Mặc dù xuất hiện những biến động lớn tuần qua, đặc biệt là mức thanh khoản đột biến kết hợp với giá giảm ngày 9/9, các chuyên gia vẫn tin tưởng vào sức mạnh đang có trên thị trường.
Các cổ phiếu lớn đang ở trong trạng thái cân bằng sau phiên điều chỉnh mạnh đầu tuần được xem như quá trình tích lũy để duy trì xu hướng. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt, chẳng hạn dầu khí, vẫn giao dịch mạnh mẽ, đồng thời các cổ phiếu penny vẫn đang giao dịch sôi động là điểm hỗ trợ thị trường trong giai đoạn này.
Ý kiến khá thống nhất được các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đưa ra là nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn chưa thực sự quá nóng, thậm chí một số nhóm như bất động sản, chứng khoán vẫn chưa thực sự vào sóng tăng. Hiện tương phân hóa, tăng giảm không đồng pha nên rủi ro điều chỉnh khó xuất hiện trên diện rộng.
Thanh khoản vẫn đang được duy trì ở mức cao và thị trường đã có những phản ứng phục hồi sau phiên lập kỷ lục về khối lượng ngày 9/9. Đánh giá về rủi ro ngắn hạn, các ý kiến có sự khác biệt khi quan điểm thận trọng cho rằng thị trường có thể điều chỉnh và mức độ phụ thuộc vào khả năng thanh khoản. Quan điểm tích cực hơn nhìn nhận từ góc độ phân hóa và tích lũy.
Trong tuần, các giao dịch cân bằng danh mục đã được thực hiện khá thống nhất. Tỷ lệ phổ biến được duy trì 50/50. Tuy nhiên việc phân bổ danh mục hướng tới các cổ phiếu đầu cơ đang được quan sát với mức độ thận trọng cao
Trước kỳ nghỉ, thị trường đã chứng kiến các giao dịch nóng của nhiều mã penny và đến cuối tuần này, bắt đầu có hiện tượng trắng bên bán và kịch trần hàng loạt. Theo anh chị hiện tượng dòng tiền chuyển hướng sang đầu cơ như vậy đã đáng ngại hay chưa?
Nhìn qua diễn biến thị trường thì tôi cho rằng vẫn là câu hỏi mã gì và nắm giữ bao lâu với chiến lược giai đoan này thiên hướng đầu cơ ngắn hạn.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, tôi đánh giá VN-Index sẽ vẫn còn nhịp tăng tiếp nhẹ và dòng tiền vẫn chảy mạnh vào môt số cổ phiếu lớn, cổ phiếu dầu khí và nhóm mid cap và hơn nữa kể cả cổ phiếu penny.
Dường như nhà đầu tư bắt đầu có thiên hướng chuyển sang các cổ phiếu nhỏ và đông thái này sẽ không thực sự tốt khi nỗ lưc tăng điểm của thị trường ở đoạn này bước vào giai đoạn khó có thể trading dễ dàng.
Như tuần trước, tôi cho rằng thị trường chưa thực sự vào giai đoạn hưng phấn khi chưa có sự tham gia của các cổ phiếu penny. Hiện tượng các penny tăng trần trong 2 phiên cuối tuần có lẽ mới là sự khởi đầu.
Giai đoạn penny tăng điểm có thể diễn ra chóng vánh, nhưng lại đi kèm mức lợi suất bằng cả 2, 3 tháng trước đó. Vì vậy nhà đầu tư ưa rủi ro vẫn có thể tham gia trong giai đoạn này, miễn sao có phương án quản trị rủi ro cho mình.
Sau phiên giao dịch có giá trị và khối lượng giao dịch kỷ lục vào ngày 09/09/2014 nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến một phiên phân phối mạnh và thị trường có thể gặp phải việc điều chỉnh tương đối lớn ngay sau đó.
