Tâm lý lạc quan trên thị trường tiếp tục đồng thuận với nhận định của các chuyên gia trong tuần giao dịch vừa qua.
Một tuần tăng điểm mạnh mẽ nhất tháng 8 với việc VN-Index vượt đỉnh 630 điểm đi kèm với mức thanh khoản rất cao đã thuyết phục hoàn toàn các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn. Sự luân phiên tăng giá và phân hóa ở nhóm cổ phiếu cơ bản, đồng thời mức tăng phổ biến trên thị trường đã khiến các ý kiến đều hướng đến một chu kỳ tăng bền vững.
Tuy nhiên những khả năng điều chỉnh ngắn hạn trong xu hướng tăng vẫn được đề cập tới. Việc thanh khoản gia tăng ở mức cao so với trung bình trong tuần vẫn được nhìn nhận từ khía cạnh tích cực, chưa phải là dấu hiệu của hiện tượng phân phối. Theo quan điểm chung là có thể thận trọng nếu quy mô giao dịch lên quanh 5.000 tỷ đồng/phiên với sự chững lại của giá.
Phù hợp với nhận định lạc quan từ tuần trước 4/5 người đã sử dụng đòn bẩy. Mặc dù vậy kế hoạch giảm mức độ đòn bẩy cũng được lên kế hoạch tùy vào mức độ phân bổ vốn cho các hoạt động ngắn hạn.
Tuần tăng mạnh thứ hai liên tiếp cuối cùng cũng đẩy VN-Index qua mức 630 điểm. Chỉ vài ba cổ phiếu lớn điều chỉnh tuần này như GMD, HPG còn lại đều tăng. Anh chị có hài lòng với những chuyển biến của thị trường trong tuần này? Đâu là điểm thuyết phục nhất đối với anh chị trong tuần tăng này?
Với tôi, tuần này thị trường thuyết phục hơn nhờ sự tăng điểm đồng đều của các nhóm cổ phiếu và nhà đầu tư nói chung bắt đầu có lãi, khác hẳn tuần trước, index vượt đỉnh nhưng mang lại rất ít cảm xúc cho số đông nhà đầu tư.
Tôi nhận thấy có sự luân chuyển dòng tiền sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Chỉ cần các mã lớn điều chỉnh nhẹ hoặc đi ngang, rất có thể thị trường sẽ có những phiên hưng phấn hơn ở nhóm cổ phiếu mang tính chất đầu cơ và đại diện cho phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường.
Tuần qua, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng cả về điểm số và thanh khoản, đồng thời bứt phá thành công qua vùng đỉnh quanh 635 điểm được thiết lập vào năm 2009 và đây có thể được xem là điểm nhấn đáng lưu ý nhất trong tuần.
Khác với bối cảnh của năm 2009, nền kinh tế và thị trường chứng khoán hồi phục chủ yếu nhờ yếu tố "lượng" của gói kích cầu, chu kỳ tăng lần này của thị trường lại nhờ vào những chuyển biến về "chất" của nền kinh tế. Đà tăng của thị trường được tạo bởi diễn biến phân hóa, luân phiên dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu; đà đi lên thoải hơn nhưng lại bền vững hơn.
Chỉ số VN-Index vượt nhanh qua mốc 610 điểm và chạm luôn ngưỡng 630 điểm với thanh khoản rất lớn cho chúng ta thấy rằng thị trường đang đi vào giai đoạn 2 uptrend mạnh kèm theo việc tăng giá tốt của nhóm cổ phiếu blue chips, nhóm cổ phiếu midcap cơ bản.
Đây chính là hai điều kiện cần và đủ để thị trường tăng bền vững ít nhất trong ngắn hạn và trung hạn. Cơ hội đầu tư cho nhiều nhà đầu tư hiện nay.
Thị trường đang tăng trưởng khá nhanh và mạnh trong vòng hai tuần vừa qua với mức độ sử dụng đòn bẩy bắt đầu tăng mạnh. Kịch bản vượt qua 630 điểm ngay đã được tính đến từ các tuần trước đây và yếu tố thúc đẩy chỉ số vượt qua ngưỡng cản khó khăn chính là lực mua ròng trở lại của khối ngoại hay là sự đồng thuận của cả hai bên nhà đầu tư nội và ngoại.
