VKC: Mảng sản xuất cáp quang có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2016

(NDH) Trong tương lai xa hơn, việc FPT mở rộng sang các thị trường Myanmar, Campuchia trong khi VNPT vẫn tiếp tục phát triển tại hầu khắp các tỉnh thành phố trên cả nước dự báo sẽ duy trì nhu cầu cáp quang của VKC.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng

9 tháng đầu năm 2015, doanh thu của Công ty cổ phần Cáp Nhựa Vĩnh Khánh (mã VKC - HOSE) đạt 755 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ (trong đó mảng cáp tăng 66%, lốp xe tăng 11%), chi phí lãi vay giảm, các chi phí khác tăng không đáng kể, dẫn tới lợi nhuận sau thuế đạt 13,6 tỷ, tăng 102% so với cùng kỳ. Phân phối lốp xe vẫn là mảng đóng góp chính cho VKC tuy nhiên động lực tăng trưởng lại tới từ sản xuất cáp viễn thông.

Mảng sản xuất cáp quang của VKC tăng trưởng mạnh trong năm 2016

So với cáp đồng, cáp quang có nhiều ưu thế về tốc độ đường truyền (10Gbps so với 20 Mbps), khả năng bảo mật, độ ổn định về tín hiệu và khả năng tích hợp nhiều dịch vụ.

Tới giữa năm 2015, FPT Telecom (27% thị phần) đã chủ động hoàn thành việc thay thế hệ thống cáp đồng ADSL sang sử dụng 100% cáp quang. VNPT (56% thị phần) và Viettel (10% thị phần) cũng đã và đang khuyến khích các thuê bao mới và thuê bao ADSL cũ chuyển sang dùng cáp quang. Các nhà cung cấp truyền hình cáp lớn như VTVCab, SCTV cũng bắt đầu lấn sân mạnh mẽ sang mảng internet với các dịch vụ truyền hình cáp + internet trên mạng cáp quang. Song song với nhu cầu lắp mới lần đầu, việc các thuê bao chuyển đổi giữa các ISP, thay thế đường truyền cũng góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng cáp quang trong các năm tới.

Thị trường cáp quang gồm có cáp lớn để thi công các trục chính và cáp nhỏ trục nhánh đi đến từng hộ gia đình. Hiện VKC là nhà cung cấp khoảng 90% nhu cầu cáp quang trục nhánh cho FPT và VNPT, sản lượng cung cấp hiện tại đạt 16.000-17.000 km cáp/tháng. Dựa trên nhu cầu của các ISP, VKC hiện đang tiến hành mở rộng nhà máy, đưa sản lượng lên 30.000 km cáp/tháng trong năm 2016.

VKC có nhiều lợi thế trong hoạt động sản xuất và cung cấp cáp quang nhờ chính sách ưu tiên hàng sản xuất nội địa của Nhà nước, năng lực sản xuất và hỗ trợ các ISP tốt nhất cả nước, khả năng tiếp cận nhiều công nghệ sản xuất các sản phẩm cáp tiên tiến.

Trong tương lai xa hơn, việc FPT mở rộng sang các thị trường Myanmar, Campuchia trong khi VNPT vẫn tiếp tục phát triển tại hầu khắp các tỉnh thành phố trên cả nước dự báo sẽ duy trì nhu cầu cáp quang của VKC.

Hoạt động xuất khẩu khả quan - phân phối lốp xe duy trì ổn định

VKC hiện đang có hợp đồng xuất khẩu cáp đồng với thiết kế bảo hộ độc quyền 7 năm từ năm 2014 sang thị trường Phillipines, được sử dụng bởi tất cả các nhà mạng, doanh số 2015 dự kiến khoảng 4 triệu USD. Ngoài ra công ty cũng tiến hành xuất khẩu cáp LAN dạng flat, slim sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… với doanh số khoảng 1 triệu USD.

Tiềm năng từ các thị trường xuất khẩu của VKC, đặc biệt là tại Phillipines, còn khá lớn khi công nghệ internet tại nước này vẫn đi sau Việt Nam và sẽ phải nâng cấp lên cáp quang trong các năm tới.

VKC là tổng đại lý lốp xe Maxxis của hãng Chenshing (Đài Loan) từ Đà Nẵng trở vào miền Nam. Lốp Maxxis hiện là lốp theo xe ban đầu của hầu hết các hãng xe máy như Honda, Yamaha, SYM, Piaggio. Ngoài ra, VKC còn phân phối tới các đại lý xe máy, Head Honda phục vụ nhu cầu thay thế lốp xe. Doanh thu từ lốp xe máy đạt trung bình 20 tỷ/tháng. Các sản phẩm lốp ô tô chủ yếu là lốp xe tải, phân phối qua các đại lý. Biên lợi nhuận từ phân phối lốp xe ổn định khoảng 7-8%, tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 10%.

Dự báo cả năm 2015 và triển vọng 2016. VKC gần như chắc chắn sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận 16,3 tỷ đặt ra. BVSC ước tính lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 khoảng 18 tỷ, tương đương EPS 1.385 đồng, PE forward 2015 7,2 lần. Với kế hoạch phát triển cáp quang năm 2016, BVSC dự báo EPS 2016 có thể đạt trên 1.600 đồng.