Trong bài báo này, tác giả Tim Maverick – người đã từng có 20 năm kinh nghiệm làm chuyên gia môi giới và tư vấn cho 1 công ty chứng khoán lớn – cho biết, trong những ngày này, nếu các nhà đầu tư quốc tế nghe đến cụm từ "thị trường mới nổi", họ sẽ tránh xa.
Trích dẫn số liệu của Viện Tài chính Quốc tế mới đây, tác giả này cho biết các nhà đầu tư toàn cầu đã rút 40 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi trong riêng quý III/2014. Đây là tốc độ thoái vốn nhanh nhất kể từ thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính và là quý bị rút vốn lớn nhất kể từ quý IV/2008.
Tuy nhiên, trong khi tìm lối thoát, các nhà đầu tư vẫn tìm thấy một viên ngọc, “tỏa sáng như một ngọn hải đăng trong bóng tối, đó là Việt Nam”, tác giả Tim Maverick viết.
Theo các nhà nghiên cứu tại Capital Economics, Việt Nam là một trong số chỉ 5 nước mới nổi, cũng là quốc gia duy nhất ở Châu Á, có nền kinh tế đang tăng trưởng cao hơn tốc độ trung bình kể từ năm 2010.
Các nhà kinh tế dự báo rằng nền kinh tế, hiện có quy mô 186 tỷ USD, của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay và 6,2% vào năm 2016, sau khi tăng trưởng 5,2% năm 2012, 5,3% năm 2013 và 6% năm 2014.
Dòng vốn đang chảy vào Việt Nam
Theo bài báo, Việt Nam đang thể hiện khả năng thu hút dòng vốn đầu tư vào sản xuất trong thời gian gần đây. Thực tế, Việt Nam hiện đứng thứ bảy trong số tất cả các quốc gia, tính cả Mỹ và Trung Quốc, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Phần lớn số tiền FDI đó đi vào sản xuất. Việt Nam có tính cạnh tranh cao trong các ngành công nghệ thấp như dệt may và giày dép. Nhưng quan trọng là Việt Nam cũng cạnh tranh trong ngành sản xuất công nghệ cao. Ví như Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu chính điện thoại thông minh lớn, và Samsung có một trong cơ sở sản xuất thiết bị điện thoại thông minh toàn cầu lớn nhất tại đây.
Chính phủ Việt Nam đang tìm cách tiếp thúc thúc đẩy động lực kinh tế khi mới đây đã nâng mức trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều công ty niêm yết, cho phép các công ty nước ngoài đầu tư mạnh hay thậm chí thâu tóm một số doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh đó, chính phủ đã kiềm chế được lạm phát. Năm 1988, lạm phát phi mã lên tận 774%. Mới cách đây 4 năm, lạm phát vẫn còn ở mức 22%. Hai năm trước, lạm phát đã xuống chỉ còn 6%, và giờ đây lạm phát gần như không còn đáng chú ý nữa.
Tầng lớp tiêu dùng mới nổi của Việt Nam
Sự phát triển của ngành chế biến chế tạo vào kéo theo đó là việc làm tại Việt Nam đang làm thay đổi bộ mặt của đất nước.
Minh chứng cho điều này là việc Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa nhanh nhất thuộc hàng nhanh nhất ở Châu Á. Điều này đang giúp tạo ra một tầng lớp người tiêu dùng trung lưu. Theo Fact Book CIA World, khoảng 1/3 dân số Việt Nam hiện sống ở đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa trong giai đoạn 2010-2015 là gần 3%/năm.
Tầng lớp trung lưu tăng nhanh còn có thể thấy khi Việt Nam đang là thị trường ô tô tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến tháng 8/2015, doanh số bán xe ô tô tăng mạnh 62% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng Internet của Việt Nam đang tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Với hơn 40 triệu người kết nối với internet, Việt Nam có nhiều người dùng hơn so với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường hoạt động tốt hàng đầu ở Châu Á năm 2015. Tuy chỉ tăng khoảng 3,5% cho đến nay, nhưng đó là mức tăng khiến nhiều thị trường khác phải mơ ước trong năm nay.
Quan trọng là giá cổ phiếu vẫn rẻ, hiện giao dịch với P/E ở mức chỉ 12,5 lần, và điều đáng chú ý nữa là thị trường vẫn thấp hơn khoảng 50% so với thời kỳ đỉnh cao đạt được năm 2007.
Tác giả cho rằng các nhà đầu tư quốc tế giờ đây có thể tiếp cận dễ dàng với thị trường Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư. Hiện quỹ Market Vectors Vietnam Fund(VNM) có trong danh mục 30 cổ phiếu Việt Nam, chiếm khoảng 75% số tài sản của quỹ này.