Tuy nhiên sau hai phiên giao dịch tạo mặt bằng giá mới và tự điều chỉnh khá tốt, dường như thị trường bắt đầu vào giai đoạn phân mạnh hóa với dòng tiền đổ vào nhóm thủy sản, dầu khí,.. với điểm số nhích dần trở lại ngưỡng cản mới được thiết lập quanh 640 điểm.
Dòng tiền chuyển hướng và tiếp tục xoay vần là xu hướng chủ đạo tạo lên sự bứt phá mạnh từ đầu năm 2014 đến giờ và theo tôi diễn biến này là bình thường trong một con sóng lớn.
Có đáng ngại! Khả năng sẽ sớm có thêm những điều chỉnh mang tính rũ bỏ xuất hiện trở lại. Nhưng điều này chỉ mang tính ngắn hạn, sự hưng phấn của thị trường chưa phải cực độ, mà vẫn chỉ ở 1 vài nhóm cổ phiếu.
Đa số các cổ phiếu đại diện cho tâm lý đầu cơ phổ biến trên thị trường như chứng khoán, bất động sản còn chưa thực sự được xem là đã vào sóng tăng trưởng - chứ chưa nói đến việc có hưng phấn.
Sự chuyển hướng của dòng tiền sang các cổ phiếu penny mang tính đầu cơ là dấu hiệu cho thấy khả năng điều chỉnh của thị trường sau khi hoàn tất một chu kỳ tăng giá của lần lượt các dòng cổ phiếu.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn vào sự phân nhóm, vẫn có các nhóm bluechips cơ bản đang tiếp tục tăng điểm khá tích cực và đóng vai trò dẫn dắt, giữ nhịp. Bên cạnh đó, thị trường đang diễn biến phân hóa khá lành mạnh, tại từng thời điểm vẫn có các dòng cổ phiếu trễ nhịp hơn dành cho dòng tiền đến sau.
Tôi cho rằng khi xu hướng trung hạn của thị trường vẫn đang được duy trì thì những nhịp điều chỉnh xảy ra thường mang tính tích lũy để cân bằng lại cung cầu trong ngắn hạn và hiện vẫn còn sớm để quá lo ngại về khả năng tạo đỉnh của hai chỉ số.
Tuần này cuối cùng đã nhìn thấy được phiên giao dịch lớn như dự đoán của anh chị trước đó: Phiên khớp lệnh 5.700 tỷ và cả thỏa thuận là 6.500 tỷ cùng với biến động giá rất lớn ngày 9/9. Liệu đó có phải là dấu hiệu của khả năng điều chỉnh ngắn hạn mà anh chị đang chờ đợi?
Tôi cho rằng thanh khoản sẽ ngày càng tăng lên theo đà tăng của thị trường và sẽ không dừng lại ở con số hơn 6.000 tỷ.
Điều đặc biệt của giai đoạn hiện tại là các cổ phiếu hầu như không diễn biến cùng pha, một số neo ở vùng rất cao, một số gần như mới bước vào giai đoạn khởi động, vì vậy tôi cho rằng sự điều chỉnh xảy ra cũng chọn lọc trên từng nhóm mã.
Cá nhân tôi đánh giá rủi ro điều chỉnh ở nhóm đã tăng điểm mạnh nhiều hơn, rất có thể nhóm này sẽ chững lại, đi ngang để đợi các nhóm mã còn lại.
Sự điều chỉnh lớn đã xảy ra như dự kiến dù rằng chỉ điều chỉnh trong phạm vi 2 phiên và sau đó chỉ số lại phục hồi trở lại với diễn biến tạo mặt bằng giá mới khá vững chắc.
Thông thường một đợt điều chỉnh lớn cho một sóng tăng sẽ diễn ra trong 2-3 tuần và lần này nó đang được diễn ra ngay trước tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF từ 15 đến 19/09/2014. Tôi cho rằng diễn biến điều chỉnh nếu có sẽ có thể kết thúc vào cuối tuần sau và sau đó thị trường nhiều khả năng sẽ quay lại xu hướng tăng giá đã được xác lập.
