Vui, buồn mùa chia cổ tức

Vui, buồn mùa chia cổ tức

Các doanh nghiệp niêm yết đang bước vào đợt cao điểm mùa đại hội cổ đông. Một trong những vấn đề mà cổ đông quan tâm hiện nay là tỷ lệ chia cổ tức.

Điểm qua một số doanh nghiệp cho thấy, việc chia cổ tức năm nay có phần “xông xênh” hơn, nhưng cũng vẫn còn những cổ đông ngậm ngùi vì không được chia cổ tức.

Hài lòng với cổ tức

Tại phiên họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2015 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tổ chức vào cuối tháng 3-2015 đã đề xuất phương án phân phối lợi nhuận năm 2014, với tỷ lệ 30%. Trong đó, 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý 2-2015. Với mức chia cổ tức này, hầu hết cổ đông thấy hài lòng.

Năm 2014, Tập đoàn Hòa Phát đã đạt được những kết quả khả quan. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt được lần lượt là 25.852 tỷ đồng và 3.250 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra với tỷ lệ lần lượt 12% và 48%. Hòa Phát là một trong số ít các doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh tương đối cao và đã vượt được kế hoạch.

Năm 2015, trong bối cảnh giá dầu có xu hướng giảm sâu và cầu các ngành hàng giảm kéo theo giá nguyên liệu đầu vào đều giảm đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp nói chung và Hòa Phát nói riêng.

Không như những năm trước đây, kế hoạch kinh doanh năm 2015 được Hòa Phát đề ra với các chỉ tiêu tương đối dè dặt so với kết quả thực hiện năm 2014 vừa qua. Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế được đặt ra lần lượt 22.500 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 29,2% so với năm 2014.

Năm 2015, Hòa Phát cũng dự kiến tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 30%. Mức cổ tức dự kiến năm 2015 là 20%. Vốn điều lệ cuối năm 2015 của Hòa Phát sau các đợt tăng vốn (cổ tức,cổ phiếu thưởng) là 7.330 tỷ đồng.

Tương tự Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) công bố nội dung trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015. Theo đó, DHG sẽ nâng cổ tức năm 2014 từ 25% lên 30%.

Cụ thể, năm 2014 công ty đạt 3,912.5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 11%; lãi ròng 533 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước. Dù vậy, HĐQT của DHG vẫn quyết định nâng mức cổ tức chi trả cho cổ đông từ 25% (quyết định của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2014) lên mức 30% mệnh giá, bằng tiền mặt.

Năm 2015, HĐQT của DHG trình cổ đông kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu thuần 4.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 729 tỷ đồng (chưa bao gồm thu nhập tài chính). Cổ tức năm 2015 tiếp tục được đề xuất ở mức 25% tiền mặt.

Trong lĩnh vực kinh doanh vàng, HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) thông báo mức chia cổ tức khá cao. HĐQT công ty đã thống nhất sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 sắp tới mức cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 45%. Trong đó chi bằng tiền mặt sẽ thực hiện với tỷ lệ 15% và bằng cổ phiếu là 30%.

Thấp thỏm chờ cổ tức

Do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, một số doanh nghiệp đang "đau đầu" trong việc chia lợi nhuận cho cổ đông. Trong số đó, đã có những doanh nghiệp công bố không chia cổ tức năm 2014 khiến cổ đông ngậm ngùi.

Công ty cổ phần Thương mại và Khai thác Khoáng sản Dương Hiếu (DHM) vừa công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên 2014. Theo đó, trong năm 2014, Dương Hiếu cũng như các doanh nghiệp khoáng sản khác đối mặt với nhiều khó khăn khi giá quặng sắt liên tục sụt giảm. Kết quả Dương Hiếu chỉ đạt 3,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ đạt 11,46% kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu năm 2014 đạt 487 tỷ đồng, tương đương 69,51% kế hoạch.

Với kết quả nói trên, DHM dự kiến không chia cổ tức năm 2014 cho cổ đông. Trong khi đó, tại ĐHCĐ thường niên 2014 trước đó thống nhất tỷ lệ cổ tức tạm tính năm 2014 là 4% bằng cổ phiếu. Kế hoạch kinh doanh năm 2014 được DHM đề ra với doanh số từ 500 - 700 tỷ đồng, lợi nhuận từ 10 - 15 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ kinh doanh khoáng sản chiếm khoảng 80%.

Tương tự, Ngân hàng XNK Việt Nam (Eximbank) cũng sẽ không chia cổ tức trong năm 2014. Được biết, năm 2014, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank đạt gần 900 tỷ đồng. Nhưng sau trích lập dự phòng, lãi của Eximbank chỉ còn khoảng 56 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hiện nay sắp đến ngày họp cổ đông nhưng nhiều ngân hàng vẫn thấp thỏm về phương án trả cổ tức. Theo đó, thay vì được tự quyết tỷ lệ chia cổ tức và trình cổ đông thông qua như mọi năm, năm nay, các ngân hàng phải trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt về mức chia cổ tức.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng chia cổ tức không quá 9%, tùy vào kết quả kinh doanh, trích lập dự phòng rủi ro và tiến độ xử lý nợ xấu. Quy định này nhằm bảo đảm các ngân hàng phải trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, tạo nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Với mức khống chế chia cổ tức nêu trên, các cổ đông ngành Ngân hàng đang thấp thỏm chờ đợi mức cổ tức được chia từ các ngân hàng cổ phần thương mại.