Đây là lần đầu tiên S&P's tiến hành khảo sát 100 công ty lớn nhất khu vực Đông Nam Á về sự phát triển chất lượng tín dụng, đòn bẩy tài chính, chi tiêu vốn và chiến lược doanh nghiệp trước thời điểm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015.
Vingroup và Vinamilk là 2 đại diện Việt Nam trong top 100 doanh nghiệp lớn nhất ASEAN. |
Theo đó, Việt Nam có hai đại diện lọt top 100 là Vingroup và Vinamilk. Xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Vingroup hiện được S&P's đánh giá ở mức B với triển vọng ổn định. Doanh thu năm 2013 đạt 18.400 tỷ đồng. Rủi ro doanh nghiệp được nhận định ở mức thấp.
S&P's nhận xét Vingroup là công ty đã tạo được chỗ đứng trên thị trường bất động sản Việt Nam, thanh khoản ở mức vừa phải. Sắp tới, tập đoàn này sẽ phải cần thêm nhiều vốn để mở rộng kinh doanh, do mục tiêu tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, S&P 's cũng lưu ý một số thách thức với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản tại Việt Nam chưa phục hồi chắc chắn.
Trong khi đó, Vinamilk được ghi nhận doanh thu năm 2013 đạt 30.900 tỷ đồng. Rủi ro doanh nghiệp được đánh giá vừa phải, và rủi ro tài chính thấp. S&P's nhận xét Vinamilk đã có vị thế thống trị tên thị trường sữa Việt Nam với độ nhận diện thương hiệu cao và lợi nhuận ổn định 5 năm qua. Hãng cũng vay nợ ít và có dòng tiền nhàn rỗi lớn. Tuy nhiên, việc kinh doanh của Vinamilk còn phụ thuộc vào giá nguyên liệu và tỷ giá. Tín nhiệm của công ty này cũng có thể bị ảnh hưởng do Nhà nước vẫn còn cổ phần lớn trong đây.
Nhận xét chung về các công ty Đông Nam Á, Xavier Jean - nhà phân tích tín dụng tại Standard & Poor's cho biết: "Các doanh nghiệp ASEAN đang tăng cường dùng nợ để thúc đẩy tăng trưởng, và có thể còn tiếp tục hoạt động này trong 2 năm tới". Dùng nhiều đòn bẩy sẽ làm tăng rủi ro gặp khó khăn tài chính, phải tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nợ hoặc thậm chí vỡ nợ nếu cạnh tranh nóng lên hoặc tăng trưởng đi xuống.