Hai mươi năm vẫn bài toán thương hiệu gạo

Hai mươi năm vẫn bài toán thương hiệu gạo

Việt Nam liên tục lọt vào top 3 nước XK gạo lớn nhất thế giới, nhưng 20 năm qua, gạo Việt vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu. Đến nay, Việt Nam vẫn đang loay hoay bàn việc xây dựng thương hiệu cho gạo XK, liệu có muộn.

Xuất nhiều, được bao nhiêu?

Thị phần của Vinafood 1 và Vinafood 2 vẫn chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo XK của Việt Nam. Các doanh nghiệp XK vì lợi ích của mình có khuynh hướng duy trì chính sách tăng sản lượng tối đa để XK. Điều này dẫn tới một loạt hệ quả như sự khai thác đất tối đa phục vụ tăng sản lượng, thiếu chọn lọc về giống và chất lượng đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành sản xuất lúa gạo. Do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và trợ cấp khác nhau từ ngân sách nhà nước nên ngành lúa gạo Việt Nam đang có khuynh hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, để XK với giá thấp. Chúng tôi đề xuất nên tính đủ phần trợ cấp vào giá gạo XK để phản ánh đúng chi phí sản xuất và đảm bảo quyền lợi của người dân. XK phải chú trọng vào tăng giá thay vì sản lượng, mới tạo động lực cho DN và người nông dân chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, lựa chọn giống lúa thuần chủng, chất lượng cao, làm tăng tính cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2014, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia đứng top đầu về XK gạo. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2014, Việt Nam đã XK được 6,378 triệu tấn gạo, trị giá 2,955 tỷ USD, giảm 3,2% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013, trong đó gạo cấp thấp chiếm 21,08%, gạo cấp trung bình chiếm 11,58%, gạo thơm chiếm 20,62%, gạo đồ chiếm 1,29%...

Gạo Việt Nam đã được XK sang 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore. Thị trường XK lớn nhất là khu vực châu Á chiếm hơn 75%, châu Phi chiếm 12,68%, châu Mỹ chiếm 7,58%...

Số lượng XK nhiều là thế, được nhiều thị trường biết đến là thế, nhưng xét cả quá trình sản xuất và XK lúa gạo thời gian qua cho thấy gạo Việt Nam số lượng nhiều song chất lượng thấp, giá thành cao nên XK thiếu tính cạnh tranh.

Nhìn vào con số XK trong 3 năm gần đây có thể thấy rõ điều đó. Năm 2012, sản lượng gạo XK đạt hơn 7,7 triệu tấn (tăng 8,3% so năm 2011) nhưng giá trị có 3,45 tỷ USD (giảm gần 2%); năm 2013 các DN XK gạo được 6,7 triệu tấn, giá trị tiếp tục giảm còn 2,89 tỷ USD và năm 2014, xu hướng giảm về lượng và giá trị vẫn tiếp diễn.

Sự thiếu cạnh tranh của gạo Việt trước hết thể hiện ở việc bị cạnh tranh gay gắt với các nước cùng tập trung vào sản xuất gạo ở phân khúc trung, cấp thấp như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan...

Mặc dù, theo đánh giá của Bộ Công Thương, cơ cấu chủng loại gạo XK tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, gạo cấp thấp đã giảm trên 28% về lượng, thay vào đó là tăng trưởng mạnh XK gạo thơm đạt trên 1,52 triệu tấn, tăng gần 35% về lượng so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, gạo phẩm cấp thấp vẫn chiếm đến 70%, dẫn đến Việt Nam phải giảm giá bán, lợi nhuận vì thế cũng teo tóp, đồng thời bị mất thị phần ở nhiều thị trường.

Ví dụ như năm 2014, XK gạo sang thị trường châu Phi đã giảm đến gần 60%, do sự cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của Thái Lan với lượng gạo tồn kho cũ và giá rẻ, khiến thị phần gạo Việt Nam ở thị trường châu Phi chỉ còn gạo thơm Jasmine. Tại thị trường châu Âu, lượng gạo XK của nước ta cũng giảm tương đương, gần 57% so với năm 2013. Nguyên nhân là do gạo Việt Nam vào thị trường này phải đóng thuế cao, không cạnh tranh nổi với các nước được hưởng thuế ưu đãi phổ cập (GSP) và các nước được cấp hạn ngạch NK với mức thuế thấp hơn.

