Chiều ngày 25/3/2015, UBCK đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có quy định sửa đổi về các vấn đề sau:
(i) Quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
(ii) Quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ
(iii) Quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng
(iv) Niêm yết, giao dịch chứng khoán
(v) Quỹ bảo vệ nhà đầu tư
(vi) Quỹ đầu tư bất động sản.
Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo mới tách riêng định nghĩa về nhà đầu tư nước ngoài bao gồm NĐT nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (có vốn ngoại từ 51% trở lên). Quy định về room ngoại áp dụng cho công ty đại chúng, công ty niêm yết được quy định tại điều lệ công ty nhưng (i) không được vượt quá mức lĩnh vực ngành nghề quy định hoặc (ii) nếu không quy định thì không được vượt quá tỷ lệ sở hữu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, (iii) đối với DN IPO lần đầu thì tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài theo Đề án tái cơ cấu DN, sắp xếp, đổi mới DN.
Theo quy định của Luật đầu tư mới sửa đổi năm 2014, áp dụng từ ngày 1/7/2015, khoản 3 Điều 22 Luật đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế (không phải là công ty đại chúng), trừ trường hợp tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán thì theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Long, giám đốc Luật và kiểm soát nội bộ của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã nêu ra một số trường hợp phát sinh trong thực tế bị tác động đan xen giữa luật Đầu tư và luật Chứng khoán.
Ông Long đưa ra một ví dụ về tổ chức trong nước có vốn đầu tư nước ngoài cũng bị ràng buộc bởi Luật Đầu tư. Giả sử room nước ngoài được nâng lên 51% và có một DN đang có tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài là 51%, có một tổ chức trong nước sở hữu 10% nhưng sau đó tổ chức trong nước này cũng bị nhà đầu tư nước ngoài nâng tỷ lệ lên 51%. Theo luật Đầu tư thì tổ chức trong nước này ngay lập tức sẽ biến thành tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài và phần vốn góp 10% của họ tại công ty trên được coi là sở hữu NĐT nước ngoài và công ty đó vượt tỷ lệ room ngoại. Vấn đề này tồn tại từ trước đến nay nhưng chưa có cách nào gỡ.
Đại diện CTCK BSC cũng đưa ra ý kiến về việc Chính phủ đang nâng chất lượng môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cổ phần hóa thì việc hạn chế NĐT nước ngoài gây ảnh hưởng đến quá trình cái cơ cấu DNNN. Các công ty không phải công ty đại chúng thì NĐT nước ngoài được mua không hạn chế còn các công ty đại chúng lại bị giới hạn tỷ lệ đầu tư, đại biểu này cho rằng giữa công ty đại chúng và không đại chúng chỉ là khác nhau 99 cổ đông hay 101 cổ đông, chúng ta không nên giới hạn tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài.
Về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, dự thảo sửa đổi khoản 9 Điều 71 Nghị định 58. Theo đó, NĐT nước ngoài được mua cổ phần để sở hữu tới 51% vốn điều lệ của TCKDCK đang hoạt động (trước đó là 49%). Nếu đáp ứng được khoản 10 Điều 71 (là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và đã có thời gian hoạt động tối thiểu là 02 năm) thì được mua để sở hữu 51% trở lên (trước đó chỉ quy định được phép mua toàn bộ 100%).
Vấn đề này về mặt thực tế theo ông Nguyễn Kim Long, có trường hợp công ty A mua 51% một công ty chứng khoán, có tổ chức X mua thêm 10% nữa thì sở hữu NĐT nước ngoài sở hữu 60%, sau đó nhà đầu tư cá nhân bán ra 5% thì tỷ lệ sở hữu còn lại là 55%, thì nhà đầu tư tổ chức đủ điều kiện kia giữ nguyên tỷ lệ không mua bán gì hết. Điều này phát sinh trường hợp nhà đầu tư cá nhân có được mua thêm 5% cổ phần mà nhà đầu tư cá nhân khác bán ra hay không vì nếu mua thì tỷ lệ đã trên 51% rồi và nếu NĐT cá nhân này không đủ điều kiện thì không được mua nữa?
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long – Phó Chủ tịch UBCK cho rằng theo quan điểm của dự thảo cũng như theo cam kết WTO trong lĩnh vực chứng khoán thì tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tại các CTCK sẽ không hạn chế. Tuy nhiên trong trường hợp NĐT nào đó muốn sở hữu từ 51% trở lên hoặc sở hữu 100% thì chúng ta đặt ra những điều kiện, còn các NĐT khác không đủ điều kiện thì họ sở hữu dưới 51%, có thể 3-4 NĐT nước ngoài sở hữu công ty cổ phần 100% vốn nước ngoài. Mục đích để các NĐT có sự chuyên nghiệp, uy tín, có năng lực tài chính, có quản trị rủi ro tham gia quản trị CTCK sẽ tạo ra sự lan tỏa về năng lực, kỹ năng, hoạt động của họ, UBCK sẽ hoàn chỉnh Thông tư và cấu trúc lại cho rõ nội dung này.
Ông Long cũng thừa nhận hiện nay Luật Chứng khoán và Luật Đầu tư đang có sự lệch pha khi cùng một ngành nghề nhưng có sự khác biệt về tỷ lệ sở hữu giữa công ty đại chúng và công ty TNHH, hiện Bộ Kế hoạch đầu tư và các Bộ ban ngành liên quan đang nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên trước mắt UBCK vẫn quy định theo Luật chứng khoán để có hành lang pháp lý về tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài đối với công ty đại chúng và DN niêm yết.