Y tế Việt Nhật dự kiến lợi nhuận sau thuế quý III đạt 60 tỷ đồng

(NDH) Dự kiến quý III, doanh thu của JVC đạt khoảng 300 tỷ, lợi nhuận sau thuế khoảng 60 tỷ. Theo chiến lược để ra, đến năm 2018, doanh thu khám sức khỏe lưu động, doanh thu liên kết sẽ đóng vai trò chủ đạo, chiếm 60% tổng doanh thu.

Trao đổi trong buổi họp cổ đông bất thường 2014, Công ty Cổ phần Y tế Việt Nhật (mã JVC –HOSE) cho biết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng tốt nhờ sự gia tăng doanh thu từ 3 hoạt động kinh doanh chính.

Cụ thể, doanh thu bán hàng tăng trưởng tốt, các dự án liên kết bắt đầu đi vào hoạt động cuối năm 2013, trong 6 tháng 2014 đã đi vào hoạt động ổn định, doanh thu tăng đều và cao hơn các tháng cuối năm 2013, bên cạnh đó giá vốn khấu hao các dự án đó không thay đổi.

Điều đó dẫn tới biên lợi nhuận tăng. Cuối năm 2013, đầu 2014, công ty có chiến lược đặt máy in vào các bệnh viện để cung cấp vật tư tiêu hao. Việc này giúp công ty bán được một lượng vật tư tiêu hao lớn, giá bán tốt, doanh thu vật tư tiêu hao tăng, biên lợi nhuận của hoạt động này cũng tăng.

JVC cũng cho biết dự kiến trong quý III/2014, doanh thu ước tính đạt khoảng 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 60 tỷ. Trong khi cùng kỳ năm trước, lợi nhuận quý 3 chỉ khoảng hơn 10 tỷ đồng. Nếu đúng như dự tính của công ty, lũy kế 9 tháng đầu năm, JVC thu lãi ròng 82 tỷ đồng, hoàn thành 58% kế hoạch đề ra.

JVC và tiềm năng kinh doanh

Lĩnh vực JVC kinh doanh là một lĩnh vực đặc thù, với nhu cầu khám chữa bệnh là 1 nhu cầu cấp thiết đối với mỗi người. Thị trường của JVC với dân số khoảng 90 triệu dân, bệnh viện công khoảng 1.160 bệnh viện, phòng khám tư khoảng 40.000 phòng khám. Tương lai, với dự án trái phiếu Chính phủ, sẽ có khoảng 4 trung tâm mỗi tỉnh. Như vậy đây là một bức tranh y tế trong tương lai với đất kinh doanh rất tiềm năng.

Những vấn đề JVC đang kinh doanh đến 80% là lĩnh vực các công ty khác không làm. Về hoạt động khám sức khỏe lưu động đã và đang mang lại doanh thu với mức tăng trưởng tốt. Với hoạt động đầu tư liên kết JVC là một trong những công ty đi tiên phong. Hiện nay JVC đang là 1 trong những doanh nghiệp mạnh nhất trong hoạt động đầu tư liên kết.

JVC còn cho biết một trong các lợi thế của công ty là nhà phân phối độc quyền của Hitachi, nhất là khi thực hiện các dự án từ các nguồn tài trợ
nước ngoài như Jica, ODA,… Không chỉ vậy, các sản phẩm của Hitachi luôn có mức giá cạnh tranh.

Hoạt động đầu tư liên kết và xe khám sức khỏe lưu động sẽ là lĩnh vực chiến lược trong tương lai

Chiến lược mà công ty nhắm tới là đẩy mạnh doanh thu của hoạt động đầu tư liên kết và xe khám sức khỏe lưu động. Hai mảng doanh thu này tăng trưởng đều, hầu như không có rủi ro và không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế.

Mục tiêu đến năm 2018, tỷ trọng doanh thu khám sức khỏe lưu động, doanh thu liên kết sẽ chiếm 60% tổng doanh thu. Kế hoạch năm 2018, doanh thu dự kiến 3.000 tỷ, doanh thu các hoạt động này của JVC dự kiến đạt 1.700 tỷ.

Trong đợt phát hành thêm 50 triệu cổ phần vừa được cổ đông thông qua, toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng đúng với mục đích. Công ty cho biết các dự án đều đang và đã triển khai nên rất cần vốn.

Ví dụ: Đối với 21 dự án đầu tư liên kết cần 426 tỷ thì công ty đều đã ký hợp đồng hoặc lên đề án với các bệnh viện. Điển hình như dự án Bạch Mai JVC đã ký kết 3 hợp đồng được hơn 1 tháng với máy cộng hưởng từ 1.5T; 2 máy CT 128 lát, dự án viện K, Chợ Rẫy đã thương thảo lên đề án trình duyệt Sở…

Huy động vốn: lựa chọn giữa vốn vay & vốn chủ

Khi được hỏi về việc phát hành tăng vốn mà không sử dụng vốn vay, trong bối cảnh chi phí vay đang thấp, công ty cho biết hiện đã và đang sử dụng vốn vay. Các ngân hàng khi tiếp xúc đều đánh giá ngành nghề của công ty ít rủi ro nhất trong các ngành nghề kinh doanh.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc thực tế thì gặp rất nhiều khó khăn. Với lượng vốn 750 tỷ, mỗi một dự án là một món vay riêng, thời gian hoàn thiện hồ sơ vay, giải ngân khoảng 1 tháng mới xong 1 dự án.

Ngân hàng chỉ tài trợ khoảng 50-60% nhu cầu vốn cho các khoản vay dài hạn, phần còn lại Doanh nghiệp phải sử dụng vốn tự có. Như vậy, vốn đầu tư của JVC giảm xuống còn 50% là rất khó khăn. Những dự án sử dụng được vốn vay công ty đều đã tính đến việc sử dụng.

Tuy nhiên, với thời gian giải ngân như vậy không thể đáp ứng được đối với những dự án đang cần triển khai gấp rút. Vì vậy, công ty quyết định tăng vốn. Đây là phương án nhanh nhất để đáp ứng được số vốn cấp bách hiện tại.