Theo “Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014 - 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014, VNPT sẽ phải hoàn tất thoái vốn tại 63 doanh nghiệp.
Ngay sau tết Ất Mùi, VNPT đã ráo riết thực hiện thoái vốn cổ phần thông qua hình thức đấu giá công khai phần vốn góp.
Cụ thể, vào hai ngày cuối tháng 3 tới, Tập đoàn sẽ đấu giá cổ phần tại 8 doanh nghiệp. Bao gồm ba CTCP Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện tại Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau; CTCP Xây lắp điện Miền Trung, CTCP Thiết kế Viễn thông Tin học Đà Nẵng; CTCP Cadico, CTCP Tư vấn Thiết kế xây dựng Bưu chính Viễn Thông; Phát triển Viễn thông Bắc miền Trung.
Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc đấu giá CTCP Xây lắp Bưu điện Miền Trung và Thiết kế Viễn thông Tin học Đà Nẵng từ ngày 27/2 đến 26/3/2015. Các phiên đấu giá khác sẽ có thời gian đăng ký và nộp cọc từ 2/3 đến 26/3/2015.
Cả 8 DN mà VNPT đấu giá cuối tháng ba đều không niêm yết trên sàn và có vốn điều lệ khá khiêm tốn. Mức giá khởi điểm mà VNPT đặt ra tại các phiên đấu giá đều cao hơn mệnh giá cổ phần. Cá biệt, cổ phần tại CTCP Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện tại Khánh Hòa, CTCP Thiết kế Viễn thông Tin học Đà Nẵng được VNPT đặt mức giá khởi điểm cao gấp 5 lần so với mệnh giá.
Các phiên đấu giá sẽ được tổ chức tại trụ sở Công ty TNHH Chứng khoán NH Ngoại thương VIệt Nam (VCBS).
Năm 2014, VNPT đã thoái vốn xong toàn bộ gần 40,6 triệu cổ phiếu SAM (chiếm 31,02% vốn) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) với giá trị là 400 tỷ đồng. Và công ty cũng cho biết thương vụ thoái vốn khỏi Sacom có lãi chứ không lỗ.
Cuối năm 2014, đầu 2015, VNPT cũng đã bán xong 7,88 triệu cổ phiếu NT2 của CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2, VNPT tiếp tục bán tiếp 4,9 triệu cổ phiếu NT2 từ 2/3 đến 31/3.
Thể hiện quyết tâm hoàn tất nhiệm vụ thoái vốn, Tổng Giám đốc VNPT, ông Trần Mạnh Hùng từng cho biết, tất cả những đơn vị thuộc danh sách thoái vốn, đến thời điểm 2015 VNPT sẽ thoái hết, không duy trì. Những đơn vị nào không thoái thì sẽ cho giải thể hoặc hợp nhất.