Ngày 29/6, đoàn công tác của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), về tình hình thực hiện tái cơ cấu của công ty theo đề án đã được phê duyệt.
Tại buổi làm việc, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk cho biết: trong 12 năm kể từ khi cổ phần hóa, Vinamilk đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, doanh thu Vinamilk tăng từ 4.227 tỷ đồng năm 2004 lên 34.977 tỷ đồng vào năm 2014, với tốc độ tăng trưởng bình quân về mặt doanh thu 22% mỗi năm, tăng 8,3 lần so với năm 2004; tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước là gần 19.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2015, Vinamilk dự kiến sẽ đạt doanh thu 38.424 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của Vinamilk cũng tăng trưởng khá nhanh, với mức tăng gấp 10 lần (từ 1.569 tỷ đồng vốn điều lệ năm 2004 lên 10.000 tỷ đồng năm 2014).
Đặc biệt, vốn hóa thị trường của Vinamilk đã đạt 5 tỷ USD, đứng thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau 12 năm cổ phần hóa, Vinamilk đã vươn lên trở thành công ty sữa lớn nhất Việt Nam và nắm giữ khoảng 53% thị phần sữa nước, 84% thị phần sữa chua và 80% thị phần sữa đặc và đã xuất khẩu hơn 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng năm hơn 200 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu tại Trung Đông, châu Á và trong thời gian tới Vinamilk sẽ mở rộng sang châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ... Doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ lệ từ 8% đến 24% tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk và tốc độ tăng trưởng bình quân của xuất khẩu là 17%/năm trong vòng 10 năm qua.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vinamilk chia sẻ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của công ty về cơ chế chính sách và mong muốn có một cơ chế quản lý vốn Nhà nước được vận hành phù hợp Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, điều lệ công ty...
Ngoài ra, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 sẽ có hiệu lực ngày 1/7/2015, có quy định người đại diện phải báo cáo, xin ý kiến của doanh nghiệp cử đại diện trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại đại hội đồng cổ đông, của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên trong tất cả các trường hợp mà không có sự phân chia về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước như Nghị định 99 và Thông tư 21. Điều này, theo lãnh đạo Vinamilk, sẽ tiếp tục dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, theo bà Liên, Vinamilk mong muốn Quốc hội xem xét lại điều khoản này để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay cho doanh nghiệp trước khi luật này có hiệu lực.
Đồng thời, xem xét về tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước trong công ty cổ phần ở một mức hợp lý, để hài hòa lợi ích các bên liên quan, đặc biệt là trong các công ty cổ phần đang có tỷ lệ vốn Nhà nước lớn, mà Nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ vốn lớn như ngành sữa, thực phẩm.
Tính đến ngày 31/12/2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn là đại cổ đông lớn nhất tại Vinamilk, với khối lượng nắm giữ hơn 450 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 45,08% vốn Vinamilk.