Trong buổi kiểm tra của Đội quản lý thị trường số 14 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế PA81 - Công an TP.Hà Nội tại 3 bếp ăn tập thể trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, đã phát hiện có hiện tượng sử dụng thịt trâu trong việc chế biến các món ăn cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp.
Ngày 5.12, điều tra làm rõ đơn vị cung cấp hàng hóa cho 3 bếp ăn nói trên, lực lượng chức năng đã có buổi làm việc với đại diện Cty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Xí nghiệp Bắc Hà - Đông Anh - Hà Nội) ông Nguyễn Trọng Hùng - Giám đốc Cty - đã có xác minh trong biên bản làm việc của cơ quan kiểm tra: “Chúng tôi có cung cấp thực phẩm đông lạnh cho 4 Cty theo tài liệu đã xuất trình với cơ quan kiểm tra. Trong số thực phẩm đó có mặt hàng là thịt trâu và thịt bò đông lạnh do nước ngoài sản xuất, cơ sở mua của các đơn vị trong nước. Do quá trình vận chuyển, một số nhãn phụ của hai mặt hàng thịt trên rơi rụng, nên khi cơ sở giao hàng cho các bếp ăn nhân viên giao nhận không để ý nên đã sử dụng các nhãn của thịt bò đã rời ra và dán vào một số thùng thịt trâu”.
Tiếp tục lần theo dấu vết của lô hàng thịt trâu được gắn mác thịt bò, thì số hàng mà Cty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp cung ứng cho các bếp ăn chính là một phần trong số hàng mà đơn vị này đã nhập khẩu từ Cty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Thiên Bút (Chung cư Sơn Kỳ, đường CC2, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM), với số lượng thể hiện trên hóa đơn giá trị gia tăng bán hàng khoảng 7,8 tấn. Việc lý giải của đại diện đơn vị cung cấp hàng hóa cho các bếp ăn dường như chưa thỏa mãn thắc mắc của người tiêu dùng. Vậy 10.000 tấn thịt trâu nhập từ đầu năm đến nay nhãn mác đã bị rơi rụng chỗ nào, lượng thịt trâu này đã đi đâu?
15/40 tấn thịt trâu đông lạnh tại tổng kho không có kiểm dịch
Ngày 5.12, lực lượng quản lý thị trường và công an tiếp tục làm việc với Cty An Việt. Tại kho hàng lạnh của Cty An Việt, thịt trâu được đóng hộp và xếp chồng lên nhau, mỗi hộp là hai miếng thịt trâu được xếp úp vào nhau. Trên bao bì mỗi hộp có ghi “hạn dùng 11 tháng tính từ ngày sản xuất”, tuy nhiên nhãn mác này không ghi rõ ngày sản xuất mà chỉ ghi ngày nhập.
Lực lượng chức năng đã chốt số liệu với tổng số 2.393 thùng thịt trâu tương đương với hơn 40 tấn thịt trâu, số hàng hóa này là của Cty TNHH xuất nhập khẩu thương mại và dịch vụ Tân Đại Dương có địa chỉ tại số 31 ngách 61/255 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội. Cty Tân Đại Dương đã xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc của 1.755 thùng thịt trâu (với trọng lượng từ 18 - 20kg/thùng). Số còn lại 754 thùng Cty chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ nguồn gốc hàng hóa, đoàn kiểm tra đã ra quyết định tạm giữ 754 thùng thịt trâu để tiếp tục xác minh làm rõ sự việc.
Làm việc với Ban 389, ông Đoàn Mạnh Dương - GĐ Cty Tân Đại Dương - cho biết, trong kho có khoảng 1.600 thùng thịt trâu nhập từ Ấn Độ về bán buôn cho các đại lý. Tuy nhiên, khi được hỏi bán cho đại lý nào thì vị GĐ này lại “không nắm rõ”.
Ngoài ra, các thông tin cơ bản về hàng hóa như quy trình nhập khẩu, nhập vào bao nhiêu tiền 1kg, bán ra bao nhiêu, thì vị GĐ này này đều trả lời: “Không nắm rõ, các đơn vị bên dưới làm rồi báo cáo lên”. Cũng trong quá trình trao đổi, GĐ Cty Tân Đại Dương một mực khẳng định “Hàng nhập là thịt trâu thì hàng bán ra cũng là thịt trâu, chứ không phải trâu giả bò”. Tuy nhiên, với cương vị người chịu trách nhiệm chính trước pháp luật, GĐ Cty Tân Đại Dương cũng không biết thịt trâu Cty nhập về bán lại cho những đại lý nào, đang tạo ra những nghi vấn về hoạt động “mập mờ” của Cty này.
Trước những diễn biến của sự việc, đoàn kiểm tra quyết định tiếp tục tạm giữ lô hàng để làm rõ sự việc đồng thời lấy mẫu kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm đối với những mẫu thịt trâu bị làm giả bò tại các bếp ăn KCN.
Theo Thu Hà - Thông Chí - Công Thắng