TTF và GDT thụ hưởng từ TPP

Trong khi nhóm CP dệt may và thủy sản vốn là những ngành hưởng lợi trực tiếp từ TPP  đang trên đà đi xuống, thậm chí nhiều NĐT còn thua lỗ khi nắm giữ 2 nhóm ngành này, thì nhóm CP gỗ lại ghi nhận được mức tăng hết sức ấn tượng.

Cơ hội xuất khẩu bắt đầu

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lũy kế 11 tháng năm 2015 Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 6,1 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ). Nhìn lại kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam trong các năm gần đây, có thể thấy thấy tốc độ tăng trưởng sản lượng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã bị chững lại từ năm 2010 và chưa có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại (số liệu tính đến tháng 11-2015), nhưng ước tính tháng 12 còn lại của năm 2015 tốc độ tăng trưởng ngành được dự báo sẽ quanh mốc 10%. Điều này trái với dự đoán từ đầu năm khi TPP được kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến kim ngạch xuất khẩu các ngành được hưởng lợi trực tiếp như gỗ, thủy sản hay dệt may.

TPP tuy chưa có tác động cụ thể đến ngành trong thời gian qua, nhưng nếu xét về gỗ và các sản phẩm từ gỗ, Việt Nam hiện có kim ngạch xuất khẩu lớn trên thế giới và các ưu thế về thuế và thị phần so với các đối thủ khác trong ngành như Trung Quốc, Đức, Italia.

Tuy nhiên, theo số liệu được công bố của Tổ chức WorldRichestCountries, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ hàng năm (số liệu cập nhật đến hết năm 2014). Cụ thể, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu gỗ trong năm 2014 hơn 6 tỷ USD (tương đương 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới) và chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Đức, Italia, Hà Lan, Hoa Kỳ và Mexico.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong 10 năm gần đây luôn giữ ở mức dương và trong 5 năm gần nhất tốc độ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam vẫn luôn giữ ở mức 2 con số. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, các thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ (40,7%), EU (15,8%), Nhật Bản (15,6%), Trung Quốc (14%) và Hàn Quốc (7,7%) .

Như vậy Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng thị phần khi gia nhập TPP. Phần lớn các nước có kim ngạch nhập khẩu gỗ lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và EU cũng đồng thời là các thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam. Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong cuộc chiến cạnh tranh ở các thị trường nhập khẩu gỗ lớn, ngành gỗ Việt Nam sở hữu 1 số ưu thế: lợi thế về giá so với đối thủ lớn nhất là Trung Quốc do không bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ; các nước xuất khẩu gỗ lớn trong khối châu Âu như Đức, Hà Lan đều đang chuyển dần từ phân khúc cấp thấp sang cung cấp các sản phẩm cho phân khúc cao cấp.

Ngoài các ưu thế trên, TPP sẽ giúp các thiết bị sản xuất gỗ nhập khẩu về Việt Nam có mức thuế nhập khẩu được điều chỉnh từ mức hiện hành vào khoảng 17-20% về còn 3-4% khi hiệp định chính thức có hiệu lực. Do vậy, ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu xuất khẩu nếu tận dụng được hết các ưu thế sẵn có.

Phân hóa giữa các doanh nghiệp

Từ sự kỳ vọng về TPP, giá các CP trong các ngành như dệt may, thủy sản hay gỗ được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, phản ánh triển vọng khả quan của ngành. Theo VDSC, tính từ đầu năm cho đến nay, NĐT vào 2 ngành thủy sản và dệt may (vốn là những ngành được hưởng lợi trực tiếp từ TPP) gần như không nhận được thành quả đầu tư, thậm chí nhiều người còn thua lỗ nếu nắm giữ trong 1 năm. Trong khi đó, các mã CP ngành gỗ lại cho thành quả đầu tư khả quan với những diễn biến giá trong thời gian gần đây. Đơn cử mã TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành. TTF khởi đầu năm 2015 với mức giá chỉ hơn 10.000 đồng/CP, nhưng tính đến phiên giao dịch cuối tuần trước, TTF đóng cửa ở mức 26.600 đồng/CP (tương đương mức tăng 160%).

Sản phẩm đồ chơi của GDT được đóng gói xuất khẩu. Ảnh: LONG THANH

Tương tự là mã GDT của CTCP Chế biến gỗ Đức Thành. Mặc dù giá hiện tại của GDT chỉ tương đương với giá đầu năm, nhưng trên thực tế NĐT nắm giữ CP của doanh nghiệp này đã được tận hưởng niềm vui từ cổ tức tiền mặt và CP trong năm 2015 gồm: 15% CP (trả cổ tức năm 2014), cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền mặt (tỷ lệ 15%), nhận cổ tức đợt 2 năm 2015 bằng tiền mặt (tỷ lệ 15%). Nếu cộng cả 3 khoản cổ tức này NĐT nắm giữ GDT trong năm 2015 sẽ ghi nhận được mức lợi nhuận lên đến 90%.

Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, diễn biến giá các CP trong ngành gỗ đã bắt đầu có sự phân hóa khá rõ rệt và gần như đều diễn biến tương tự như kết quả kinh doanh quý III đã công bố của doanh nghiệp. Nhóm CP vốn hóa lớn như TTF, GDT ghi nhận diễn biến giá tích cực, có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý III đều trên 2 con số. Trong khi đó, ở chiều ngược lại nhóm CP vốn hóa nhỏ như CTCP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (SAV) hay CTCP Nam Việt (NAV) ghi nhận diễn biến giá kém tích cực do ảnh hưởng từ tình hình sản xuất kinh doanh bất động sản bết bát. Đơn cử là trường hợp SAV, doanh nghiệp này vẫn đang nằm trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của công ty, tính đến ngày 30-6 vẫn còn âm hơn 9,3 tỷ đồng.