Thông thường bước vào giai đoan bùng nổ về thanh khoản kèm theo việc tăng điểm mạnh của VN-Index thì thị trường sẽ có vài đơt điều chỉnh lớn làm nhà đầu tư nghĩ ngay đến phiên phân phối đỉnh.
Phiên 9/9 chính là phiên cảnh báo đợt một và viêc điều chỉnh lớn sẽ diễn ra đâu đó tiếp theo có thể vào cuối tuần tới và tốt hơn thì các phiên hồi tuần tới cần phải có khối lượng giao dịch cực lớn nếu không kịch bản xấu sẽ nhanh chóng xẩy ra - tâm lý hoảng sợ và động thái chốt lời hàng loạt sẽ diễn ra. Và rồi nhịp điều chỉnh mạnh lại tiếp tục diễn ra và quá trình này sẽ kéo dài 1 - 2 tuần.
Tóm lại, tuần tới chính là tuần bản lề quyết định cho xu hướng tăng tiếp của thị trường chạm và vượt mốc 650 điểm hoặc sẽ quay lại mốc 640 - 644 điểm rồi điều chỉnh xuống tạo nền tảng giá 1 thời gian.
Đỉnh tháng 3/2014 khi VN-Index ở 600 , thanh khoản thị trường gấp đôi so với đỉnh năm 2013 ở mức VN-Index 500 điểm. Khi giá tăng, độ bão hòa về thanh khoản cũng sẽ tăng lên tương ứng. Hiện tại, VN-Index đã vượt qua đỉnh 600 của tháng 3 và bước vào một chu kỳ mới, trong khi thanh khoản cũng chỉ ở mức gần bằng giai đoạn tháng 3.
Như quan điểm ở mục trên, tôi cho rằng khả năng điều chỉnh là có; nhưng đồng thời ở ý này,tôi không cho rằng dấu hiệu thanh khoản hiện tại có ý nghĩa nhiều trong việc phán đoán đỉnh ngắn hạn hiện tại. Chúng ta có thể sẽ được chứng kiến thêm nhiều kỷ lục nữa về thanh khoản trong khoảng thời gian tới.
Phiên lao dốc mạnh về cuối phiên đi kèm thanh khoản tăng đột biến hàm ý sự áp đảo hoàn toàn của bên bán sau giai đoạn thị trường tăng mạnh trước đó. Đây là một tín hiệu báo hiệu sớm cho khả năng điều chỉnh ngắn hạn của thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các chỉ số đã có những nỗ lực hồi phục nhất định về cuối tuần lại mang hàm ý tích cực khi lực cầu cho thấy sự bền bỉ và ổn định cần thiết, luôn sẵn sàng hấp thụ áp lực bán tại các ngưỡng hỗ trợ mạnh.
Điều này khiến tôi cho rằng khả năng thị trường sẽ không sụt giảm quá sâu mà sẽ diễn biến theo hướng điều chỉnh đi ngang tích lũy trong ngắn hạn. Diễn biến điều chỉnh giữa các dòng cổ phiếu cũng diễn ra phân hóa chứ không đồng loạt, giúp tâm lý nhà đầu tư sớm lấy lại trạng thái cân bằng.
Các blue-chips tuần này đạt hiệu suất sinh lời ngắn hạn khá tệ và rất nhiều cổ phiếu chưa thể bù đắp lại được mức sụt giảm đầu tuần. Điều này có thể khiến cơ hội tạo đỉnh cao mới của VN-Index giảm đi. Về mặt kỹ thuật, liệu có khả năng nào thị trường lặp lại thời kỳ tháng 4, khi chỉ số đã thất bại trong việc vượt đỉnh cũ và xác lập một đợt điều chỉnh?
Thị trường cuối tháng 4 có hai diễn biến khá biệt khá lớn so với thời điểm hiện tại: (i) Áp lực bán ròng lớn của khối ngoại nhằm vào các bluechips ròng rã trong 1 tháng liên tục; (ii) thị trường không vượt được qua đỉnh ngắn hạn quanh 610 điểm.
