14 quốc gia phối hợp chống dược phẩm giả

14 quốc gia phối hợp chống dược phẩm giả

Đối mặt với sự gia tăng của nạn buôn bán vận chuyển dược phẩm bất hợp pháp, cơ quan Hải quan tại các biên giới không ngừng ngăn chặn tệ nạn này nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Viện Nghiên cứu quốc tế về chống dược phẩm giả (IRACM) và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã phối hợp triển khai hoạt động hải quan với quy mô lớn trên diện rộng năm thứ 3 liên tiếp với tên gọi “hoạt động  Biyela 2” nhằm chống lại nạn vận chuyển dược phẩm giả có hại cho người tiêu dùng tại 14 quốc gia tiểu vùng Sahara Đông và Tây Phi.

Hoạt động Biyela 2 được triển khai tại 14 cơ quan Hải quan châu Phi trong 10 ngày (từ 26-5 đến 4-6-2014) nhằm  kiểm tra các lô hàng có nguy cơ chứa các dược phẩm giả.

113 triệu dược phẩm đã bị thu giữ, phần lớn là ở Benin, Tanzania và Cộng hòa dân chủ Công gô. Hầu hết các lô hàng đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Số dược phẩm giả Hải quan châu Phi thu giữ được phần lớn là thuốc chăm sóc ban đầu (32% thuốc giảm đau, 17%  thuốc kháng viêm, 5% thuốc kháng sinh) và các thuốc điều trị (17% thuốc chống lao).

Hoạt động này lần đầu tiên mang lại những kết quả đáng kể trong việc phát hiện sản phẩm thú y bất hợp pháp: Hơn 1 triệu loại thuốc tiêm tĩnh mạch bị thu giữ tại Benin, hơn 1 triệu loại dạng viên và lọ tại Mozambique và hơn 100.000 các loại thuốc tiêm tĩnh mạch tại Togo.

Theo Tổng thư ký WCO, số  lượng các vụ thu giữ trong hoạt động này cho thấy mối nguy hại của nạn buôn bán dược phẩm giả tại châu Phi. Để giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin ở cấp quốc gia giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng khác và sự phối hợp ở cấp độ quốc tế giữa các cơ quan Hải quan. Phiên bản thứ 2 của hoạt động Biyela tại 14 quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ quan Hải quan trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đưa ra các nguồn lực cần thiết để lực lượng Hải quan hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng việc tiếp tục tăng thêm  quyền hạn cho lực lượng Hải quan.

Giống như  tất cả các hành vi bất hợp pháp khác, việc xác định chính xác số lượng, phạm vi hoạt động vận chuyển đối với  dược phẩm giả là rất khó khăn. Tuy nhiên, trong 3 năm hợp tác giữa WCO và IRACM đã cung cấp một phần  bức  tranh của  các hoạt động buôn bán này diễn ra tại một số nước châu Phi.

Trong hơn 3 năm phối hợp triển khai 3 hoạt động (Vice Grips 2, Biyela và Biyela 2) lực lượng Hải quan châu Phi đã thu giữ 756 triệu dược phẩm giả trị giá hơn 370 triệu USD, ngăn chặn sản phẩm này tới tay người tiêu dùng.

Theo Giám đốc IRACM, Bernard Leroy, hoạt động hải quan này hoàn toàn cần thiết. Hải quan là lực lượng hàng đầu trong việc bảo vệ  và chống lại nạn buôn bán dược phẩm giả, song cuộc chiến này phải được thực hiện đồng thời trên cả mặt trận khác đặc biệt là hệ thống tư pháp và cơ quan lập pháp. Lực lượng Hải quan luôn phải đối mặt với các đối tượng côn đồ, băng đảng mafia, kẻ buôn lậu. Vì vậy điều cần thiết lúc này là tất cả các cơ quan quốc gia và quốc tế nhận thức sâu sắc về vấn đề này và có những hành động bảo vệ người tiêu dùng.

Giống như các hoạt động tội phạm khác, hành vi vận chuyển dược phẩm giả diễn ra chủ yếu bắt nguồn  từ những nơi  có hệ thống luật pháp yếu kém, nơi không có sự hỗ trợ của luật pháp, nơi người dân không được cung cấp thông tin, nơi khan hiếm thuốc, nơi chuỗi cung ứng phức tạp, nơi lực lượng kiểm tra còn thiếu, nơi tham nhũng phổ biến… Do nhiều yếu tố khác nhau như vậy nên nếu chỉ hành động đơn thuần trong phạm vi quốc gia thì IRACM không hy vọng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống dược phẩm giả.

IRACM đang tích cực trong quá trình tạo ra các mô hình pháp luật nhằm mục đích giúp đỡ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nạn dược phẩm giả như xác định được nguồn cung ứng thuốc, đưa những đối tượng buôn lậu ra trước pháp luật, tịch thu tài sản, để việc chống lại hành vi buôn lậu thuốc giả sẽ tốt hơn.

Hàng chục nghìn ống thuốc tân dược không hóa đơn chứng từ


Theo Hoàng Loan