VNM: Khả năng SCIC giảm tỷ lệ sở hữu trong tương lai gần là khá thấp

(NDH) BVSC cho rằng, VNM đang là nguồn đem lại lợi nhuận tốt nhất và chiếm tỷ trọng lớn của SCIC. Do đó, trong tương lai gần khi SCIC chưa có nguồn thu thay thế cho lợi nhuận đến từ VNM thì khả năng cổ đông nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty là khá thấp.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2015 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM)khả quan cả về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh yếu tố sức mua của thị trường phục hồi, việc Vinamilk tăng cường các hoạt động khuyến mãi đã giúp cho doanh thu của Công ty trong nửa đầu năm 2015 tăng trưởng 13% đạt doanh thu 19.216 tỷ đồng.

Giá nguyên liệu ổn định cho cả năm 2015 cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho VNM cải thiện về biên lợi nhuận gộp lên mức 39%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhờ có được biên gộp cao nên dù phải tăng mạnh chi phí bán hàng 85% so với 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ lợi nhuận ròng của VNM vẫn cao hơn cùng kỳ đạt 3.742 tỷ đồng, tăng 26.3% so với cùng kỳ.

Như vậy, so với kế hoạch năm 2015, kết quả 6 tháng 2015 đã hoàn thành 50% về doanh thu và 55% lợi nhuận sau thuế. Công ty cũng đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 cho năm 2015 với tỷ lệ 40% và chia cổ phiếu thưởng 20%.

6 tháng cuối năm 2015 vẫn có kết quả tích cực nhờ giá nguyên liệu thấp

Về mặt doanh thu, trong hai quý cuối năm của VNM hầu như không có những yếu tố đột biến lớn so với quý II/2015. Nhà máy sữa tại Campuchia đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2015 với hai sản phẩm sữa chua, sữa nước và đến khoảng tháng 10/2015 sẽ có thêm sản phẩm sữa đặc.

Tuy nhiên, mức độ đóng góp vào tổng doanh thu của VNM sẽ không tạo đột biến lớn do nhà máy sẽ thay thế cho việc xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Campuchia. Xét về biên gộp ước tính sẽ tương đương với biên lợi nhuận gộp của quý II/2015 khoảng 40%.

Việc tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty liên doanh liên kết Miraka từ 19.3% lên 22.8% cũng chưa đem lại mức tăng đáng kể về lợi nhuận từ Miraka còn khá thấp và mức sở hữu tăng thêm cũng không quá lớn. Ước tính cả năm 2015, VNM đạt doanh thu 39.846 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 7.605 tỷ đồng.

Triển vọng năm 2016 dựa trên sự tăng trưởng doanh thu, khả năng duy trì được biên gộp cao

Thị trường sữa năm 2016 được đánh giá là sôi động hơn khi thuế nhập khẩu sữa giảm từ mức 3% - 5% trong năm nay xuống còn 0% theo các hiệp định thương mại Asean – Úc - Newzealand và FTA Việt Nam – EU. Khi đó với thuế suất 0%, thị trường sẽ xuất hiện thêm nhiều mặt hàng sữa nhập khẩu cạnh tranh với hàng trong nước.

Tuy nhiên, đối với Vinamilk việc giảm thuế này cũng có tác động tích cực do hiện nay Công ty cũng đang phải nhập khẩu khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất.

Tăng trưởng thị trường trong giai đoạn năm 2016 ước tính tăng trưởng khoảng 7% về giá trị (theo BMI), riêng Vinamilk với các lợi thế hệ thống phân phối, mức thị phần hiện có và tăng trưởng hoạt động xuất khẩu Công ty có thể đạt mức tăng cao hơn thị trường chung.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính doanh thu của VNM trong năm 2016 sẽ khoảng 44.403 tỷ đồng tăng 11.4% so với năm 2015.

Hiên nay, Công ty cũng đang trong giai đoạn đàm phán giá nguyên liệu cho năm 2016. BVSC cho rằng Vinamilk có thể sẽ chốt được giá nguyên liệu cho cả năm 2016 ở mức tương đương năm 2015 và giá thu mua sữa trong nước không thay đổi, do đó biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục đạt mức cao 40%. Chi phí bán hàng giữ mức 15% trên doanh thu để mở rộng thị phần ở hai sản phẩm sữa bột và sữa nước. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 dự báo là 8.772 tỷ đồng tăng 15.3% so với năm 2015.

SCIC giảm tỷ lệ sở hữu ít có khả năng xảy ra trong tương lai gần

Ngành sữa hiện nay không phải là ngành kinh doanh có điều kiện, do vậy khả năng mở thêm room cho khối ngoại hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, với cơ cấu cổ đông hiện nay, room nước ngoài có thể tăng thêm bao nhiêu phụ thuộc lớn vào viêc giảm tỷ lệ sở hữu của SCIC.

Quan điểm riêng của BVSC cho rằng, VNM đang là nguồn đem lại lợi nhuận tốt nhất và chiếm tỷ trọng lớn của SCIC. Do đó, trong tương lai gần khi SCIC chưa có nguồn thu thay thế cho lợi nhuận đến từ VNM thì khả năng cổ đông nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty là khá thấp.