Cổ phiếu cao su: Không có chỗ để lướt sóng 

Các chuyên gia khuyến nghị NĐT nên cân nhắc giữ trong dài hạn.

Giá bán mủ cao su bình quân năm 2014 được dự báo sẽ giảm 16,3% so với 2013, do dư cung cao su thế giới đang gây áp lực lên giá bán trong nước. Trong khi đó, chi phí khấu hao và chi phí lãi vay đang ăn mòn lợi nhuận của nhiều DN niêm yết, khiến không ít NĐT tỏ ra bất an.

Đơn cử, trong báo cáo tài chính của DRC (Cao su Đà Nẵng) ghi rõ, chi phí tài chính ròng tăng mạnh 3,5 lần so cùng kỳ, lên 73,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng mạnh lên 47,1 tỷ đồng, từ mức 2,3 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2013. Hiện tại, chi phí lãi vay và chi phí khấu hao tác động đáng kể lên kết quả kinh doanh của DRC, khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 giảm 2,1%, còn 184,9 tỷ đồng.


Ảnh minh họa

Trên quan điểm đầu tư thận trọng, nhiều NĐT bắt đầu xuất hiện tâm lý bán ra cổ phiếu cao su và phần lớn hành động này đã phản ánh trên giá cổ phiếu. Tuy nhiên, theo nhận định của một số CTCK, NĐT không nên mất bình tĩnh vì thị trường vẫn kỳ vọng giá cao su sẽ hồi phục vào cuối năm 2015, khi nguồn cung thế giới bắt đầu giảm. Do đó, 2015 có thể là thời điểm đà giảm giá cao su sẽ chững lại do dư cung thu hẹp.

Tổ chức nghiên cứu cao su thế giới (IRSG) vừa đưa ra ước tính dư cung trên thế giới trong 2015 sẽ giảm 45,6%, xuống chỉ còn 202.000 tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân các nước đang giảm, thậm chí ngừng khai thác mủ, phản ứng với sự sụt giảm liên tục của giá cao su. Đây là tín hiệu tốt với giá cao su trong năm 2015. Ngoài ra, đối với nông nghiệp, ngành cao su luôn được hưởng những chính sách hỗ trợ ưu đãi như lãi suất, cơ cấu nợ... Đặc biệt, các cổ phiếu đang được giao dịch tại P/E cao, phù hợp với tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Ví dụ, DRC dự báo giao dịch tại P/E 2014 và P/E 2015 lần lượt khoảng 12,6 lần và 10,1 lần, phù hợp với tiềm năng tăng trưởng của DN trong trung và dài hạn. Theo đánh giá của CTCK Maybank KimEng, NĐT nên giữ cổ phiếu này vì dự báo doanh thu 2014 của DRC được đưa ra ở mức tăng trưởng khoảng 23,4% so với năm 2013, đạt 3.455 tỷ đồng. Đồng thời cũng kỳ vọng DRC sẽ tiêu thụ được khoảng 135.000 chiếc lốp radian với giá bán bình quân 5,5 triệu đồng/lốp.

Tương tự, CTCK VCSC cũng đưa ra đánh giá khả quan đối với DRC. VCSC áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền 5 năm với EPS dự báo có tăng trưởng kép hàng năm là 7,8%. Trong năm 2014, DRC sẽ được thuế thu nhập DN 22%, giảm so với mức cũ là 25%. Do đó, lợi nhuận sau thuế ước chỉ giảm nhẹ 4,4% xuống còn 358,8 tỷ đồng trong năm nay.

Tương tự, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) chưa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng năm 2014, nhưng thông tin đáng chú ý là PHR thoái vốn xong 18,86% cổ phần tại CTCP Chế biến gỗ Thuận An (GTA) với lợi nhuận ước tính đạt 20 tỷ đồng. Phần lợi nhuận này sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý III/2014 của DN. Ngoài ra, PHR sẽ tiếp tục thoái vốn 19,85% cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn (VRG) và 4% cổ phần CTCP Công nghiệp và xuất nhập khẩu cao su trong năm 2014. Hoạt động thoái vốn sẽ giúp PHR tập trung vào cải thiện hiệu quả mảng sản xuất kinh doanh chính, đồng thời giúp DN giữ lợi nhuận không giảm sâu trong lúc giá cao su ở mức thấp.

Theo các chuyên gia, hiện tại NĐT có thể an tâm với cổ phiếu PHR vì DN này có kế hoạch chia cổ tức 2014 là 20-30% mệnh giá, tương ứng với lợi tức cổ tức 7,3% - mức tương đối hợp lý so với mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng. Kế hoạch cổ tức PHR hoàn toàn khả thi do DN vẫn nắm giữ lượng tiền mặt tương đối cao. Cụ thể, đến cuối quý II/2014, lượng tiền mặt PHR có là 397 tỷ đồng, tương đương 4.900 VND/cổ phiếu, chưa kể các khoản đầu tư ngắn hạn 142 tỷ đồng. Còn về tỷ lệ chi trả cổ tức/EPS (payout ratio), CTCK Maybank KimEng ước tính khoảng 58% là tương đối hợp lý.

Như vậy, với mức giá hiện tại, PHR đang được định giá hợp lý tại P/E 2014 là 7,9 lần, xấp xỉ trung bình ngành nên cổ phiếu này cũng được khuyến nghị nên giữ trong dài hạn.

Xét ở yếu tố thận trọng, có thể cổ phiếu cao su luôn chứa đặc tính khó ước tính doanh thu, lợi nhuận, giá không biến động nhiều và tỷ lệ lợi tức không cao. Thậm chí, xét về mặt thị trường thì thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng không cao, mức độ biến động theo diễn biến thị trường không quá lớn. Đây được coi là một lý do quan trọng khiến định giá cổ phiếu nhóm này ở mức thấp so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, như những phân tích ở trên, các CTCK đưa ra điểm hấp dẫn của cổ phiếu ngành trong bối cảnh ngành còn rất nhiều khó khăn. Nhìn chung, nhóm cổ phiếu này NĐT có thể giữ nhưng không phải là cổ phiếu phù hợp để những NĐT quen lướt sóng đầu tư.