Thị trường vào lúc này đã thiết lập mức đỉnh mới của năm và có diễn biến cơ cấu khá rõ nét của khối ngoại vào nhiều mã cổ phiếu giúp cho hoạt động mua bán có định hướng hơn cho nhà đầu tư trong nước. Vì vậy, để vượt qua đỉnh mới thiết lập có thể thị trường sẽ cần có thêm thời gian tích lũy chứ không phải sự hoài nghi cho việc điều chỉnh lớn có thể xảy ra khi hiệu ứng tiền rẻ đang lan tỏa trên diện rộng.
Thực tế thì VN-Index và HNX-Index chỉ có đúng 1 đỉnh ngắn hạn được thiết lập ở phiên thứ Ba vừa rồi và đều chưa thể nói các chỉ số đã thất bại trong việc vượt đỉnh cũ khi mà sau phiên tạo đỉnh tạm thời đó, các chỉ số đều đang trên đà tăng liên tiếp trở lại (3 phiên sau đó). HNX-Index thậm chí còn đang giao dịch ngay tại đỉnh cũ.
Còn về các blue-chips, thực tế thì các cổ phiếu dẫn sóng lần này là các cổ phiếu dầu khí, và đây vẫn là dòng mạnh nhất thị trường qua cả phiên điều chỉnh mạnh vừa qua. Vậy nên, theo tôi cũng chưa có gì đáng ngại từ các cổ phiếu dẫn đầu.
Theo tôi việc các cổ phiếu blue chips không tăng tiếp và nhường chỗ cho các cổ phiếu mid cap và penny cho thấy thị trường đang hết động lực tăng giá và sẽ cần điều chỉnh đi xuống hoặc đi ngang. Toàn thị trường sẽ cần thêm thời gian để tích lũy. Mặc dù tuần tới thị trường vẫn có cơ hội đầu tư ngắn hạn với 1 số cổ phiếu đặc biệt nhưng sẽ không có quá nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư ngắn hạn.
Hiện HNX-Index vẫn có trạng thái kỹ thuật tích cực hơn VN-Index, nên nhiều khả năng VN-Index và các nhóm cổ phiếu lớn sẽ có diễn biến khiêm tốn, nhường chỗ cho nhóm penny tăng điểm.
Tính chất của dòng tiền đầu cơ hàm chứa rủi ro cao, nhưng tôi đánh giá chưa đến mức báo động như giai đoạn tháng 4. Nếu kịch bản penny tiếp tục tăng điểm xảy ra, thì mức độ ảnh hưởng lên index rất ít, chúng ta sẽ thấy hiện tượng bảng giá có nhiều mã tím nhưng VN-Index tăng giảm không đáng kể.
Tôi cho rằng việc nhiều cổ phiếu blue-chips hầu như chỉ đi ngang hoặc hồi phục nhẹ sau khi sụt giảm mạnh vào đầu tuần là do các cổ phiếu này đã đạt được mức tăng trướng khá mạnh trong nhịp tăng điểm trước đó của thị trường, vì vậy chỉ với phiên giảm mạnh đầu tuần là chưa đủ cả về mặt biên độ giá và thời gian điều chỉnh tích lũy để có thể bứt phá ngay trong đợt hồi phục này.
Về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng diễn biến hiện tại của thị trường có phần tương đồng với giai đoạn tháng 2/2014, sau phiên sụt giảm mạnh với khối lượng đột biến nhiều khả năng cả 2 chỉ số sẽ diễn biến theo chiều hướng đi ngang với những phiên tăng giảm đan xen theo các mẫu hình tam giác hoặc hình bình hành trong ngắn hạn. Điều này sẽ giúp các chỉ số tạo được sự cân bằng cần thiết, đồng thời tạo lập mặt bằng giá mới cho các cổ phiếu trước khi tiếp tục quá trình đi lên và hướng đến các mốc điểm cao hơn trong trung hạn.
