VPBS: Chỉ số giá cổ phiếu ngành xây dựng đã tăng 87% trong vòng 1 năm 

Chỉ số giá cổ phiếu ngành xây dựng thường biến động cùng chiều với cổ phiếu ngành bất động sản do 2 ngành này có quan hệ mật thiết với nhau.

Báo cáo phân tích ngành xây dựng của Công ty chứng khoán VPBS vừa công bố đã thống kê: hiện có 100 doanh nghiệp niêm yết có hoạt động kinh doanh chính thuộc ngành xây dựng - chiếm 17,8% số lượng công ty niêm yết trên 2 sàn.

Đa số các công ty xây dựng đang niêm yết có quy mô nhỏ nên mức vốn hóa của ngành xây dựng không đáng kể. Chốt tại ngày 28/08/2014, giá trị vốn hóa của các công ty này đạt 28.000 tỷ đồng - chiếm 2,8% tổng vốn hóa của thị trường.

Dẫn số liệu từ Bloomberg, VPBS cho hay trong 12 tháng gần đây, cổ phiếu ngành xây dựng có mức giao dịch trung bình 100.000 cổ phiếu/phiên. Chỉ số giá cổ phiếu của ngành này theo phương pháp trọng số đều đã tăng 87,3% trong khi VN-Index, HNX-Index và ngành bất động sản tăng lần lượt là 33,5%; 43% và 76,8%. Chỉ số giá cổ phiếu ngành xây dựng thường biến động cùng chiều với cổ phiếu ngành bất động sản do 2 ngành này có quan hệ mật thiết với nhau.

Các chuyên gia của VPBs phân loại các công ty xây dựng được niêm yết thành 2 nhóm: nhóm các Doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ xây dựng quản lý như họ Licogi, Cienco, Sông Đà, Vinaconex, Lilama, Idico, các công ty xây dựng thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước như PVN, EVN, Becamex (xây dựng các công trình hạ tầng, công nghiệp) ; và nhóm các doanh nghiệp tư nhân (bao gồm cả các doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu của nhà nước dưới 20%) như CTD, HBC, SC5… (chủ yếu xây dựng công trình dân dụng)

Theo thống kê của báo cáo này, trong năm 2013, có 60% doanh nghiệp xây dựng ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với năm 2012, thể hiện một sự cải thiện trong tình hình kinh doanh. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp ở hầu hết các công ty đều giảm so với năm 2012 do giá thầu không tăng nhưng chi phí nguyên liệu, nhân công đều tăng.

Đặc thù của doanh nghiệp ngành xây dựng là tỷ lệ đòn bẩy tài chính có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh.

"Những công ty có tình hình tài chính tốt và cải thiện hơn sẽ nhận được nhiều gói thầu hơn trong khi các doanh nghiệp có nợ vay cao gặp khó khăn đẩy nhanh tiến độ dự án mới. Nhìn chung trong 2 năm trở lại đây, hầu hết các công ty trong ngành đều có xu hướng giảm tỷ lệ nợ vay/ vốn chủ sở hữu." - báo cáo nhận xét.

Báo cáo cũng nhận xét, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xây dựng cho thấy sự tăng trưởng về lợi nhuận (chủ yếu là do chi phí lãi vay giảm mạnh, đồng thời chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn). Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp đều sụt giảm về doanh thu (chủ yếu thuộc phân khúc xây dựng cơ sở hạ tầng do giảm đầu tư công).