Nhận định này được đưa ra dựa trên những phân tích về tình hình tăng trưởng GDP, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng từ các hiệp định tự do thương mại sắp được ký kết.
Ông Barry Weisblatt cho rằng tiêu dùng của Việt Nam đang tăng, thể hiện qua số liệu doanh số bán lẻ tăng. Kể từ năm 2008 trở lại đây, thu nhập khả dụng của người tiêu dùng nhiều hơn và chi tiêu cũng nhiều hơn. Đây là một tín hiệu quan trọng đối với nền kinh tế.
Thị trường bất động sản xuất hiện những tín hiệu phục hồi, đặc biệt là phân khúc bình dân. Con số hiện nay cho thấy đã có sự cải thiện và có thể sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian sắp tới.
Về đầu tư nước ngoài, sự cải thiện thể hiện ở cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Tỷ lệ đầu tư FDI từ năm 2013 đã bắt đầu khởi sắc trở lại, với nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đang có những dự án đầu tư FDI vào Việt Nam như Intel hay Samsung. Trong khi đó, vốn FII tư từ đầu năm đến nay đạt mức rất cao.
Về chi tiêu chính phủ, ông Barry cho rằng Chính phủ đã có những biện pháp hiệu quả để hạn chế thâm hụt. Việc giảm lãi suất giúp chính phủ vay nợ mà không gây thâm hụt quá nhiều.
Trong khi đó, xuất khẩu được coi là một động lực chính thúc đẩy cho GDP. Thặng dư thương mại của Việt Nam tăng chủ yếu nhờ xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng mạnh hơn 20% trong 5 năm qua.
Tác động của điều này có thể được thấy qua việc lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.
Điều này cũng giúp xoa tan mối hoài nghi về việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007có tốt hay không.
Đầu tư từ FDI tăng giúp xuất khẩu tăng trưởng, theo đó cũng giúp tỷ giá ổn định. Từ năm 2011, tỷ giá ổn định ở quanh mức 21.000 đồng.
Lạm phát đã được kiểm soát, điều quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đầu tư vào Việt Nam. Họ muốn đảm bảo tiền đồng ổn định và bền vững để họ có thể gia tăng mức độ đầu tư tại Việt Nam.
Ông Barry cho rằng lạm phát cả năm có thể dưới 4%.
Lạm phát giảm góp phần làm giảm lãi suất, và vị chuyên gia của VPBS kỳ vọng lãi suất cho vay tại Việt Nam sẽ có thể giảm thêm 1,3 điểm phần trăm trong 6-12 tháng tới.
Mức độ ổn định của kinh tế vĩ mô Việt Nam được thế giới ghi nhận. Ba cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế là S&P, Moody’s và Fitch đều nâng triển vọng của Việt Nam. Đây là thông điệp cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam ổn định.
Mới đây nhất, Fitch vừa thông báo tăng bậc xếp hạng của Việt Nam từ B+ lên BB-.
Lãi suất trái phiếu chính phủ đã giảm ở tất cả các kỳ hạn, giúp hỗ trợ chính phủ giải quyết món nợ xấu và có tác động rất tích cực tới thị trường chứng khoán.
Ông Barry cho rằng lợi suất trái phiếu chính phủ có sự tương quan đến chỉ số P/E của cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, do lợi suất vẫn đang giảm, nên ông dự đoán chỉ số P/E sẽ tiếp tục tăng.
Ông dự đoán trong 5 năm tới, hình hình EPS của các công ty sẽ tiếp tục cải thiện, giúp thị trường chứng khoán sẽ hoạt động tốt hơn.
Ngoài triển vọng về hoạt động của các công ty, thị trường chứng khoán dự kiến cũng sẽ đón nhận những tin tốt khi Việt Nam ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm tới.
Bản thân các hiệp định này cũng giúp các công ty Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường thế giới, nhất là Mỹ và Nhật Bản, ngoài việc giúp chính mình tự cải cách, theo đó sẽ làm tăng doanh thu và tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.