VNM ‘cứu’ VN-Index

(NDH) Phiên hôm nay, thanh khoản trên thị trường tiếp tục sụt giảm so với các phiên gần đây, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

Thị trường trong phiên chiều chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của VNM. Sau thông tin liên quan tới việc SCIC thoái vốn tại VNM, cổ phiếu này bất ngờ tăng vọt và kết thúc phiên giao dịch ở mức giá gần cao nhất phiên là 111.000 đồng/CP, tức tăng 5.000 đồng (4,7%). Cụ thể, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành Vinamilk cho biết “Chúng tôi muốn nới room lên mức được Chính phủ phê chuẩn vì sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn cả kinh nghiệm quản lý cho doanh nghiệp”. Theo bà, công ty đang đợi hướng dẫn của Chính phủ.

Việc VNM bứt phá mạnh trong phiên hôm nay đã góp công rất lớn giúp chỉ số VN-Index duy trì được sắc xanh. Bên cạnh đó, thị trường cũng có sự hỗ trợ của một số cổ phiếu lớn khác là CTG, GMD…

Trong khi đó, trên sàn HNX, góp công lớn nâng đỡ chỉ số HNX-Index trong phiên hôm nay đến từ các cái tên là NTP, PLC và AAA. Trong đó, NTP tăng mạnh 3.900 đồng lên 57.000 đồng/CP nhờ những kỳ vọng từ việc SCIC thoái vốn.

Chiều ngược lại, trên cả hai sàn, nhiều cổ phiếu lớn như VIC, VCB, BVH, GAS, VCG… đã đồng loạt giảm giá và gây áp lực rất lớn lên hai chỉ số. Đáng chú ý, BVH tiếp tục có phiển giảm giá rất mạnh (2.500 đồng) xuống còn 54.500 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, JVC vẫn ‘cứng’ sàn và thanh khoản sụt giảm mạnh so với các phiên trước.

Phiên hôm nay, thanh khoản trên thị trường tiếp tục sụt giảm, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền vẫn tìm đến các cổ phiếu bất động sản như DLG, HQC, ITA… Kết thúc phiên giao dịch, DLG tăng trần và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 7,7 triệu đơn vị. Trên sàn HNX, cổ phiếu TIG dẫn đầu khối lượng khớp lệnh với hơn 3,2 triệu đơn vị.

Trog khi đó, các cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận lớn là KDC (2,43 triệu cổ phiếu), LSS (1 triệu cổ phiếu), PPI (3 triệu cổ phiếu), SHB (1,69 triệu cổ phiếu) và BII (5 triệu cổ phiếu).

Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng 1,59 điểm (0,27%) lên 594,61 điểm. Toàn sàn có 117 mã tăng, 80 mã giảm và 113 mã đứng giá. Tương tự, chỉ số HNX-Index 0,17 điểm (0,21%) lên 81,35 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 89 mã giảm và 187 mã đứng giá.


Giao dịch trong phiên sáng nay tiếp tục diễn ra ảm đạm, dòng tiền đang tỏ ra khá thận trọng khi tham gia vào thị trường. Tuy vậy, đến cuối phiên sáng, nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường như VNM, SSI, MSN, CTG, PVS, NTP, ACB… đã đồng loạt tăng giá và giúp kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu.

Trong đó, NTP vẫn tăng mạnh 2.100 đồng lên 55.200 đồng/CP. VNM tăng 1.000 đồng lên 107.000 đồng/CP. VCS tăng mạnh 2.000 đồng lên 48.300 đồng/CP nhờ KQKD quý III khá khởi sắc. Cụ thể, VCS ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế quý III/2015 là gần 113 tỷ đồng, gấp 8,6 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, VCS đạt hơn 1.835 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 270,4 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Năm 2015, Vicostone đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 311 tỷ đồng và trong 9 tháng, công ty đã thực hiện hơn 320,54 tỷ đồng, tương ứng vượt 3% kế hoạch năm.

Chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu lớn khác như GAS, VCB, VIC, PVC, SCR… đều đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu và gây không ít áp lực đến hai chỉ số. Đáng chú ý, KLS phiên sáng nay giảm 200 đồng xuống 7.300 đồng/CP. Theo KQKD quý III/2015 KLS chịu mức lỗ sau thuế hơn 45 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 87,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước KLS được hoàn lại dự phòng hơn 7,3 tỷ đồng. KLS lỗ sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 gần 46 tỷ đồng, trong khi 9 tháng đầu năm 2014, KLS lãi 128,9 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, BII giảm mạnh 500 đồng xuống còn 7.900 đồng/CP và có thỏa thuận hơn 5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là hơn 46 tỷ đồng. Trong khi đó, JVC vẫn giảm kịch sàn và trắng bên mua.

Phiên sáng nay, dòng tiền trên thị trường tập trung khá mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản như DLG, HQC, ITA, FLC… Trong đó, DLG tăng mạnh 400 đồng lên 7.800 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 2,9 triệu đơn vị. Trên sàn HNX phiên sáng nay chỉ có hai mã TIG và SCR là khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị.

Khép phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 1,58 điểm (0,27%) lên 594,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 50 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 812 tỷ đồng. Toàn sàn có 113 mã tăng, 67 mã giảm và 130 mã đứng giá.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,12 điểm (0,15%) lên 81,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 22 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 255,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 63 mã tăng, 78 mã giảm và 228 mã đứng giá.


Trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch mới, giao dịch trên thị trường diễn ra có phần khá chậm, thanh khoản hai sàn ở mức thấp. Việc giao dịch trên thị trường diễn ra chậm chạp có thể do tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng khi thị trường đang dần tiến đến mốc 600 điểm.

Hiện tại, đa số các cổ phiếu trụ cột trên thị trường như BID, BVH, SSI, ACB… đều chỉ giao dịch ở mức giá tham chiếu.

Trong khi đó, một số cổ phiếu như PVS, NTP, VNM, PVD, MSN… đã nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, với những kỳ vọng được SCIC thoái vốn, NTP đang tăng mạnh 1.700 đồng lên 54.800 đồng/CP. Tương tự, VNM cũng đang tăng 2.000 đồng lên 108.000 đồng/CP.

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn khác là CTG, VIC, MBB, GAS, VCG… đều đang giảm giá.

Hiện tại, PAN chưa có giao dịch khớp lệnh. Được biết, HĐQT CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN -HoSE) vừa thông báo phát hành cổ phần ra công chúng với tổng khối lượng phát hành thêm là 16,628 triệu cổ phiếu. Giá phát hành mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng. Nếu phát hành thành công, PAN sẽ huy động xấp xỉ 166,3 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, JVC đã bị kéo xuống mức giá sàn (5.3000 đồng/CP) và trắng bên mua. Trước đó, cổ phiếu này đã có 6 phiên tăng liên tiếp, trong đó có tới 3 phiên tăng trần.

Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0,86 điểm (0,15%) lên 593,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là hơn 97 tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (0,05%) lên 81,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 4 triệu cổ phiếu, trị giá trên 44 tỷ đồng.