Vướng quy định sở hữu chéo, công ty con của Điện Quang mua bất thành DQC

(NDH) Khoản 2 điều 189 Luật doanh nghiệp 2014 quy định công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại Điện Quang, một công ty con do CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã DQC-HOSE) sở hữu 51% vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu DQC.

Trước đó, công ty này đã đăng ký mua vào 700.000 cổ phiếu DQC, qua đó dự kiến sẽ tăng tổng số cổ phần nắm giữ từ 966.214 cổ phiếu lên 1.566.214 cổ phiếu.

Tuy nhiên giao dịch đã không được thực hiện. Nguyên nhân được CTCP Đầu tư & Thương mại Điện Quang giải thích là do thì công ty con sẽ không được đầu tư góp vốn mua cổ phần của công ty mẹ. Đây là quy định theo Luật doanh nghiệp năm 2014 được áp dụng từ ngày 1/7/2015.

Cụ thể, công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Nếu CTCP Đầu tư & Thương mại Điện Quang vẫn muốn gia tăng sở hữu tại DQC thì DQC cần phải thoái bớt vốn để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%. Nếu vẫn là công ty con của DQC, công ty này sẽ phải bán ra số cổ phần đang nắm giữ để thực hiện đúng quy định pháp luật.

Được biết, mới đây, Điện Quang (DQC) đã thông báo đăng ký mua cùng số lượng 700.000 cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 25/8 đến 25/9/2015 thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Hiện nay, mặc dù Luật doanh nghiệp đã được áp dụng hơn một tháng nhưng vẫn chưa có nghị định hướng dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn tất các thủ tục để Chính phủ có thể ban hành Nghị định trước ngày 15/9/2015.

Điều 189 Luật doanh nghiệp 2014

1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
2. Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.