Thông tin muộn trong tuần về sự đổ vỡ của vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến các chuyên gia trở nên lo ngại hơn trong ngắn hạn.
Từ tuần trước, các chuyên gia VnEconomy phỏng vấn vẫn cho rằng ngưỡng 640 điểm là cản khó vượt và thị trường cần thêm thời gian tích lũy. Quả thực kể cả khi chưa xuất hiện tin liên quan đến TPP thì thị trường vẫn thêm nhiều lần thất bại trong việc phá vỡ ngưỡng kháng cự này.
Một số chuyên gia cho rằng kể cả khi không tính đến kết quả TPP thì kỳ vọng cũng đã được phản ánh một phần. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đang chững lại. Tin TPP thất bại chỉ làm tăng thêm rủi ro điều chỉnh mà thôi.
Những lo ngại lớn nhất được đề cập là yếu tố tâm lý yếu trong khi thiếu tin hỗ trợ, sức ép margin và khối ngoại bán ròng. Đây được cho là những tác động khiến thị trường nghiêng về xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn.
Tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu nhìn chung được giữ ở mức thấp, cao nhất là 70% và thấp nhất là 0%.
Nguyễn Hoàng VnEconomy
Cảm giác thất vọng khá lớn trong tuần này khi VNIndex không những không tiếp cận được ngưỡng 640 điểm mà càng lúc càng giảm xa hơn. Vòng đàm phán TPP cuối tuần này có thể đạt kết quả tốt, tại sao thị trường lại lo sợ như vậy?
Ông
Phạm Thiên Quang Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Thông tin cập nhật gần nhất về vòng đàm phán TPP tại Hawaii cho thấy khả năng sẽ không đạt kết quả như thị trường đã kì vọng trước đó và hiện cũng chưa có thông tin về vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra khi nào. Như vậy, tôi cho rằng khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới là rất cao.
Ông
Lê Đức Khánh Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Theo tôi kể cả thông tin đàm phán TPP có tích cực đến mấy thì thị trường vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và cần thêm thời gian điều chỉnh rồi tích lũy để vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 640 điểm.
Tin tức về nới room, kết quả đàm phán TPP cũng đã phần nào phản ánh vào diễn biến tăng điểm của thị trường thời gian qua và hệ quả sau mỗi đợt tăng điểm tốt, thị trường sẽ phải điều chỉnh ít nhất từ vài tuần cho đến vài tháng trước khi chỉ số VN-Index bước vào giai đoạn uptrend mới.
Hơn nữa, thời điểm hiện tại vẫn là giai đoạn có thể nói là ít thông tin hỗ trợ đủ mạnh chưa kể đến việc khối ngoại đang tiến hành bán ròng cổ phiếu ít nhất là một tuần trở lại đây.
Ông
Trần Xuân Bách Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng, thị trường lo sợ trước ngưỡng cản mạnh 640 điểm là điều có thể hiểu được bởi vùng cản quanh 640 điểm là vùng kháng cự tâm lý mạnh, đã được kiểm định với mật độ khối lượng dày đặc trong quá khứ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng của VN-Index trong trung hạn.
Điều này phần nào lý giải việc áp lực chốt lời gia tăng mạnh đẩy chỉ số quay đầu giảm điểm khi tiếp cận lại vùng cản này trong tuần qua, đặc biệt là trong bối cảnh các nhóm ngành dẫn dắt đang có dấu hiệu chững lại đà tăng và có thể bước vào nhịp điều chỉnh tích lũy trong ngắn hạn.
Cuối tuần qua, vòng đàm phán TPP giữa các bộ trưởng ở Hawaii đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Đây là rủi ro đối với diễn biến của nhóm cổ phiếu xuất khẩu và thị trường chung trong những phiên đầu tuần tới do nhà đầu tư trước đó đã đặt khá nhiều kỳ vọng về việc Hiệp định này sẽ sớm được ký kết.
