Vinatea: Lỗ đậm, IPO vẫn hot

Vinatea: Lỗ đậm, IPO vẫn hot

– Với mức lỗ đậm nhất từ trước đến nay và hoạt động ở ngành hàng đang có tình hình kinh doanh chính đầy khó khăn, đợt chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu tiên của TCty chè VN (Vinatea) vẫn thành công với tỷ lệ đạt 100%.

Vinatea5a

Vinatea có kết quả kinh doanh lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm 2015 và 3 năm hoạt động gần đây đều có kết quả sụt giảm song vẫn có hấp lực lớn với nhà đầu tư

Điều gì khiến Vinatea dù lỗ, vẫn được nhà đầu tư đánh giá cao?

Xếp sẵn đối tác chiến lược

Cũng như nhiều DN Nhà nước thực thi cổ phần hóa khác, "chìa khóa" quyết định IPO thành công thường phụ thuộc nhiều vào chuyện DN có thu xếp, tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược tiềm năng hay không. Thành công của Sasco, của Vietnam Airlines trong thời gian qua ở các đợt IPO trị giá lớn là những điển hình cho câu chuyện này.

Theo phương án cổ phần hóa Vinatea được Thủ tướng phê duyệt, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn hiện có, đồng thời sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ Vinatea. Với Vinatea, hoạt động IPO không dễ dàng khi DN có kết quả kinh doanh lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm 2015 là 7 tỷ đồng và 3 năm hoạt động gần đây đều có kết quả sụt giảm. Song, Vinatea thành công IPO là do đã thu xếp được nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) đã duyệt chọn Cty CP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (HOSE: mã GTN) làm cổ đông chiến lược của Vinatea. Hội đồng quản trị GTN cũng đã ra quyết định về kế hoạch sở hữu 75% vốn điều lệ Vinatea bằng cách gom mua 23,56 triệu cổ phần theo phương án phát hành cho nhà đầu tư chiến lược và 4,2 triệu cổ phần bằng cách tham gia phiên đấu giá IPO. Theo đo, với mức giá khởi điểm 10.100 đồng/cp, GTN sẽ chi ra khoảng 280 tỷ đồng để thâu tóm TCty Chè VN.

Trên thực tế, kết quả IPO của Vinatea diễn ra hôm 16/9 có 9 nhà đầu tư đăng kí tham gia, trong đó xuất hiện 1 nhà đầu tư tổ chức tham gia đấu giá. Tuy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) không thông báo chi tiết khối lượng trúng thầu sở hữu cổ phần Vinatea của nhà đầu tư tổ chức (cùng với 8 nhà đầu tư cá nhân khác) song lãnh đạo một Cty chứng khoán cho rằng, sự hiện diện của GTN tại Vinatea là chắc chắn. Việc đầu tư của GTN tại Vinatea với tỷ lệ sở hữu cao tuy cần thời gian và các đợt phát hành cổ phiếu mới gom đủ 75% theo mục tiêu, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa, GTN đã thâu tóm Vinatea với tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối. Đây là một trường hợp thâu tóm ngoạn mục bởi GTN được đánh giá là một "ngôi sao mới nổi", chỉ trong vài năm đã tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản lên thêm nhiều lần. GTN hoạt động theo mô hình holdings - Cty mẹ, con, còn Vinatea dù "bé hạt tiêu" so với nhiều TCty Nhà nước khác nhưng vẫn là một trong những TCty quan trọng của Bộ NN - PTNT. Như vậy, chỉ cần đạt mục tiêu sở hữu từ 60% cổ phần Vinatea trở lên, nghiễm nhiên TCty này sau cổ phần hóa, đã là một Cty con của GTN.

Lợi thế đất "khủng"

GTN cũng lên kế hoạch sở hữu 75% vốn điều lệ Vinatea bằng cách gom cổ phần.

Lợi thế của Vinatea là sở hữu, quản lí quỹ bất động sản nông nghiệp lên tới 3.544 ha đất gồm 134.8 m2 đất xây dựng cơ bản và 3.530,6 ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo cáo bạch IPO của Vinatea, tất cả các quyền sử dụng đất trên đã được cơ quan chính quyền xác nhận và không có tranh chấp hay thuộc diện quy hoạch. Trong đó, có hơn 1.000 ha đất là để tạo vùng nguyên liệu, những năm gần đây các vườn đồi chè đã giao khoán cho người nông dân. Ngày 14/07/2015, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT có quyết định bổ sung giá trị vườn chè giao khoán theo giá trị sổ sách 2,6 tỷ đồng vào giá trị trực tế DN và giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Vinatea để cổ phần hóa.