Nguyên nhân sâu xa hơn được nhiều người đề cập đến là do gạo Việt không có thương hiệu. Theo giới chuyên gia, lâu nay, gạo của Việt Nam chưa có thương hiệu vì chưa có chữ tín, bởi chúng ta chỉ làm phần ngọn mà không chú trọng phần gốc. Vì thế, DN chưa tổ chức được mạng lưới thu mua và xây dựng vùng nguyên liệu khiến chất lượng gạo XK không đồng nhất, các loại gạo hạt dài bị gom chung với nhau, trong khi chất lượng khác nhau hoàn toàn.

Rốt ráo xây dựng thương hiệu

Tình hình XK gạo của Việt Nam trong năm 2015 tiếp tục được dự báo có nhiều khó khăn. Minh chứng cho nhận định này là ngay từ tháng đầu năm 2015, XK gạo chỉ đạt 312.000 tấn, trị giá 152 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và giảm 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Chưa kể đến, khó khăn về thị trường cũng là trở ngại vô cùng lớn cho XK gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 3 năm qua, Trung Quốc liên tục là thị trường NK gạo lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2015, dự báo gạo XK của Việt Nam vào nước này sẽ giảm mạnh, kể cả tiểu ngạch và chính ngạch do Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua 2 triệu tấn gạo của Thái Lan. Mexico cũng là thị trường có tiềm năng nhưng từ tháng 1-2015, nước này chính thức đánh thuế NK gạo 20% và lúa 9% để bảo hộ sản xuất trong nước cho nên đã ảnh hưởng đến XK của nước ta.

Với diễn biến được dự báo trong năm 2015, có thể thấy trong ngắn hạn gạo Việt chắc chắn còn bị cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường XK chủ lực chứ chưa nói đến việc XK sang thị trường mới. Về lâu dài, đến năm 2022, nước ta vẫn đề ra mục tiêu là nước XK gạo đứng thứ 2 thế giới, sau Thái Lan. Tuy nhiên, vị trí này đang chịu sự cạnh tranh của một số nước đang đẩy mạnh sản xuất và XK gạo như: Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ và cả Myanmar, Campuchia… Trong khi việc giữ vững ngôi vị này nhờ vào việc tăng trưởng số lượng XK không thể trông chờ bởi lượng gạo XK của Việt Nam đã đến "ngưỡng". Do vậy, mục tiêu này muốn đạt được thì phải đi theo hướng khác. Đó là nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Trước mắt, theo khuyến cáo của các chuyên gia, để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam cần canh tác lúa để đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời hạn chế các giống lúa phẩm chất thấp thay vào đó là các giống lúa có phẩm chất cao, thơm dẻo hơn. Một vấn đề cấp bách khác đến nay đang được các bộ, ngành rốt ráo triển khai đó là việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Một vị lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, để phát triển thị trường XK gạo, xây dựng và quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường là việc làm thường xuyên và cấp bách trong khoảng thời gian 3-5 năm tới. Do vậy, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét dành nguồn kinh phí tối thiểu 30 tỷ đồng từ năm 2015 đến 2020 dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường XK gạo.

Việc xây dựng thương hiệu gạo không thể "một sớm một chiều" đã thành công nhưng đã đến lúc các bộ, ngành cần vào cuộc để nhanh chóng định vị được thương hiệu gạo trên thị trường thế giới.

Để đẩy mạnh XK gạo trong thời gian tới, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Cụ thể, Bộ NN&PTNT rà soát, ban hành và triển khai thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gạo XK, tiêu chuẩn bao bì XK gạo bảo đảm phù hợp với yêu cầu thị trường; khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam. Bộ NN&PTNT tăng cường công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước sở tại về vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định liên quan đến hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, phát triển bền vững, duy trì đảm bảo chất lượng, tạo sản phẩm có giá trị cao qua khâu chế biến đối với mặt hàng gạo.