Theo kế hoạch, Vinatex sẽ thực hiện đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 22/9/2014, với số lượng cổ phiếu chào bán là gần 122 triệu cổ phiếu và giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phiếu. Tập đoàn vừa ký hợp đồng bán 24% cổ phần cho 2 nhà đầu tư chiến lược, trong đó bán 14% cổ phần cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group), và 10% cổ phần cho Tập đoàn Vingroup.
Ông Lê Trung Hải cho biết trước mắt Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ 51%.
“Tuy nhiên, Chính phủ có đồng ý là do dệt may không phải là ngành nghề chủ chốt để phát triển, để giữ đa số (cổ phần), do đó trong tương lai sau 3 năm chúng tôi có lộ trình bước 1 là giảm từ 51% xuống dưới 51%, và sau đó có thể là Nhà nước bán hết 100% và không giữ phần trăm nào”, ông nói.
Theo ông Hải, không khó để Nhà nước có thể quản lý một ngành nghề.
“Tôi nghĩ, Nhà nước có nhiều công cụ quản lý, qua thuế, qua chính sách, qua các cơ chế… để quản lý được một ngành nghề mà không cần nắm giữ 100% vốn”.
Giải đáp thắc mắc của giới đầu tư về việc Vinatex có kế hoạch niêm yết muộn (3 năm sau IPO), ông Hải cho rằng Vinatex đang cố gắng hoàn thiện tổ chức của mình, hoàn thiện tỷ suất lợi nhuận… để niêm yết được với giá tốt hơn.
Hiện tại, Vinatex đang chịu áp lực phải nâng tầm các công ty còn hoạt động chưa thuận lợi, phải cải cách để các công ty đó hoạt động tốt hơn.
“Chúng tôi phải đầu tư rất nhiều về con người, về huấn luyện, kể cả về tiền nữa, thì cần phải có thời gian để thẩm thấu.”
Đang chuẩn bị rất nhiều cho TPP
Ông Hải cho biết để chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Vinatex đã chuẩn bị 1 số bước từ lâu.
Theo dự báo của các chuyên gia tham gia đàm phán, Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ được ký vào năm 2015 và đầu năm 2017 mới có thể áp dụng, vì cần có thời gian để được quốc hội của 12 nước thành viên phê chuẩn.
Nếu Hiệp định TPP được ký kết, thuế suất của các nước tham gia sẽ được giảm về 0%.
Trong lĩnh vực dệt may, ngoại trừ các điều kiện 2 bên thống nhất với nhau, còn có 1 điều kiện tiên quyết là các sản phẩm phải bắt đầu từ sợi. Có nghĩa là nếu Việt Nam nhập khẩu vải từ Trung Quốc về và may mặc ở Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ thì không được hưởng ưu đãi thuế quan 0% này.
Để đạt được ưu đãi thuế quan của Hiệp đinh TPP mang lại, ông Hải cho rằng chúng ta phải làm bắt đầu từ sợi. Do các nước tham gia TPP là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ là những nước phát triển, nên sợi ở các nước đó gần như không được phát triển nhiều, cho nên nhìn lại cũng chỉ có vài nước ở khu vực Châu Á sản xuất sợi.
Từ những điểm đó, Vinatex đã có những bước đi của mình.
“Đầu tiên chúng tôi yêu cầu tất cả các công ty nằm trong tập đoàn phát triển sợi. Nhưng vẫn chưa đủ. Vì các công ty phải cân nhắc, đắn đo. Có công ty mạnh, công ty yếu. Để giải quyết bài toán tổng thể, cách đây hơn 1 năm, Vinatex đã phải xoay chuyển suy nghĩ trong phát triển nhằm đáp ứng cho công ty và nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng ở các nước. Tập đoàn đã phải tự đứng ra để tăng tốc đầu tư.”