Mặc dù vậy, giả sử rằng nếu Hiệp định được hoàn tất, thì tôi cho rằng những tích cực trong ngắn hạn đến nhóm cổ phiếu này cũng sẽ không còn quá lớn do đã được phản ánh đáng kể vào đợt tăng điểm vừa qua. Nhìn chung, những tác động tích cực của TPP sẽ chỉ được phản ánh dần vào triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan trong trung, dài hạn.
Bà
Hồ Huyền Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Người đã chốt lời vẫn còn ngần ngại thăm dò thị trường, người mua mới hiện không có lãi, chính vì vậy mức độ hứng khởi của nhà đầu tư không được như kỳ vọng.
Theo tôi câu chuyện TPP dù sao cũng là câu chuyện đã nguội, sẽ không đủ sức để vực dậy thị trường nếu như những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu hiện tại không có lãi.
Nguyễn Hoàng VnEconomy
Không như mong chờ của anh chị trong tuần trước, tuần này từ ngân hàng tới dầu khí, chứng khoán hay những cổ phiếu hưởng lợi từ TPP đều sụt giảm. Diễn biến này có bất ngờ đối với anh chị hay không? Liệu mức điều chỉnh đó có vượt quá mức biến động thông thường, hay là dấu hiệu của nhịp điều chỉnh thực sự?
Ông
Lê Đức Khánh Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Tôi không bất ngờ lắm về diễn biến thị trường hiện tại chính vì đã dự báo rằng thị trường sẽ phải điều chỉnh thêm thời gian. Biên độ giao động có thể lên tới 20 - 30 điểm là chuyện bình thường khi nhiều mã đã tăng tốt trong giai đoạn vừa qua và cũng điều chỉnh theo diễn biến chung. Vn-Index có thể giao động từ mốc 615 đến mốc 635 điểm ít nhất là giai đoạn tới.
Ông
Trần Xuân Bách Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Diễn biến này không gây bất ngờ đối với tôi. VN-Index đang dần hình thành xu hướng điều chỉnh theo hướng đi ngang tích lũy trong biên độ 610-640 điểm. Các dòng cổ phiếu dẫn dắt sau một nhịp tăng nóng cũng đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu cho thấy đà tăng chững lại và có thể sẽ bước vào nhịp điều chỉnh tích lũy để hình thành mặt bằng giá mới trong ngắn hạn.
Thông thường, trong giai đoạn đi ngang, chỉ số thường sẽ tạo điểm đảo chiều tại cận trên và dưới của kênh giá đi ngang, cho đến khi chỉ số "bứt" khỏi một trong 2 ngưỡng hỗ trợ và kháng cự này thì xu hướng mới sẽ hình thành.
Bà
Hồ Huyền Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi không bất ngờ về diễn biến này bởi đã chuẩn bị tinh thần về một nhịp điều chỉnh lắt léo. Hiện tại diễn biến của các cổ phiếu vẫn trong biên độ điều chỉnh hợp lý, vì vậy cũng chưa đáng lo ngại.
Ông
Phạm Thiên Quang Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi không bất ngờ với diễn biến thị trường đang đi ngang và điều chỉnh giảm. Thị trường đã tăng khá mạnh từ đáy gần nhất, và để tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn, cần có thêm những yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Hiện tại, thị trường không có nhiều yếu tố hỗ trợ như vậy, nên diễn biến như hiện nay là không có gì lạ.
Nguyễn Hoàng VnEconomy
Về mặt kỹ thuật, VN-Index vẫn chưa thực sự gãy xu thế tăng. Anh chị đánh giá triển vọng và rủi ro của chỉ số như thế nào? Anh chị quan ngại điều gì nhất?
Bà
Hồ Huyền Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Hiện tại của VN-Index đang giằng co ở vùng rất quan trọng, là vùng đỉnh 2014 và 2009, bước qua ngưỡng này sẽ là một trạng thái hoàn toàn khác, chính vì vậy sự điều chỉnh xảy ra mất sức hơn là lẽ thường.
Tôi vẫn kỳ vọng vào khả năng vượt đỉnh, khi đó sẽ có khả năng kêu gọi dòng tiền rất lớn.
Tuy nhiên vẫn không thể chủ quan, vì chính tại những thời điểm vượt đỉnh khả năng xảy ra bull-trap rất lớn. Bên cạnh đó, sức ép margin có thể khiến cho thị trường có chút áp lực.
