3 kịch bản cho TTCK Việt Nam 2016

3 kịch bản cho TTCK Việt Nam 2016

(NDH) Đưa ra 3 kịch bản cho thị trường, tuy nhiên chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp ưu tiên cho kịch bản trung tính với VNIndex có thể về vùng 640 điểm sau đợt Tết dương lịch và chốt 600 điểm vào cuối năm.

TTCK Việt Nam 2015 trải qua nhiều biến động và chịu tác động lớn từ nhiều yếu tố như FED tăng lãi suất, phá giá đồng Nhân dân tệ, tỷ giá VNĐ bị điều chỉnh... Năm 2016, thị trường sẽ vận động ra sao, dòng tiền sẽ chảy theo hướng nào? Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Hồng Điệp, chuyên gia chứng khoán về những vấn đề trên.
Nhiều người cho rằng TTCK năm 2016 sẽ rất khó khăn, chưa thể bật mạnh hoặc chỉ hoạt động dè dặt. Quan điểm của ông về TT năm 2016 như thế nào?
TTCK năm 2016 sẽ chờ đón rất nhiều sự kiện quan trọng. Nếu để nói ngắn gọn về thị trường thì năm 2016 có thể là năm CK sẽ hoạt động khác biệt hơn, TT sẽ phân hóa nhiều hơn. Nếu năm 2014 là năm của dòng dầu khí, năm 2015 là năm của dòng Ngân hàng, thì dòng dẫn dắt năm nay sẽ luân phiên theo từng giai đoạn.
Có thể dòng Bank sẽ tích cực vào quý I, quý II có thể là quý của dòng chứng khoán, còn quý III sẽ nhường chỗ cho cổ phiếu bất động sản, cuối cùng là sự phục hồi của dòng dầu khí vào quý IV. Bên cạnh đó, các cổ phiếu có những thông tin thoái vốn SCIC, thông tin về room, về TPP, cũng có thể mang lại thành quả vào từng thời kỳ.
Vì không có dòng nào dẫn đầu, cho nên sự linh hoạt sẽ diễn ra trong cả năm, tôi đưa ra 3 kịch bản TT cho năm 2016, theo xác suất giảm dần.
Kịch bản thứ nhất (trung tính), thị trường ngay Tết dương lịch sẽ có đợt tăng trưởng tốt. Khối ngoại ngừng bán ròng. Có thể chỉ số VNIndex sẽ kiểm nghiệm lại vùng đỉnh 640 điểm. Vào giữa năm, TT sẽ bước vào chu kỳ điều chỉnh, giao dịch lình xình, chỉ số có thể về mức 550 điểm. Cuối năm, TT có thể sẽ hồi phục và giao dịch quanh 600 điểm.
Kịch bản thứ hai (tích cực), từ đầu năm đã có dòng tiền giải ngân của các Quỹ, TT sẽ có đợt tăng trưởng dài. Dù có điều chỉnh, nhưng vẫn giữ xu hướng đi lên. Thanh khoản TT được tăng cao, trung bình 150 triệu cổ phiếu /HoSSE. Vn-index sẽ vở đỉnh, có thể đạt điểm 680. Kết thúc năm VNIndex vẫn giữ được xung lực tốt, có thể đạt tầm 650 điểm.
Kịch bản thứ ba (tiêu cực), thị trường sẽ giao dịch trầm lắng, chỉ có vài cơn sóng nhỏ tập trung vào đầu năm. Nước ngoài sẽ bán ròng liên tục, rút tiền ra khỏi TT. FED sẽ tăng lãi suất đúng kế hoạch, NDT sẽ bị phá giá, giá dầu ở quanh vùng 30-40 USD/thùng, tỷ giá trong nước luôn ở trạng thái căng thẳng. Dự báo VnIndex sẽ thủng đáy 510 điểm. Cho dù có thể có những cơn sóng le lói trong năm, nhưng biên độ chỉ số là 480-610 điểm. Kết thúc năm chỉ số đạt 550 điểm.
Ông cho rằng những yếu tố nào sẽ tác động tích cực và tác động tiêu cực tới TT năm 2016?
Về các tác động vào TTCK năm tới sẽ là 2 hướng, từ bên ngoài và từ chính nội tại của nền kinh tế. Về tác động từ ngoài, sẽ là sự chờ đón các động thái tiếp theo của FED. Mặc dù FED đã công bố năm 2016 có thể sẽ tăng LS lên đến 1%, nhưng với sự thận trọng vốn có, FED nếu tăng, cũng sẽ rất từ từ. Cá nhân tôi dự báo, FED sẽ không thực hiện theo lộ trình trên. Tôi nghiêng về kịch bản FED sẽ chỉ tăng 1, tối đa là 2 lần LS trong năm 2016, tổng cộng là 0,5%. Mỹ không thể không tính đến bài toàn kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng là bài toán khó cho Mỹ. Việc kinh tế Trung quốc “hạ cánh cứng” hay “mềm” sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách hành xử của phố Wall.
