Vinashin không ngại nhặt 'bạc cắc'

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sự nói rằng những hợp đồng đóng tàu cá dù ít tiền nhưng đã "hà hơi thổi ngạt" cho Tổng công ty gượng dậy sau khi con tàu mẹ Vinashin được "trục vớt" lên mặt nước gần hai năm trước.

Ít ai có thể hình dung, những cái tên lẫy lừng của ngành đóng tàu Việt Nam một thập kỷ trước như Tổng công ty Nam Triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng… nổi danh với những hợp đồng tỷ USD, những con tàu hàng trăm nghìn tấn đến hôm nay lại phải trông vào những hợp đồng đóng tàu cá của ngư dân.

Báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 vừa gửi lên Bộ Giao thông Vận tải tuần trước của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cho thấy, nhiều công ty con của họ đang phải "ăn đong" bằng những hợp đồng tàu cá vài tỷ đồng mỗi chiếc.Thậm chí, đa số đơn vị thành viên đều lo ngại sẽ không hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất trong năm nay do những khó khăn liên quan đến hợp đồng tàu cá.

Chỉ tính với 8 doanh nghiệp được giữ lại từ Vinashin sau tái cơ cấu thì trong số 94 tàu phải bàn giao năm nay trong hợp đồng có hơn 30% là các đơn hàng tàu cá (35 chiếc).

sutauca-1488-1437221967.jpg

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sự (trái)trao đổi với ngư dân Quảng Bình trong lễ bàn giao tàu cá đầu năm 2015 Ảnh: Chí Hiếu

Tại cuộc họp về sản xuất kinh doanh của những đơn vị được giữ lại từ thời Vinashin với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cuối tuần qua, câu chuyện tàu cá cũng được hầu hết người đứng đầu các đơn vị nhắc đến như những "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp.

Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến thừa nhận, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 nhiều khả năng không thực hiện được vì các hợp đồng dự kiến ký trong nửa đầu năm đến nay vẫn chưa hoàn tất, trong đó nhiều nhất là hợp đồng tàu cá. "Cả 10 hợp đồng đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân đến giờ vẫn chưa thể ký. Do đó, từ nay đến hết quý III giả sử có ký được thì mục tiêu bàn giao 10 tàu này trong năm 2015 cũng không thể kịp", ông Chiến lo ngại và đề nghị Tổng công ty phân bổ thêm việc để mong đạt chỉ tiêu.

Công ty Đóng tàu Bạch Đằng thì may mắn hơn đôi chút khi kế hoạch bàn giao 10 tàu cá đã bắt đầu khởi động với việc đã ký xong 3 chiếc. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Trương Hoàng Cao cho hay giả sử ba sản phẩm này đươc bàn giao kịp vào cuối năm thì doanh thu của công ty cũng chỉ đạt 82% so với mục tiêu đề ra cách nay hơn 6 tháng.

Tương tự, cả 2 hợp đồng tàu cá mà Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn đặt ra trong năm nay nhiều khả năng cũng bị đổ bể khi đã nửa năm trôi qua mà chưa thấy ngư dân quay lại thương thảo.

Còn đại diện Công ty Đóng tàu Hạ Long cho hay, đơn vị này chưa ký được hợp đồng nào với ngư dân để hiện thực hóa mục tiêu bàn giao 7 tàu đã đặt ra từ đầu năm.

Chủ tịch SBIC Nguyễn Ngọc Sự thừa nhận, trong số 8 đơn vị giữ lại từ Vinashin, hiện có Đóng tàu Sông Cấm và Hạ Long là không phải "xin" hợp đồng tàu cá từ công ty mẹ do luôn đủ việc nhờ liên danh với Damen Hà Lan. "Cả hai doanh nghiệp đang làm không hết việc. Còn lại, tất cả các công ty khác, kiếm được một hợp đồng tàu cá dù chỉ trên dưới 10 tỷ đông thôi, vào lúc này cũng là rất quý", ông Sự bộc bạch.

ca-5451-1437221967.jpg

Những hợp đồng đóngtàu cá vỏ sắt đang là điều mà Tổng công ty SBIC kỳ vọng có được càng nhiều càng tốt đểvượt qua giai đoạn khó khăn này Ảnh: C.Hiếu

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu vỏ sắt đánh bắt xa bờ là một cú "hà hơi thổi ngạt" với họ, song chưa kịp mừng thì nay khó khăn đã dồn dập.

Ông Sự cho hay, việc ngư dân chấm dứt hợp đồng một phần vì thủ tục vay vốn khó khăn nhưng cũng vì khi nghe tin Chính phủ mở rộng hỗ trợ cho cả đóng tàu vỏ gỗ thì nhiều người không có nhu cầu đóng tàu vỏ sắt nữa.

Ngoài ra, trong số hơn 30 hợp đồng tàu cá đã giành được, không ít đơn vị thành viên đang "tiến thoái lưỡng nan" vì không có tiền chi cho phần bảo lãnh hợp đồng theo quy định của ngân hàng, trong khi công ty mẹ muốn hỗ trợ thì phải báo cáo lên Thủ tướng.

Chia sẻ với VnExpress, vị chủ tịch kể rằng, đã có người hỏi ông có tự ái không khi mà Vinashin từng lẫy lừng thế, với những hợp đồng tàu trăm nghìn tấn, giá trị có khi lên cả tỷ USD nhưng giờ lại đi nhặt bạc cắc từ ngư dân.

"Tôi nói rằng bạc cắc bây giờ cũng quý. Đừng quên rằng Vinashin chìm một phần cũng vì những hợp đồng quá sức như vậy trong khi năng lực có hạn", ông Sự nói.

Hơn nữa, theo ông, SBIC giờ đây không khác nào một người chết đuối vừa được trục vớt lên mặt nước nên không việc gì phải tự ái. Điều cốt tử nhất với doanh nghiệp lúc này là có việc làm cho người lao động, cũng là để những máy móc được đầu tư hoành tráng thời vàng son không bị hoen gỉ và chờ cơ hội phục hồi.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho rằng, SBIC như người có bệnh nên phải "vái tứ phương" chứ không nên quá trông chờ vào các đơn hàng từ ngân sách hay phải là những đơn hàng lớn.

"Lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải lặn lội gặp ngư dân để chào hàng, để cạnh tranh giành từng hợp đồng chứ không thể giữ mãi tư duy bao cấp, cái gì cũng xin bên trên được", Thứ trưởng yêu cầu.