Ông Hải cho biết Vinatex mới làm xong 1 nhà máy sợi cao cấp Phú Hưng ở Huế để cung cấp hàng cho các nơi. Tập đoàn cũng đang triển khai 6-8 dự án, có dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, có dự án đến gần cuối năm sau và năm 2015 thì xong. Đó là các dự án như sợi Phú Cường (Đồng Nai), dự án dệt vải áo karo chất lượng cao, một nhà máy phát triển dệt kim. Đó là ở miền Nam. Còn ở miền Bắc, Tập đoàn có một số sự án dệt nhuộm ở Nam Định, đầu tư lại 1 nhà máy mua lại của liên doanh ở Đà Nẵng, đầu tư 1 nhà máy sợi và dệt kim ở Khoái Châu (Hưng Yên). Tựu chung lại là các dự án đó đang tiến hành và còn có 1 loạt các dự án sẽ tiến hành.
Ngoài các dự án cơ bản về sợi, dệt, nhuộm, về hoàn tất vải để cung cấp cho may, Vinatex có những mặt hàng đang được nghiên cứu đầu tư theo hướng dài hơi hơn, như một nhà máy sản xuất xơ visco để cung cấp cho các nhà máy kéo sợi, một dự án sản xuất bột giấy để cung cấp cho nhà máy xơ visco.
“Đó là một loạt chương trình Vinatex mà đang triển khai một phần và trong tương lai sẽ thực hiện một phần. Những sản phẩm mà chúng tôi đang nói đây chúng tôi đang cố gắng thực hiện để hình thành một chuỗi sản phẩm, chuỗi cung ứng,” ông Hải trình bày với giới đầu tư. “Chúng tôi đang cố gắng đi theo chuỗi sản xuất của mình để có thể kiểm soát được từ nguyên liệu đầu vào cho tới sản phẩm đầu ra.”
Với tất cả các khoản đầu tư đó, ông Hải đánh giá trong tương lai Vinatex cũng chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu mà Việt Nam đang làm. Lý do là ngành này đòi hỏi rất nhiều nhân lực, vật lực, cán bộ, công nhân, vốn, kể cả có ngân hàng tài trợ rồi nhưng vẫn cần phải có vốn đối ứng.
Hiện nay, do cân đối về các dây chuyền chưa đủ nên Vinatex đang phải nhập khẩu hàng rất nhiều từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…. Vinatex hiện nay chi đến 5-6 tỷ USD nhập nguyên liệu vải để cung cấp cho bên may.
Về may, ông Hải cho biết Vinatex đang thành lập khoảng 300 chuyền may ở phía Nam, 100 chuyền may ở miền Trung và 200 chuyền may ở miền Bắc. Tổng cộng là khoảng 600 chuyền may ở cả Việt Nam, mỗi chuyền may khoảng 50 người, tương đương khoảng 30 nghìn người.
Tới giờ, Tập đoàn đã hoàn thành một nhà máy ở Nam An (Nam Định), nhà máy ở Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), nhà máy ở Hương Trà (Huế), và vừa động thổ nhà máy Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Tất cả những nhà máy mới này vừa làm, được đầu tư hoàn toàn mới.
Ông cho biết thêm việc đầu tư như vậy là nhằm mục tiêu hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất.
“Chúng tôi làm chuỗi không phải để phục vụ 100% TPP. Đương nhiên, nếu có TPP thì tốt, nhưng nếu không có TPP, chúng tôi tổ chức sản xuất cho chúng tôi thì nó sẽ tốt hơn. Điều này không đóng khung lại chỉ trong chuỗi của chúng tôi. Chúng thiết kế làm sao để chuỗi của chúng tôi sử dụng những sản phẩm này, và còn năng lực chúng tôi có thể cung cấp cho các đơn vị.”
Không lo hàng Trung Quốc
Trả lời câu hỏi của một nhà đầu tư về cách ứng xử với thách thức trong thị trường nội địa khi hàng Trung Quốc tiểu ngạch tràn ngập thị trường, ông Hải nhận định hàng Trung Quốc sẽ không còn đáng lo ngại.
“Nếu tinh ý sẽ thấy hàng Trung Quốc sang Việt Nam đã giảm nhiều rồi. Lý do giảm không phải chúng ta hay, chúng ta làm hàng hóa rẻ hơn hay tốt hơn, mà bên Trung Quốc, giá nhân công, nhiên liệu, và đặc biệt là chính sách bảo hộ đã được áp dụng, khiến giá ở bên Trung Quốc đã trở nên đắt hơn.”