Ông
Lê Đức Khánh Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Đúng là dưới góc độ phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn chưa gẫy xu thế tăng điểm trung hạn nhìn từ góc độ điểm số cũng như qua phân tích dòng tiền đang phân hóa vào một số các cổ phiếu blue-chips, cổ phiếu vốn hóa lớn và các cổ phiếu mid-cap cơ bản.
Nếu thanh khoản tăng mạnh hoặc giảm mạnh khi thị trường giảm điểm cùng với dòng tiền chỉ chạy vào các cổ phiếu nhỏ, hoặc cổ phiếu đầu cơ truyền thống kiểu VIS, DIC, DCS, PVX…thì tôi cảm thấy thị trường trở nên rủi ro hơn.
Tuy nhiên, điều này chưa xảy ra và chưa có biến cố vĩ mô thực sự lớn để có thể tác động đến tâm lý nắm giữ cổ phiếu từ phía nhà đầu tư. Diễn biến chính trị xấu, câu chuyện nợ công hay đàm phán TPP thất bại đều là nguyên nhân tác động xấu đến thị trường trong giai đoạn hiện tại.
Ông
Phạm Thiên Quang Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi thiên về hướng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh. Thông tin không tích cực về vòng đàm phán TPP chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường, nhất là với các mã cổ phiếu trước đó đã tăng mạnh, do được kì vọng sẽ sớm có thông tin tích cực mới từ đàm phán TPP.
Ngoài ra, yếu tố rủi ro thị trường chứng khoán thế giới và viễn cảnh Trung Quốc có thể lâm vào suy thoái là những lo ngại trung và dài hạn.
Ông
Trần Xuân Bách Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi vẫn đánh giá triển vọng tăng điểm của chỉ số trong trung hạn ở mức tích cực, tuy nhiên trong ngắn hạn chỉ số nhiều khả năng sẽ bước vào nhịp điều chỉnh theo hướng đi ngang tích lũy.
Điều khiến tôi quan ngại nhất vào lúc này là hoạt động bán ròng của khối ngoại. Trong bối cảnh các thông tin hỗ trợ đã lần lượt xuất hiện, còn kỳ vọng sớm thông qua TPP đã gây thất vọng, thì nếu khối ngoại quay lại hoạt động bán ròng trong thời gian tới sẽ gây tác động lớn về mặt tâm lý nhà đầu tư cũng như diễn biến thị trường trong ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng VnEconomy
Blue-chips không có nhiều cơ hội trong tuần nhưng các mã đầu cơ, cổ phiếu nhỏ khá tốt. Anh chị có phân bổ vốn sang các nhóm này hay không? Mức giải ngân hiện tại là bao nhiêu?
Bà
Hồ Huyền Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi vẫn giữ trạng thái 70% cổ phiếu, vẫn chưa di chuyển trạng thái sang các nhóm cổ phiếu đầu cơ. Tôi vẫn kỳ vọng nhóm chứng khoán ít nhất có 1 nhịp tăng nữa.
Ông
Phạm Thiên Quang Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi tạm đứng ngoài thị trường và kiên nhẫn chờ đội cơ hội rõ ràng hơn.
Ông
Trần Xuân Bách Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi không tham gia vào sóng đầu cơ các cổ phiếu nhỏ, đồng thời vẫn giữ nguyên tỷ trọng tổng danh mục ở mức cân bằng 50% (trong đó phần danh mục trung hạn vẫn giữ ở mức 30% cổ phiếu).
Ông
Lê Đức Khánh Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Giai đoạn hiện tại vẫn không phải thời điểm để giải ngân vào các cổ phiếu nhỏ hoặc các cổ phiếu đầu cơ. Tôi cho rằng vẫn nên giữ vững tỷ trọng cổ phiếu cơ bản tốt nhất trong danh mục và đợi chờ qua giai đoạn điều chỉnh này.
Tôi chỉ có thể giải ngân thêm vào giai đoạn cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới và đợi chờ các cơ hội đầu tư tốt hơn. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt của tôi hiện tại là 30%/70%.