Theo tôi các mức điểm cao sẽ có thể được chinh phục nhưng kèm với đó vẫn là các ngưỡng điều chỉnh ngắn hạn tương đối mạnh có thể xảy ra do nhu cầu cắt giảm margin đột ngột.
Dù giải thích bằng bất kỳ lý do nào, thì việc VN-Index vượt đỉnh của 5 năm qua vẫn là điểm thuyết phục nhất với tôi trong tuần giao dịch vừa qua.
Còn chi tiết hơn, có thể nhận thấy rằng nhiều cổ phiếu đã lần lượt bứt phá qua đỉnh tháng 3/2014, thậm chí là đỉnh nhiều năm qua. Đó là biểu hiện của việc thị trường đang được định giá lại, ở một mức cao hơn.
Nếu giai đoạn 2006, 2007 xem mức P/E ở 30-40 là chấp nhận được và vẫn tranh mua các cổ phiếu ở mức P/E 3 con số, giai đoạn 2012-2013, người ta chú ý đến các cổ phiếu có P/E ở mức 1 con số, hấp dẫn nhất là từ 5-7, thì hiện tại dòng tiền đang hài lòng và đặt nhiều kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu có P/E ở mức 10-11.
Trung bình mỗi phiên tuần này giao dịch tới 233,9 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 3.700 tỷ đồng. Thanh khoản quá cao cũng khiến nhiều người lo ngại. Vậy đâu là mức thanh khoản cần phải cảnh giác trong bối cảnh thị trường đang vào xu thế tăng mạnh như vậy? Anh chị có thể hé lộ tình hình sử dụng đòn bẩy lúc này?
Theo quan điểm của tôi thanh khoản hiện tai vẫn chưa phải quá cao và nhất là khi thị trường bùng nổ vượt qua mốc tâm lý quan trọng 610 điểm thì thanh khoản phải lớn là điều hợp lý.
Hiện tại nhiều cổ phiếu lớn, cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt có khối lượng giao dịch lớn đã phần nào góp phần làm tăng thanh khoản chung toàn thị trường. Với diễn biến hiện tại cùng với phân tích các mốc điều chỉnh ở các mốc quanh 650 điểm (+/-5 điểm) thì thanh khoản trên 2 sàn tầm 5.000 tỷ sẽ là tín hiệu cho giai đoạn điều chỉnh trong ngắn hạn.
Cá nhân tôi đang sử dụng mạnh đòn bẩy tài chính và sẽ cân nhắc giảm tỷ lệ trong tuần tới.
Thị trường đã tăng trưởng rất nhanh về thanh khoản, tăng gấp đôi so với mức bắt đầu của tháng 8 và có xu hướng sử dụng margin tăng ngang bằng mức đầu tháng 4/2014.
Tỷ lệ đòn bẩy theo tôi dự báo đạt khoảng 70 - 80% mức đỉnh hồi tháng 4, tính tương ứng thanh khoản, và nếu thị trường đạt được quy mô giao dịch 4.000-5.000 tỷ đồng/một phiên liên tục với điểm số không tăng sẽ là cảnh báo đầu tiên cho sự điều chỉnh ngắn hạn có thể bắt đầu.
Theo tôi trong một thị trường tăng điểm đi kèm với thanh khoản tăng thì việc dự đoán đâu là mức thanh khoản đáng lo ngại là không cần thiết. Tín hiệu lo ngại chỉ được phát đi đâu đó xuất hiện dấu hiệu phân kỳ giữa giá và thanh khoản.
Ở thị trường hiện tại, dù rằng bắt đầu vào giai đoạn sử dụng nhiều margin, nhưng bên cạnh đó, số dư tiền vẫn dồi dào, lượng nộp ròng vẫn ổn định, vì vậy có thể tin tưởng vào nền tảng dòng tiền.
Ngưỡng 630 điểm là áp lực 5 năm dội lại, và cũng ở gần mức đó, một lượng cung cổ phiếu rất lớn từ đỉnh phân phối tháng 3/2014 cần được hấp thụ. Sức ép là rất lớn, do vậy các phiên giao dịch vừa qua đều kết thúc ở trạng thái các chỉ số và nhiều cổ phiếu không duy trì được mức cao nhất trong phiên giao dịch cho đến khi đóng cửa.
