẽ được phân phối cho khu vực miền bắc Ấn Độ qua cảng Ashuganj của Bangladesh.
Việc nhập khẩu và phân phối gạo là những thách thức đối với quốc gia đang nỗ lực trở thành cường quốc nông nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, khối lượng gạo nhập khẩu lần này của Ấn Độ quá nhỏ để có thể gây tác động đáng kể đến thị trường lúa gạo khu vực và thế giới.
Ấn Độ đã soán ngôi Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 2012, với lượng xuất khẩu hàng năm từ đó tới nay luôn đạt khoảng 10 triệu tấn. Ấn Độ nhập khẩu gạo lần gần đây nhất là vào đầu những năm 1990.
Ấn Độ đang tiến hành cải tổ trên quy mô lớn hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có hệ thống đường sắt – được xây dựng từ thời thuộc Anh khoảng gần 100 năm trước. Việc mở rộng kích thước đường sắt sẽ bắt đầu được tiến hành từ tháng 10 tới, và có thể hoàn thành vào tháng 4/2015.
Các bang Tripura, Mizoram, Manipur, và một số khu vực của bang Assam, nơi thường tiếp nhận ngũ cốc từ các cánh đồng lớn ở miền Bắc Ấn Độ, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc cải tổ hệ thống hạ tầng cơ sở. Gạo là lương thực chính của khu vực này, với lượng tiêu thụ ước tới 80.000 tấn mỗi tháng.
Chuyển gạo qua Bangladesh, nơi chỉ cách khu vực vài trăm km, sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian hơn nhiều so với vận chuyển bằng ô tô qua đường bộ - phải mất trên 1000 km, phần lớn là đường đèo núi.
Tổng công ty Lương thực quốc doanh Ấn Độ (FCI), đơn vị thu mua ngũ cốc chính của quốc gia này, vẫn sử dụng đường sắt để chuyển gạo và các ngũ cốc khác tới các bang miền Đông Bắc. Song do hệ thống đường sắt nhỏ và cũ nên việc vận chuyển thường xuyên bị chậm trễ hoặc gián đoạn.
Vân Chi