Hơn một tuần thị trường chứng kiến nhiều biến động lớn. Hoạt động giao dịch và phân bổ vốn hiện tại của anh chị như thế nào?
Với xu hướng tăng trung hạn của thị trường đang được bảo lưu thì tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng phần danh mục trung hạn ở mức 50%. Còn đối với phần danh mục ngắn hạn, tôi sẽ áp dụng chiến lược trading quay vòng, bán giảm tỷ trọng về mức an toàn tại các vùng kháng cự và chờ đợi mua lại khi thị trường quay lại kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ trong những phiên điều chỉnh. Chiến lược quay vòng này nhằm 2 mục đích, bình quân giá vốn đồng thời xây dựng vị thế cho phần danh mục trung hạn, bên cạnh đó kết hợp các hoạt động tái cơ cấu cho danh mục chung.
Các khoản mua thêm VIS và FPT chưa thật sự hiệu quả, tôi cơ cấu 2 mã này, mặc dù vẫn đánh giá chúng còn khả năng tăng trưởng. Tôi bán VIS 10, FPT 59. Bên cạnh đó cũng thực hiện chốt lời KSH khi thấy cổ phiếu này giảm bớt sức nóng, mặc dù mức giá bán không thật sự tốt - ở mức 16.6,16.7 - nhưng cũng đạt được 2 mục đích : hiệu quả đầu tư và theo dõi tâm lý đầu cơ thị trường.
Duy trì trong danh mục PXS với tỷ suất sinh lời đã đạt 63.31%, PVX 37.37%. BVS cũng là 1 khoản đầu tư chưa thật sự hiệu quả với mức sinh lời 10.49% nhưng tôi vẫn giữ lại vì chưa muốn cơ cấu mạnh trong giai đoạn thị trường hiện tại - giai đoạn có khả năng xảy ra điều chỉnh ngắn hạn (3 mã giữ lại là 3 mã tôi dồn tỷ trọng lớn nhất trong những đợt mua đầu tiên).
Với việc đã bán bớt 1 vài cổ phiếu và sức mua trên tài khoản được nhả ra, tôi đang quan sát một vài cổ phiếu để có thể thêm vào trong tuần tới hoặc khi thị trường điều chỉnh tạo ra những điểm mua tích lũy mới, tôi đặc biệt chú ý những cổ phiếu có đột biến về cơ bản như LAF, MHC.
Nắm giữ 80% cổ phiếu trong các tuần trước, tôi thực hiện chốt lời toàn bộ vào ngày 9/9. Tuy nhiên tôi đã thực hiện mua lại 50% ngay ngày sau đó, vẫn hướng vào nhóm chứng khoán và penny, bởi như tôi chia sẻ trong các tuần trước, tôi vẫn kỳ vọng vào 1 nhịp bùng nổ của các cổ phiếu neo vùng dưới thấp.
Khi tham gia vào nhóm penny, lưu ý chiến thuật vẫn là mua nhanh bán nhanh, chuẩn bị tinh thần có thể sửa sai ngay khi cổ phiếu về tài khoản vào đầu tuần tới.
Tôi vẫn duy trì danh mục phân bổ chưa dùng đòn bẩy là 100% vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh dự kiến tốt hoặc đột biến trong Quý III năm 2014 ở các ngành chứng khoán, bất động sản và dầu khí. Tỷ lệ đòn bẩy chỉ sử dụng ở phần thặng dư từ đầu sóng tăng vừa qua.
Việc hồi phục của thị trường ở các phiên đầu tuần tới sẽ là cho tôi cơ hội giảm tỷ lệ cổ phiếu xuống. Tôi sẽ cân nhắc giảm mạnh cổ phiếu đầu cơ cũng như cổ phiếu tôi đánh giá hết triển vọng. Tôi vẫn ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu cơ bản tốt nhất với thầm nhìn dài hơn 3 tháng. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền của tôi sẽ hoảng 50%/50%.