Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Sakchai Luangsathikul, Giám đốc Khu vực Kinh tế và Đầu tư 1 (Cục Đầu tư Thái Lan), về những lưu ý dành cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2015, ASEAN sẽ trở thành một thị trường chung và mở rộng cửa cho thương mại, đầu tư nước ngoài. Theo ông, doanh nghiệp thực phẩm Thái Lan đã chuẩn bị gì cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN?
Ông Sakchai Luangsathikul, Giám đốc Khu vực Kinh tế và Đầu tư 1 (Cục Đầu tư Thái Lan) |
Có thể nói, hầu hết doanh nghiệp đều tin rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để thu hút đầu tư và tăng xuất khẩu sang các nước trong lẫn ngoài ASEAN.
Đơn cử, Nhà máy Bắp ngọt Sunsweet tại tỉnh Chiang Mai dự định đẩy mạnh xuất khẩu sang Malaysia và Philippines, bên cạnh việc củng cố các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ. Doanh nghiệp Bee Products Industry ở tỉnh Lamphun sẽ tăng xuất khẩu mật ong sang Nhật Bản và Malaysia, trong khi doanh nghiệp Chiang Mai Fresh Milk tăng cường xuất sữa hộp sang Myanmar.
Một doanh nghiệp lớn khác là Premium Foods sẽ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam trong năm nay. Doanh nghiệp này có kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm để thâm nhập thị trường Việt Nam, đồng thời tiếp tục là đối tác của Unilever Indonesia và Malaysia.
Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm gì về phát triển nông nghiệp thành công từ doanh nghiệp Thái Lan?
Tôi có thể tổng kết 4 bí quyết chính để ngành thực phẩm Thái Lan tự tin hướng đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp Thái Lan không ngừng nâng cao chất lượng sản xuất và chủ động lấy các chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế như GAP, GMP, HACCP, Non-GMO, BRC, IFS, KOSHER và ISO. Ngoài ra, phần đông doanh nghiệp đều có chứng nhận Halal, đáp ứng yêu cầu của các nước đạo Hồi như Malaysia, Indonesia và khu vực Trung Đông. Điều này chứng tỏ, họ nhận thức rất rõ về nhu cầu khắt khe của các phân khúc thị trường khác nhau.
Thứ hai, doanh nghiệp thực phẩm Thái Lan ý thức được tiếng Anh là ngôn ngữ thương mại quốc tế, nên tất cả đều xây dựng website với đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh và các lãnh đạo phần lớn có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ này.
Thứ ba, phần đông doanh nghiệp Thái Lan rất hăng hái tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để gặp gỡ đối tác và xây dựng quan hệ kinh doanh. Chẳng hạn, chuỗi Hội chợ Food Ingredients (Fi Asia - Nguyên liệu thực phẩm) sẽ diễn ra tại TP.HCM (Việt Nam) từ ngày 20 đến 22/5/2015 và tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 9 đến 11/9/2015. Chuỗi hội chợ này sẽ có các buổi hội thảo về nông nghiệp công nghệ cao và an toàn thực phẩm, nên các doanh nghiệp rất quan tâm.
Thứ tư, doanh nghiệp Thái Lan nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ lẫn Cục Đầu tư Thái Lan. Luật Hỗ trợ đầu tư mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 có 2 nội dung quan trọng là: miễn thuế doanh nghiệp trong 5 năm cho các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu và miễn thuế máy móc và vật liệu cho việc xuất khẩu trong 1 năm.
Nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại quan ngại rằng, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực, nông nghiệp Thái Lan sẽ lấn át Việt Nam?
Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta nên nhìn nhận Cộng đồng Kinh tế ASEAN theo khía cạnh đây sẽ là cơ hội tốt cho các nước ASEAN phát triển thương mại nội khối, bên cạnh việc cạnh tranh thu hút vốn nước ngoài. Do vậy, Việt Nam và Thái Lan, với nhiều điểm tương đồng trong nông nghiệp, sẽ có nhiều dịp kết hợp, trở thành đối tác thương mại nông nghiệp của nhau.
Doanh nghiệp hai nước có thể hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm và mối quan hệ để thành lập một doanh nghiệp liên doanh đầu tư vào Myanmar. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Thái Lan cũng có thể ký hợp đồng với các trang trại ở Việt Nam và Myanmar trong tương lai.
Ngoài ra, ẩm thực Việt Nam đang rất thịnh hành ở Thái Lan, vì sử dụng nhiều rau và ít chất béo, hợp với xu hướng ăn kiêng của nhiều người Thái Lan. Đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường Thái Lan.
Cục Đầu tư Thái Lan sẽ có hỗ trợ cụ thể nào để xúc tiến thương mại Bắc Thái Lan - Việt Nam?
Cục rất khuyến khích doanh nghiệp Bắc Thái Lan đầu tư vào khu vực Đông Dương, bao gồm Việt Nam - Myanmar - Lào - Campuchia. Chúng tôi đang xúc tiến kế hoạch mở văn phòng đại diện Cục Đầu tư Thái Lan tại Việt Nam để giúp các nhà đầu tư Bắc Thái Lan tìm hiểu về thị trường năng động này.
Chính phủ Thái Lan đang xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao nối Trung Quốc - Chiang Rai - Chiang Mai - Hà Nội - TP.HCM… Ngoài ra, dự kiến các đường bay mới, trong đó có tuyến Chiang Mai - Hà Nội, sẽ hoàn tất vào cuối năm nay để kịp Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Tôi hy vọng, khi hệ thống đường sá phát triển, sẽ thúc đẩy thương mại giữa khu vực Bắc Thái Lan và Việt Nam.