Vững bước cuộc chơi mới

Nói riêng về DN mình, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải, chia sẻ trong năm 2014 kế hoạch doanh thu hợp nhất của Trường Hải dự kiến đạt 1 tỷ USD.

Ngày 24-9, tại Vietnam CEO Forum 2014 do Hội Doanh nhân trẻ khởi xướng và đồng tổ chức bởi 4 câu lạc bộ, hiệp hội DN hàng đầu TPHCM, các chuyên gia, nhà tư vấn và DN đã trao đổi về những thách thức, cơ hội, những việc DN cần làm và những kiến nghị gửi tới Chính phủ… để chuẩn bị cho cánh cửa hội nhập đang đến rất gần.

Doanh nhân, DN cần làm gì

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến thành lập vào cuối năm 2015, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU đang gần đến ngày được ký kết, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được chờ đợi rất nhiều… đang mở rộng cánh cửa hội nhập của Việt Nam. Trước cơ hội lớn này, DN và doanh nhân cần chuẩn bị những gì là câu hỏi rất được quan tâm tại diễn đàn lần này.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, đây là câu chuyện đồng lòng của Nhà nước và DN.

Nói riêng về DN mình, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải, chia sẻ trong năm 2014 kế hoạch doanh thu hợp nhất của Trường Hải dự kiến đạt 1 tỷ USD. Và để đạt được mục tiêu này không phải do DN may mắn mà nhờ đã có lộ trình được chuẩn bị từ trước và kiên trì theo đuổi lộ trình ấy. Cụ thể, ngay từ năm 2002, Trường Hải đưa ra mục tiêu muốn hội nhập phải đứng đầu thị trường Việt Nam.

Ông Trần Bá Dương nhấn mạnh: "Chúng ta đừng đòi hỏi mà phải suy nghĩ, tìm kiếm cơ hội. Từng cái nhỏ cộng lại sẽ thành cái lớn. Cũng đừng học quá tràn lan, cái gì thực sự cần thiết thì học, tìm hiểu. Đặc biệt phải dám đối diện, phải có khát vọng lớn. DN nước ta chưa giàu, chưa tích lũy đủ kinh nghiệm đã phải hội nhập, lại vừa trải qua 2 cuộc khủng hoảng và Chính phủ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm điều hành nền kinh tế theo thể chế kinh tế thị trường. Vì thế, chính DN phải nỗ lực tìm ra cái cần làm".

Chia sẻ xoay quanh nội dung doanh nhân, DN cần làm gì, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FTP, cho rằng điều quan trọng là học hỏi và liên tục học hỏi. Theo ông Bình, các DN nên học từ chính DN giỏi nhất trong cùng lĩnh vực, tức thấy họ có gì hay mình phải học theo ngay.

Trước câu hỏi nhiều DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin là DNNVV, liệu có đủ kiến thức, trình độ để nắm bắt cơ hội khi cánh cửa hội nhập được mở, ông Bình khẳng định: "Các DN nhỏ có thể viết ứng dụng và trong cuộc sống này có biết bao nhiêu ứng dụng. Cơ hội rất lớn nhưng vấn đề là phải dịch chuyển".

Nhiều chuyên gia cho rằng trong quá trình hoạt động, để tồn tại và phát triển bền vững, mỗi DN, doanh nhân phải tự tìm ra cách thức riêng cho mình, cho DN mình. Song nói theo cách của ông Jonathan Hạnh Nguyễn "tôi xác định thành công hay thất bại của CEO phần lớn do chính sách của Chính phủ", nên hầu hết chuyên gia, DN tham gia diễn đàn đều mong muốn gửi gắm những kiến nghị của mình đến những nhà làm chính sách.

Kiến nghị lên Chính phủ

Đặt mình trong vai trò của một DN, TS. Võ Trí Thành cho biết ông sẽ có 4, 5 yêu cầu đối với Chính phủ. Thí dụ, vấn đề cải cách thể chế có 3 vấn đề liên quan đến kinh doanh là giảm chi phí giao dịch cho DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch, làm cho luật của Việt Nam tương thích với quốc tế, nhưng quan trọng chúng ta phải cam kết thực thi nghiêm túc các luật này.

Còn ông Jonathan Hạnh Nguyễn lại có những kiến nghị rất thực tế, mà theo cách nói của ông là đang nói hộ cho suy nghĩ của nhiều DN. Đó là đề nghị các văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn cần có thời gian hiệu lực rộng hơn. Bởi nếu có hiệu lực ngay hoặc chỉ sau một thời gian ngắn kể từ ngày ký, đôi khi DN không kịp trở tay, lúc đó lại phải đi xin xỏ. Chuyên gia này cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ có một bộ luật hoàn chỉnh hơn.

Cũng gửi gắm những kiến nghị, nhưng ông Trần Bá Dương lại có cái nhìn 2 chiều trong việc kiến nghị Chính phủ và cam kết của DN. Ông nhận định Chính phủ hiện nay rất lắng nghe DN, song nếu DN kiến nghị điều này cũng nên cam kết sẽ làm được điều khác cho nền kinh tế. Ông Dương lấy một thí dụ của Trường Hải, khi kiến nghị được giãn thuế, DN ông cam kết sẽ đóng thuế cao hơn.

"DN phải đồng hành cùng Chính phủ. Nếu DN không phản hồi, Chính phủ không thể làm đúng những điều DN mong muốn" - ông Dương nói. Có lẽ cũng vì điều này mà trước thềm diễn đàn nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đã diễn ra nhằm thu thập những ý kiến đóng góp để kiến nghị lên Chính phủ. Và trong 8 điều kiến nghị có 1 điều là mong muốn 1 năm sẽ có 2 cuộc đối thoại giữa Chính phủ và DN.

Ngoài nỗ lực của bản thân, DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: CAO THĂNG


Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể gửi kiến nghị thẳng đến Chính phủ giống như Trường Hải, nhất là DNNVV, đặc biệt DN tư nhân siêu nhỏ. Bên lề diễn đàn, ĐTTC trao đổi với bà Lê Thị Thu Lai, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hương Quê, chuyên sản xuất đũa sạch. Bà Lai cho biết DN bà tuy nhận được nhiều giải thưởng, chứng nhận của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa thể vươn lên mạnh mẽ, thậm chí còn bị chèn ép ngay tại thị trường nội địa.

Bà Lai mong muốn có thể thông qua diễn đàn này gửi vài kiến nghị tới Chính phủ về sự hỗ trợ cho DN. Thực tế, những DN như Hương Quê, việc dựa vào tiếng nói của hiệp hội, ngành hàng là hết sức quan trọng. Đây cũng chính là chia sẻ của nhiều diễn giả trong diễn đàn lần này.