Đó là chưa kể đến việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc lên giá cũng khiến sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc đã bắt đầu kém đi.
Hàng Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng đăc biệt của vấn đề lao động. Lao động miền Tây Trung Quốc rất nhiều, nhưng họ phải đi ra miền Đông để phát triển. Trung Quốc đã có chính sách muốn phát triển công nghiệp ở miền Tây, nhưng muốn đưa sản phẩm từ miền Tây sang miền Đông để xuất khẩu qua các cảng biển thì phải đi 2.000-3.000 km, dù có đi bằng tàu hỏa, chi phí cũng sẽ rất lớn.
Một yếu tố nữa khiến hàng Trung Quốc sẽ vắng mặt hơn tại thị trường Việt Nam là Trung Quốc cũng đang có chính sách siết lại các quy định về môi trường. Các doanh nghiệp gây ô nhiễm đều phải di dời khỏi thành phố.
Giải bài toán lao động
Trước nỗi băn khoăn về vấn đề lao động của Vinatex, nhất là khi tập đoàn đang ở ra hàng trăm chuyền may mới, vị quan chức này cũng lên tiếng trấn an.
Ông cho biết Vintatex đã rút kinh nghiệm rất nhiều trong quá trình dài đầu tư, thấy rằng lao động tập trung cũng không tốt, lao động nhập cư cũng không tốt.
Từ gần 10 năm nay, các công ty may như Nhà Bè, Việt Tiến và các công ty khác trong Tập đoàn đã thí điểm đưa các nhà máy may về các địa phương. Kinh nghiệm rút ra cho thấy thông thường một khu vực có 20.000 người dân thì có khoảng 4.000-5.000 người ở trong độ tuổi lao động và chỉ hấp thụ được 1/10 của số 4.000-5.000 người đó. Do đó, Tập đoàn thường phải đi khảo sát rất kỹ về lao động ở khu vực xung quanh nhà máy được thành lập.
Tập đoàn cũng tính đến vấn đề cạnh tranh, với tính toán rằng một nhà máy nếu đứng vững được 3-4 năm thì vấn đề lao động không còn đáng lo, dù khu vực đó có thể có 1 nhà máy thứ hai bên cạnh mọc lên để cạnh tranh.
Đó là lý do tạo sao những dự án may mới của Vinatex được đặt ở Tư Nghĩa, Hương Trà, Bồng Sơn, Tam Quan, Khoái Châu…Đó là những nhà máy ở các khu vực may chưa có nhiều và Tập đoàn đã khảo sát lao động ở khu vực đó là thuận lợi, không quá xa khu dân cư, nhưng cũng không có những doanh nghiệp ảnh hưởng. Đặc biệt, những khu vực đó dân đã từng đi làm may trong Nam khá nhiều, và khi họ về Vinatex dễ dàng tuyển được bộ khung.
Giải bài toán nguồn vốn
Được hỏi về vấn đề nguồn vốn ở đâu khi Vinatex đề cập đến chuyện đầu tư rất nhiều nhà máy mới như vậy, ông Hải cho biết Tập đoàn được các ngân hàng cho vay ưu đãi.
“Chúng tôi thường bỏ ra khoảng 30% tổng vốn đầu tư, và ngân hàng cho vay 70% vốn còn lại… Tuy nhiên, chúng tôi vay được với lãi suất ưu đãi từ gốc đối với các dự án của chúng tôi.”
Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đồng ý tài trợ cho Vinatex cái gọi là tái cơ cấu lại vốn đầu tư bằng một lãi suất mềm hơn rất nhiều và thời hạn trả dài hơn rất nhiều, khoảng hơn 100 triệu USD hoặc có thể cao hơn.
Lãi suất của khoản vay này rất hấp dẫn, mấy năm đầu là 0%, mấy năm sau là 1%, 2%, và kéo dài tới 25 năm.
“Với số vốn này, hoạt động đầu tư của VInatex chắc chắn sẽ có thuận lợi nhất định trong tương lai”, ông Hải chia sẻ.