Vinalines không muốn bán hết Cảng Hải Phòng

Tổng công ty Hàng hải kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cho giữ lại ít nhất 51% vốn Nhà nước tại cảng lớn nhất miền Bắc.

Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) vừa hoàn thành đề án phát triển hệ thống cảng biển do doanh nghiệp nắm giữ sau tái cơ cấu. Theo đó, doanh nghiệp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ thoái bớt hoặc toàn bộ vốn góp trong các doanh nghiệp không hiệu quả hoặc tầm quan trọng không cao, nhưng muốn duy trì tỷ lệ 51% tại các cảng có vai trò then chốt.

Danh sách các cảng Vinalines đề xuất Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, Sài Gòn và hai cảng liên doanh Cái Mép, SSIT (Vũng Tàu). Các cảng Quảng Ninh, Phú Mỹ (Vũng Tàu), Khuyến Lương (Hà Nội), có thể thoái vốn toàn bộ.

Tại ba cảng trọng điểm vùng là Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinalines Đình Vũ, tổng công ty kiến nghị Nhà nước vẫn nắm giữ 51% vốn điều lệ. Riêng với cảng lớn nhất miền Bắc là Hải Phòng, doanh nghiệp đề xuất tỷ lệ 51-65%.

CHP-2-9243-1417963708-6014-142-1969-6370

Cảng Hải Phòng đang là "món hàng nóng" với các nhà đầu tư nội lẫn ngoại. Ảnh: Vinalines

Cảng Hải Phòng đang là cuộc đua giữa Tập đoàn Vingroup với một quỹ đầu tư nước ngoài đến từ Oman. Sau khi đối tác ngoại cơ bản nhận được sự đồng thuận của các bộ về việc mua lại gần 30% vốn Nhà nước tại đây, Vingroup cũng đề xuất mua với tỷ lệ lên đến 80%.

Với đề xuất giữ lại 51-65% vốn, Vinalines cho rằng đây là là việc làm phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản 10552 cuối năm 2014 về việc bán cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Theo đó, Vinalines sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ.

Trong khi đó, theo Quyết định số 37 giữa năm ngoái của Thủ tướng về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước thì các cảng biển Vinalines đang quản lý, khai thác là các cảng biển tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế... Nhà nước cần nắm giữ 75% tổng số cổ phần trở lên.

Bên cạnh đó, Vinalines cho rằng, trong bối cảnh vận tải biển tiếp tục khó khăn thì cảng sẽ là mũi đột phá để tổng công ty vượt qua giai đoạn gian nan này. "Không còn con đường nào khác, Tổng công ty buộc phải chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống cảng biển nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ hệ thống cảng biển làm nòng cốt để tiếp tục duy trì lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải trong việc thực hiện chiến lược biển của mình", Vinalines nhấn mạnh.

Cho ý kiến về phương cổ phần hóa công ty mẹ Vinalines mới đây, khi nhận xét về nội dung Nhà nước chỉ giữ 36% trong cơ cấu vốn điều lệ, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines xây dựng lại trên tinh thần để doanh nghiệp này vẫn giữ vị trí nòng cốt trong lĩnh vực cảng biển.

Năm 2014, Cảng Hải Phòng đạt doanh thu gần 2.000 tỷ đồng, tương đương một năm trước đó, nhưng lợi nhuận đã tăng từ 385 tỷ (2013) lên 443 tỷ đồng.