Thanh khoản cao là hệ quả của sức ép đó, nhưng đồng thời cũng cho thấy đang có một luồng tiền mới chảy vào mạnh mẽ. Thanh khoản cao, giá cũng liên tục tăng, từng dòng cổ phiếu lớn liên tục bứt phá... đó là minh họa rõ nét nhất cho lập luận trên. Sẽ chỉ đáng ngại, nếu thanh khoản cao, nhưng giá chững lại.
Tình hình margin hiện tại theo tôi có thể đã tương đương với mức tháng 2/2014.
Việc thanh khoản thị trường có xu hướng gia tăng tại các vùng kháng cự mạnh là một tín hiệu cần thận trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chỉ số vẫn đang có thể duy trì xung lực tăng về cuối tuần lại mang hàm ý tích cực khi lực cầu cho thấy sự bền bỉ và ổn định cần thiết, luôn sẵn sàng hấp thụ áp lực bán chốt lời.
Theo quan sát chủ quan của tôi, nhà đầu tư bắt đầu tăng cường sử dụng đòn bẩy nhưng nhìn chung chưa lên đến mức quá cao nếu so với các các vùng đỉnh tăng nóng của các sóng tăng trong quá khứ.
Lần lượt các cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu đầu cơ được đẩy giá rất mạnh và tiếp đến là nhóm cổ phiếu ngân hàng cuối tuần này đột biến. Trên thị trường có một suy luận thường thấy là, cứ nhóm penny và nhóm ngân hàng tăng mạnh là cuối sóng. Quan điểm của anh chị thế nào?
Suy luận trên thường đúng ở những sóng ngắn dưới một tháng. Với những sóng dài tính bằng tháng thì chính nhịp tăng của penny lại đem lại mức lợi nhuận nhanh và hấp dẫn bằng lượng tích lũy của cả mấy tháng trước đó.
Với thị trường lần này, tôi cho rằng vẫn còn thời gian đủ T+ cho nhà đầu tư tham gia kiếm lợi nhuận ở nhóm cổ phiếu đầu cơ. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải ý thức được đây là đoạn rủi ro cao, lợi nhuận cao, một khi xác định tham gia phải phản ứng nhanh nhạy và chuẩn bị trước phương án dự phòng rủi ro cho mình.
Cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu thị giá nhỏ tăng giá là một điều kiện cho thấy thị trường đang bước vào chu kỳ tăng nóng với mặt bằng giá các cổ phiếu bluechips đã tăng lên đáng kể từ đầu sóng.
Đoạn tăng tốc vừa rồi khá giống với diễn biến đầu năm 2013 với mức độ bứt phá gần 100 điểm từ 370 lên 460 điểm mới có điều chỉnh mạnh (điều chỉnh về 420 điểm). Tôi hy vọng lần này kịch bản trên sẽ được lặp lại, điểm số tăng nhanh qua ngưỡng 630 điểm có thể sự điều chỉnh mạnh có thể xảy ra lúc đó lợi thế lại thuộc về người cầm tiền.
Ở kịch bản khác, thị trường sẽ tự điều chỉnh nhỏ trong phiên hoặc một vài phiên và đi dần dần lên cùng thanh khoản tăng dần và mặt bằng giá cổ phiếu sẽ tăng dần đều. Khi đó, sự điều chỉnh mạnh có thể không xảy ra.
Khi nhóm cổ phiếu bluechip bước vào nhịp điều chỉnh sau một nhịp tăng nóng, dòng tiền đã có dấu hiệu chuyển sang các cổ phiếu đang tích lũy hoặc chưa tăng mạnh như nhóm penny, ngân hàng. Diễn biến này khá hợp lý, có thể báo hiệu khả năng điều chỉnh của thị trường sau khi hoàn tất một chu kỳ tăng giá của lần lượt các dòng cổ phiếu.
Tuy nhiên, nếu lấy đây làm căn cứ để xác định liệu thị trường đã đến cuối sóng chưa thì không chính xác và thiếu cơ sở. Sau một nhịp điều chỉnh tích lũy mang tính ngắn hạn để cân bằng lại cung cầu và xác lập mặt bằng giá mới cho cổ phiếu, một chu kỳ tăng mới lại có thể tiếp diễn ngay trên nền tảng của chu kỳ tăng trước đó, và điều này giúp thị trường định hình một xu hướng tăng trung hạn.
Thông thường cổ phiếu penny và cổ phiếu ngân hàng tăng mọi người nghĩ ngay đến sóng cuối nhưng chúng ta phải xét thị trường đang tăng điểm như thế nào và ở giai đoạn nào ở chu kỳ kinh tế.
