VIP: Quý III lãi vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng, 9 tháng vẫn hoàn thành 96% kế hoạch

(NDH) Chi phí tài chính 9 tháng đầu năm 2015 của VIP đạt hơn 38 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ chủ yếu do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá vọt lên hơn 23 tỷ đồng, cùng kỳ khoản lỗ này chỉ là hơn 6,8 tỷ đồng.

CTCP Vận Tải Xăng Dầu Vipco (mã VIP - HOSE) đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2015, với doanh thu thuần đạt hơn 131,6 tỷ đồng, giảm mạnh 30,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ này, giá vốn hàng bán của công ty cũng tăng tới 32% nên lợi nhuận gộp của VIP trong quý III/2105 chỉ đạt hơn 28,8 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này của VIP đạt hơn 1,5 tỷ đồng, cùng kỳ khoản này của công ty chỉ đạt hơn 500 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng vọt lên gần 17,4 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Chi phí bán hàng giảm 12,8% xuống còn khoảng 1,2 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt hơn 10 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, VIP ghi nhận mức lãi sau thuế quý III/2015 là gần 1,4 tỷ đồng, giảm 91,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng giảm mạnh 91,2% xuống còn khoảng 1,47 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, VIP đạt hơn 430,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 18% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu bán hàng trực tiếp nội địa giảm từ 174,7 tỷ đồng (9 tháng đầu năm 2014) xuống còn 109,3 tỷ đồng.

Chi phí tài chính 9 tháng đầu năm 2015 của VIP đạt hơn 38 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ chủ yếu do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá vọt lên hơn 23 tỷ đồng, cùng kỳ khoản lỗ này chỉ là hơn 6,8 tỷ đồng.

Tuy vậy, 9 tháng đầu năm 2015, VIP lãi sau thuế hơn 29,9 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng tăng 24,5% lên hơn 30 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành hơn 96% kế hoạch lợi nhuận mà ĐHĐCĐ thường niên đã giao phó hồi đầu năm.

Hết quý III/2015, tổng tài sản của công ty hụt 11% so với đầu năm và còn hơn 1.601,87 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền của VIP đạt hơn 172 tỷ đồng, giảm 18,5% so với số đầu năm.

Trong báo cáo triển vọng các ngành quý IV/2015, BSC cho rằng theo tính mùa vụ, quý IV là thời điểm tốt nhất trong năm với các doanh nghiệp vận tải biển khi sản lượng vận chuyển gia tăng do bước mùa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên với việc giá hàng hóa chưa có dấu hiệu phục hồi, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ tạo áp lực lên giá cước và BSC cho rằng KQKD quý IV của các doanh nghiệp sẽ không có nhiều đột biến.