Giá chẳng buồn "nhích"
Anh Lê Hồng Quân, ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ cho biết, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL mấy ngày nay rất "buồn ngủ" mặc dù vụ thu đông đã vào cuối vụ, lúa trên đồng không còn bao nhiêu. "Mọi năm thời điểm này thương lái buôn bán xôm tụ lắm, giá lên vì cuối vụ khan hàng. Nhưng năm nay giá chẳng thèm nhích lên, doanh nghiệp không giao dịch, thương lái cũng vắng bóng"- anh Quân nói.
Xác nhận với phóng viên NTNN sáng ngày 11.12, bà Trần Thị Bông, thương lái thu mua lúa gạo ở vùng Thoại Sơn, An Giang, cho biết: "Giá lúa gạo hơn nửa tháng nay rớt mạnh từ 5.100 đồng/kg xuống còn có 4.500 đồng/kg lúa tươi IR 50404. Gạo nguyên liệu IR 50404 doanh nghiệp mua cũng giảm còn có 6.500 - 6.600 đồng/kg, giảm hơn 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân do một phần trời mưa bão, chất lượng lúa gạo giảm, một phần do doanh nghiệp ít ăn hàng, đặc biệt là thị trường tiểu ngạch qua Trung Quốc bị tắc, khiến thị trường trầm lắng hẳn".
Doanh nghiệp cũng than lỗ
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện các doanh nghiệp đã hết đầu ra, không có đơn hàng mới nên họ gần như đang ngừng giao dịch. Theo phan tích của ông Trần Thanh Văn- Phó Giám đốc Công ty Gentraco, với tình hình Thái Lan xả hàng ra, đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường thế giới giảm. "Hiện tại, gạo 5% tấm chúng tôi hạ giá chào xuống còn có 390 USD/tấn, thậm chí 380 USD/tấn mà còn không có ai mua. Thị trường nội địa lại không có trợ lực từ thị trường Trung Quốc, đã đóng cửa biên giới mấy ngày nay, thì thử hỏi sao không trầm lắng và giá xuống"- ông Văn nói.
Cũng chung nhận định như vậy, ông Lâm Anh Tuấn- Giám đốc Công ty Thịnh Phát cho biết hơn 3 tháng nay, công ty ông hoàn toàn ngồi chơi xơi nước, không có được một giao dịch hay hợp đồng mua bán, xuất khẩu nào. Tính cả năm 2014, công ty ông chỉ xuất khẩu được hơn có 2.000 tấn gạo, bằng 30% năm 2013. "Thú thật năm nay, doanh nghiệp nào càng làm nhiều thì càng lỗ. Thời điểm tháng 8, 9, báo chí cứ vui mừng thông tin giá gạo VN cao hơn Thái Lan 20 - 30 USD/tấn, nhưng đâu biết doanh nghiệp lỗ nặng vì giá nội địa tăng quá cao, trong khi Thái Lan lại được Chính phủ trợ giá. Nông dân nhìn ban đầu thì tưởng có lợi, nhưng về lâu dài thì có hại vì giá cao ngất ngưởng, không đúng thực tế thị trường khiến doanh nghiệp khó giao dịch và khách hàng chê mắc không mua. Thực tế đến nay đã chứng minh họ chuyển qua mua gạo Thái Lan hết và doanh nghiệp VN bị cho ra rìa khi hết các hợp đồng tập trung. Còn nông dân thì ôm hàng không ai mua khi phía Trung Quốc bỏ rơi, đóng cửa khẩu đường tiểu ngạch" - ông Tuấn phân tích.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường lúa gạo sẽ còn tiếp tục khó khăn qua năm 2015 do thế giới đang được mùa, Thái Lan lại xả hàng, nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu không tăng. Đặc biệt khi giá xăng trên thế giới đang hạ xuống thấp như hiện nay thì nhu cầu dùng lương thực sản xuất xăng sinh học không còn nhiều nữa, khiến một lượng lương thực dôi ra, tăng mức tồn kho sẽ khiến giá lương thực trong năm 2015 khó có khả năng tăng.