Vingroup báo lãi hợp nhất quý I chỉ đạt 357 tỷ đồng

(NDH) Tập đoàn Vingroup cho biết đã lỗ 112 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá. Chi phí phát sinh do hủy hợp đồng với khách hàng cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Tập đoàn này sụt giảm mạnh lợi nhuận, bên cạnh lý do về hoạt động kinh doanh chính.

CTCP Tập đoàn Vingroup (mã VIC- HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015 với lợi nhuận sụt giảm tới 66% so với cùng kỳ.

Doanh thu hợp nhất tăng nhẹ, lợi nhuận sụt giảm

Mặc dù doanh thu khối bán lẻ (bán lẻ, siêu thị, thời trang, nhà hàng) tăng mạnh lên gấp 4,7 lần nhưng biên lợi nhuận của mảng kinh doanh này thấp hơn so với việc cho thuê, bán bất động sản, dịch vụ khách sạn. Kết quả, biên lãi gộp giảm từ 39,02% xuống hơn 35%. Lãi gộp trong kỳ đạt 323 tỷ đồng, giảm 7%.

Thay đổi cơ cấu doanh thu

Doanh thu tài chính tăng hơn 30% nhờ hoạt động cho vay và gửi tiền. Chi phí tài chính trong kỳ cũng tăng mạnh. Do là một doanh nghiệp có khoản vay bằng gốc ngoại tệ (USD) lớn nên khi tỷ giá USD tăng Vingroup đã ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 112 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ vỏn vẹn 541 triệu đồng. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu và khoản vay chuyển đổi cũng khiến Vingroup tốn 123 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty còn phát sinh chi phí do hủy hợp đồng với khách hàng, khiến chi phí khác của Tập đoàn tăng mạnh.

Kết quả là lợi nhuận trước thuế của Vingroup giảm hơn 55%, còn 692 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, lãi ròng hợp nhất giảm tới 66,5%. Lãi ròng riêng cổ đông công ty mẹ được nhận là 428 tỷ đồng. EPS đạt 318 đồng/ cổ phiếu, tương đương 25% mức EPS cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận hợp nhất thấp nhất trong 8 quý trở lại đây.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm, Vingroup cho biết do Tập đoàn đang trong giai đoạn đầu tư mạnh mẽ vào một số lĩnh vực mới nhưng chưa có doanh thu tương ứng.

Bên cạnh đó một số dự án bất động sản của Tập đoàn đã thu được tiền từ khách hàng nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong kỳ.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý I

Mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất của Vingroup sụt giảm, nhưng theo báo cáo tài chính riêng của Tập đoàn này, lợi nhuận tăng mạnh từ 255 tỷ đồng lên 2.142 tỷ đồng. Nguồn thu chính đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia (doanh thu tài chính).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, Vingroup đặt kế hoạch doanh thu thuần từ KQKD chính đạt 30.000 tỷ đồng, LNST 3.000 tỷ đồng. Hiện lợi nhuận ròng hợp nhất mới chỉ hoàn thành 11,9%.

Tổng tài sản của Vingroup đến cuối quý này đạt 96.057 tỷ đồng, tăng 6,85% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền đạt xấp xỉ 5.400 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Vingroup lại gia tăng khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng.

Tồn kho bất động sản giảm

Đến cuối quý I, Vingroup còn tồn kho 16.113 tỷ đồng, giảm 540 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, bất động sản xây dựng để bán đã hoàn thành hiện đạt 1.788 tỷ đồng, giảm 40%.

Trong kỳ, công ty đã “rót” thêm vốn đầu tư vào các Dự án BĐS đang xây dựng dở dang, điển hình có Vinhome Central Park (780 tỷ), Vinhome Nguyễn Chí Thanh (1.115 tỷ), Times City (33 tỷ), Vinhome River Side (402 tỷ), Vinpearl Phú Quốc (300 tỷ), Vincom Đà Nẵng (119 tỷ), Vinpearl Nha Trang Bay (231 tỷ)...

Ngoài 69 công ty con và 5 công ty liên kết, Vingroup hiện đang nắm giữ cổ phiếu nhằm mục đích kinh doanh gồm CTCP Đạm Phú Mỹ (mã DPM- HoSE) và Ngân hàng TMCP BIDV (mã BID- HOSE) với giá trị đầu tư lần lượt là 32,4 tỷ đồng và 73,4 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng đang sở hữu cổ phần của Vinatex với giá trị đầu tư 552 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ 70,9%

Nợ vay đang chiếm gần 71% nguồn vốn của Vingroup. Hiện các khoản vay bằng gốc ngoại tệ của Tập đoàn này gồm có khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá xấp xỉ 3.152 tỷ đồng (lãi suất Libor + 5,5%), khoản vay chuyển đổi 20 triệu USD (ls 8,75%) và trái phiếu quốc tế 200 triệu USD (ls 11,625%), 163,2 triệu USD (ls 5%).

Trong kỳ, vốn điều lệ không thay đổi. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/3 đã tăng lên 4.652 tỷ đồng, tương đương 32% vốn điều lệ.