Tác động thứ hai là việc phá giá đồng nhân dân tệ. Khi NDT được đưa vào rổ SDR, nhu cầu mua đồng tiền này tăng cao. Nhưng đa số các nước phương Tây, lại đánh giá NDT đang được định giá cao hơn so với sức mạnh thực sự. Trong cùng lúc đó, TQ lại muốn NDT giảm xuống để canh tranh xuất khẩu. Chính với những yếu tố trùng hợp này, khả năng đồng NDT sẽ tiếp tục bị điều chỉnh. Tác động cuối cùng là tác động của giá dầu. Cuộc chiến giành thị phần chưa có hồi kết. Dư cung, cầu thì yếu do kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, tất cả những điều này làm dầu đang giao dịch ở vùng thấp. Trong tương lai gần, dầu rất khó vượt lên mức 50 USD/thùng.
Còn các yếu tố từ bên trong nền kinh tế Việt Nam thì sao, thưa ông?
Tỷ giá sẽ là vấn đề nổi trội. NHNN cần có cam kết, có lộ trình để bảo vệ sự ổn định của tỷ giá. Nếu tỷ giá trong năm 2016 được điều chỉnh tuyệt đối (bao gồm cả tỷ giá chính thức, biên độ trần) vào khoảng 5%, thì đây cũng là việc TT chấp nhận được. Bên cạnh tỷ giá là vấn đề nợ công, thu chi ngân sách. Nhưng với việc Việt Nam sẽ phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, vấn đề thiếu hụt chi tiêu sẽ tạm thời bị đẩy lùi.
Còn về các vấn đề liên quan trực tiếp đến TTCK thì chúng ta chờ những hành động cụ thể, quyết liệt từ UBCK về việc hướng dẫn mở room, về việc triển khai các sản phẩm như Covered Warrant. Những việc này có thể làm tăng thanh khoản cho TT, tăng sức hấp dẫn cho khối ngoại.
Vậy còn khối ngoại, động thái của khối ngoại với thị trường năm tới sẽ ra sao?
Về động thái của khối ngoại thì chúng ta phải có cái nhìn xa hơn. Năm 2014, khối ngoại rót ròng 4.000 tỷ đồng, năm 2015, con số này chỉ còn khoảng 1.400 tỷ đồng. Đặc biệt trong 2 tháng 11 và tháng 12, khối ngoại bán ròng rất mạnh, khoảng 3.000 tỷ đồng. Nhưng nếu phân tích kỹ, ai đã bán ròng trong năm 2015?
Đầu tiên là một số quỹ đóng đã hết hạn, điển hình trong số này là Red River Holding. Theo những nguồn tin riêng, trong năm 2015, RRH đã bán ròng khoảng 900 tỷ đồng, tập trung vào HPG,HSG, HDC, BCI, NNG, VNM. Như vậy, trong 2 năm tới, RRH sẽ phải thoái tiếp khoảng 2.400 tỷ đồng nữa.
Ngoài RRH, một số hoạt động thoái vốn của một số Quĩ tập trung vào các mã như MSN, VIC, HAG, KDC, PVD cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến con số bán ròng. Chỉ tính sơ bộ với 5 mã cổ phiếu trên, khối ngoại đã bán ròng khoảng 4.500 tỷ đồng. Như vậy, nếu cộng với số của RRH, chúng ta có con số bán ròng là hơn 5.400 tỷ đồng. Điều này nói lên ý nghĩa gì? Có nghĩa là việc khối ngoại bán ròng chỉ là mang tính cục bộ, tập trung vào các "câu chuyện" của một vài mã riêng lẻ. Nó không đại diện cho xu hướng "tháo chạy" khỏi TTCK Việt Nam. Ngược lại, luôn có một dòng tiền khối ngoại sẵn sàng đổ vào Việt Nam.
Năm 2016 sẽ là năm có nhiều khó khăn thách thức. Cuộc chiến tranh giành thị phần Dầu mỏ cũng sẽ làm giá dầu giữ ở mức thấp. Đây cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không thuận lợi cho dòng vốn ngoại có thể trở lại đầu tư vào dòng này. Những dòng vốn nóng, mang tính đầu cơ, có thể trong một giai đoạn ngắn hạn nào đó, sẽ gây tâm lý tiêu cực cho toàn TT. Tuy nhiên, còn có rất nhiều dòng vốn đầu tư dài hạn, mang tính chiến lược, của nhiều Quỹ đầu tư ngoại khác, sẽ có thể tiếp tục được rót vào TTCK Việt Nam.
Rõ ràng, với P/E của 2 sàn chỉ ở mức 11-12 như hiện nay, cổ phiếu Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các NĐT ngoại. Cho dù tỷ giá có những sự thay đổi trong năm 2016, nhưng khả năng sẽ không làm giảm được dòng vốn ngoại rót vào VN. Hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng năm 2016 sẽ là năm khối ngoại sẽ quay trở lại rót ròng mạnh hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi vừa rồi!