Tôi cho rằng mốc điều chỉnh quanh 650 điểm ((+/-5 điểm) là điểm cần chú ý trong ngắn hạn nhất là đối với các nhà đầu cơ cổ phiếu. Việc tránh các cú điều chỉnh của thị trường sẽ được ưu tiên mặc dù biết thị trường đang xu hướng đi lên. Vẫn là câu hỏi mã gì, thời điểm nào và nắm giữ bao lâu.
Đầu tiên, cần khẳng định, đúng là khi các cổ phiếu penny đồng loạt tăng giá, bên cạnh yếu tố là các cổ phiếu lớn, có tính cơ bản chững lại, thường đó là tín hiệu thị trường đi vào cuối một chu kỳ tăng trưởng.
Nhưng, hiện tượng penny đồng loạt tăng lên chưa xảy ra trên diện rộng, mới chỉ duy nhất nhóm cổ phiếu khoáng sản nổi lên và cũng chỉ mới ở 1 phiên giao dịch cuối tuần vừa qua.
Tôi chưa cho rằng trào lưu đầu cơ cổ phiếu ruồi đã quay lại, sẽ chỉ là những trường hợp "dị biệt" như kiểu KSH, giống như VNH đợt tháng 10/2013 tăng mạnh vào đầu chu kỳ tăng trưởng, và phải đến cuối chu kỳ tăng trưởng vào tháng 3/2014, trào lưu cổ phiếu ruồi mới bùng phát mạnh mẽ.
Tuần trước, nhiều anh chị đã gia tăng tỷ lệ cổ phiếu lên đáng kể, thậm chí là tối đa. Vậy tuần này mức phân bổ vốn có thay đổi hay không?
Thật khó để không sử dụng đòn bẩy vào lúc này. Vẫn còn một số cổ phiếu trụ cột chưa vượt đỉnh hồi tháng 4 của ngành bất động sản, chứng khoán, dầu khí.
Vì vậy, tôi nâng mức tỷ lệ lên 100% cổ phiếu và sử dụng đòn bẩy 30-50% tùy mức độ chấp nhận rủi ro. Lưu ý chỉ sử dụng margin trên phần giá trị danh mục đã tăng lên từ đầu sóng. Bên cạnh đó, vào lúc này nên chờ chốt lời dần các danh mục cũ đã đem lại 20-30% lợi nhuận.
Danh mục của tôi được chia thành hai phần ngắn hạn và trung hạn, với xu thế tăng điểm của thị trường trong trung hạn vẫn đang duy trì khá tích cực thì tôi vẫn đang nắm giữ vị thế trung hạn ở mức tỷ trọng từ 50 đến 70% tổng danh mục.
Với vị thế ngắn hạn từ 30-50%, tùy vào từng mã cổ phiếu riêng lẻ khi tiếp cận các mốc kháng cự mạnh có thể xem xét chốt lời theo kỳ vọng một phần và chờ đợi mua lại hoặc đảo danh mục sang các cổ phiếu khác trong các phiên điều chỉnh sau đó.
Như kế hoạch, do trạng thái danh mục tích cực, tôi đã tiếp tục giải ngân và sử dụng margin. Bên cạnh việc nắm giữ PXS, BVS, PVX, KSH, tôi thực hiện thêm vào danh mục mã VIS ở mức giá 9.5 vào đầu tuần, và về cuối tuần tiếp tục thêm vào mã FPT ở các mức giá từ 55.5-57. Ngoài ra tiếp tục mua thử thêm một lượng nhỏ KSH ở mức giá trần phiên thứ Sáu để theo dõi tâm lý đầu cơ trên thị trường.
Tôi vẫn ưu tiên việc nắm giữ các cổ phiếu tốt và đang có xu hướng tăng. Tôi đã xem xét giảm tỷ lệ đối với những cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận tốt. Nhiều khi trong danh mục có những cổ phiếu tăng điểm khá và số khác lại không nên đối với cổ phiếu tôi nghĩ cần phải có sự kiên nhẫn rất cao.
Tuần trước tôi giữ 80% cổ phiếu, tập trung vào nhóm cổ phiếu được nước ngoài mua ròng và nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ở dưới thấp. Tôi bảo lưu tỷ lệ danh mục này và tin tưởng tuần tới có thể xuất hiện phiên tăng nóng của nhóm đầu cơ.