Thủ tục vay đã thuận lợi cho DN nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn là mối lo ngại lớn. Ảnh: HỮU LINH.
Lãi suất còn cao đối với DN nhỏ và vừa
Theo khảo sát gần đây của Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa (SISME), hiện chỉ có 32,38% DN nhỏ và vừa cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên, 35,24% DN phản ánh khó tiếp cận, số còn lại không thể tiếp cận vốn. Trong khi đó, đối với DN nhỏ và vừa, kênh huy động vốn khác trên thị trường như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động thường không có đủ điều kiện và uy tín để thực hiện.
Lý giải cho hiện tượng trên, theo ông Phạm Ngọc Long, Viện trưởng SISME, tỷ lệ DN tiếp cận vay và vốn vay được còn thấp do tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, tài sản đảm bảo vay khó khăn, bên cạnh đó, tỷ lệ tiếp cận và được bảo lãnh rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao. Một nguyên nhân nữa là do tái cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm lãi vay vẫn còn chậm.
Về lãi suất cho vay, trong báo cáo mới nhất về hoạt động ngân hàng trong tuần đầu tháng 7-2015, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay bằng VNĐ tiếp tục ổn định. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5-6,7%/năm.
Ông Lê Hiền Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện và Tự động hóa Tâm Phát cho rằng, thủ tục cho vay hiện nay đã không còn nhiều phức tạp nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mức cao. Với các DN sản xuất nhỏ, lãi thu về chậm thì phương án đi vay ngân hàng sẽ khó khả thi hơn khi cứ phải "còng lưng" trả nợ. Với mức lãi suất như hiện nay, nếu các ngân hàng chưa có những ưu đãi, hỗ trợ cho các DN sản xuất nhỏ lẻ thì DN không dám đi vay chứ không phải là không muốn đi vay.
Tự cứu mình
Việc mở rộng nguồn vốn đối với DN hiện vẫn còn là vấn đề cần nhiều phương án giải quyết. Trên thực tế, cả Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã thường xuyên có những chương trình hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng còn đưa ra gói hỗ trợ đặc biệt cho riêng từng lĩnh vực. Chính vì thế, việc nắm bắt thông tin và tiếp cận nguồn vốn còn phụ thuộc vào tự bản thân năng lực của DN.
Nói về vấn đề này, ông Dương Minh Điền, Giám đốc Công ty TNHH Khởi Toàn (DN chuyên NK thiết bị công nghiệp ngành da giày) cho hay, thông tin về các chính sách mới của Nhà nước nhiều khi DN không thể nắm bắt được hết. Chính vì thế, một mặt các ngân hàng và Hiệp hội cần tăng cường cập nhật thông tin cho DN, mặt khác, DN để tồn tại và phát triển thì phải tự cứu mình trước, hoạt động bằng nguồn vốn tự có để khi được tiếp cận với nguồn vốn mới, DN có thể chủ động tiến tới mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hiền Tuấn cho hay, với lãi suất ngân hàng chưa có nhiều sự hỗ trợ cho việc sản xuất nên Công ty vẫn đang phải sử dụng nguồn vốn tự có từ kết quả kinh doanh hoặc đi vay từ người thân. Tuy nhiên, để DN thực sự có được bước phát triển đột phá thì vẫn phải có nguồn vốn lớn mà chỉ đi vay từ ngân hàng mới đủ điều kiện và đảm bảo uy tín.
Đề xuất về cách giải quyết vấn đề này, ông Tuấn chia sẻ, người Việt Nam thường thích để tiền tiết kiệm "nằm im" trong ngân hàng để hàng tháng, hàng năm hưởng một khoản lãi suất nhất định. Trong khi ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, họ có chính sách khuyến khích những người có tiền đầu tư vào sản xuất, chứng khoán, mua cổ phần… để dòng tiền có sự xoay chuyển và sinh lời tốt hơn. Do đó, lãi suất cho vay của họ khá thấp và DN có nhiều điều kiện để làm ăn.
Còn theo ông Phạm Ngọc Long, để tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn thì Nhà nước cần có những đổi mới cách thức tiếp cận phù hợp hơn trong hoạt động tín dụng, phải đặt trong mối quan hệ hữu cơ giữa huy động, tập trung có hiệu quả mọi nguồn lực tài chính với chi phí hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, không tăng gánh nặng rủi ro cho các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đưa ra chính sách cho vay phù hợp, dành riêng cho các DN theo ngành hàng, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.