Viglacera nỗ lực lột xác sau cổ phần hóa

Sau 40 năm hoạt động theo theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, mãi đến tháng 8 năm nay, Viglacera mới chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

Ngày 2/9, trên công trường Khu đô thị mới Đặng Xá, công nhân Viglacera vẫn tấp nập làm việc, chạy đua với tiến độ để hoàn thành toàn bộ các khu nhà ở xã hội bàn giao cho khách hàng trước Tết Nguyên đán năm nay. Chưa bao giờ, Viglacera lại có ý thức đẩy nhanh vòng quay đồng vốn để đạt lợi nhuận ở mức cao nhất có thể như hiện nay.

Chuyển động

Đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu hồi đầu năm nay, Viglacera không bán hết được cổ phần. Trong số những nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của tổng công ty, có một lực lượng đông đảo người lao động của doanh nghiệp. Tại ĐHCĐ lần thứ nhất, hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Hà Nội chật người ngồi. Theo người trong cuộc, có đến gần 90% cổ đông tham dự đại hội là người lao động, bởi vậy làm cho mình hiện có lẽ là một sức ép lớn với hệ thống Viglacera.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc cho biết: "Viglacera sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ". Tái cơ cấu được doanh nghiệp này thực hiện toàn diện trên các mặt trận. Trước hết là sản xuất, vì họ là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, có danh mục sản phẩm phong phú, nhưng nhiều trong số đó cũ kỹ, giá trị thấp. Viglacera đã lựa ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao để sản xuất, còn những sản phẩm không hiệu quả thì ngừng sản xuất. Đơn cử, gạch granit men loại nhỏ hiện không còn được sản xuất nữa, Tổng công ty tập trung vào gạch kích cỡ to, mài bóng tinh xảo, có 2-3 lớp màu.

Trong lĩnh vực bất động sản, Viglacera tạm giãn các sản phẩm cao cấp, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án cho ra sản phẩm hướng đến người có nhu cầu thực. Tại Hà Nội, dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội) đã hoàn thiện hai giai đoạn đầu và đưa vào sử dụng 2.000 căn hộ. Hiện Viglacera đang tiếp tục triển khai giai đoạn 3 với khoảng 1.466 căn hộ. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, có hơn 900 căn nhà ở xã hội giai đoạn 3, nhưng số đơn đăng ký mua lên tới 2.000. Cuối tháng 9 này sẽ mở bán 20% diện tích nhà ở thương mại ở dự án nói trên với mức giá dưới 12 triệu đồng/m2; nhà cho thuê tại đây có giá 1 triệu đồng/tháng, bởi vậy cung không đủ cầu. Trước đó, nhà ở tại Khu đô thị Đại Mỗ, Tây Mỗ, Xuân Phương cũng được khách hàng đón nhận. Dự án chung cư cao cấp Thăng Long Number One cũng đã bán hết, dự kiến bàn giao nhà cho khách hàng từ tháng 10 tới đây, đủ điều kiện để hạch toán dần lợi nhuận. Lãi từ các dự án nhà ở xã hội dao động trong khoảng 8-10% doanh thu, nhà ở thương mại khoảng 20%, bởi vậy cứ bán được nhà là Viglacera sẽ có tiền và có lợi nhuận.

Một mảng nữa được tổng công ty này ưu tiên là các khu công nghiệp. Đầu tư vào lĩnh vực này không đem lại lợi nhuận đột biến, nhưng có thể tạo nguồn thu ổn định, bền vững. Các khu công nghiệp Tiên Sơn, Yên Phong tại Bắc Ninh và Hải Yên (Quảng Ninh) đã cơ bản được lấp đầy; còn KCN Đông Mai (Quảng Ninh) cũng rất tiềm năng khi chính quyền tỉnh này đang có chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ với mong muốn biến nơi đây thành Bình Dương của miền Bắc. Những động thái trên đang tạo ra nhiều thay đổi tại Viglacera. Nếu như năm 2012 Viglacera lỗ 22 tỷ đồng, năm 2013 lãi chưa đầy 5 tỷ đồng, thì năm 2014 tổng công ty đặt kế hoạch lãi hợp nhất 270 tỷ đồng. Tám tháng đầu năm họ đã đạt được 229 tỷ đồng lợi nhuận. Lãnh đạo doanh nghiệp này tin tưởng, kế hoạch cả năm 2014 chắc chắn sẽ được hoàn thành.

Gánh nặng công ty con

Mặc dù vậy, trước mắt Vigalacera còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Trong số các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng trước đây, Viglacera là một trong những tổng công ty có nhiều "con" nhất: 38 đơn vị, trong đó có 8 công ty kinh doanh hạ tầng KCN, đô thị, nhà ở và khu văn phòng; 26 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, 4 đơn vị hoạt động thương mại, đào tạo. Theo quyết định của Bộ Xây dựng, tổng công ty phải thu gọn lại 2 công ty trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, rút vốn tại 3 doanh nghiệp khác. Bài toán đặt ra với Ban lãnh đạo Viglacera là làm gì để vực dậy hệ thống doanh nghiệp vật liệu xây dựng, trong đó có rất nhiều công ty ốm yếu, đang bên bờ phá sản.

Theo thống kê, hầu hết các công ty con của Viglacera đang niêm yết trên TTCK đều có lợi nhuận chưa phân phối âm và bị đưa vào diện kiểm soát hay cảnh báo. Ba công ty đã phải rời sàn gồm Viglacera Đông Triều, Công ty CP Viglacera Thăng Long và Viglacera Bá Hiến. Lý do hủy niêm yết của Viglacera Đông Triều và Viglacera Thăng Long đều là lỗ và có nguy cơ mất hết vốn. Ba công ty con khác hiện đang trong diện bị cảnh báo là Viglacera Hạ Long 1, Viglacera Đông Anh, Viglacera Tiên Sơn.

Theo một lãnh đạo Viglacera, biên lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng rất thấp, chỉ 5%/doanh thu, trong khi đó ngành vật liệu Việt Nam đang trong tình cảnh cung vượt cầu, bởi vậy vực dậy những doanh nghiệp yếu kém là bài toán đau đầu nhất của tổng công ty. Việc thu gọn bớt doanh nghiệp rất khó thực hiện vì đặc thù của ngành là doanh nghiệp nằm rải rác ở nhiều vùng địa lý khác nhau. Do đó, trước mắt Viglacera sẽ tập trung đưa những doanh nghiệp có quy mô lớn có lãi trở lại, phấn đấu mức lợi nhuận 5% trên doanh thu, sau đó sẽ tạo ra tác động cộng hưởng để kéo các doanh nghiệp ốm yếu quy mô nhỏ lên theo.

Dồn lực cho xuất khẩu

Một trong những lối thoát cho bài toán thua lỗ của các công ty con ngành vật liệu xây dựng được Viglacera tập trung thực hiện là xuất khẩu. Cuối tháng 8 vừa qua, tổng công ty lần đầu tiên tổ chức hội nghị xuất khẩu quy mô lớn để quán triệt chủ trương này và tìm giải pháp tháo gỡ những nút thắt liên quan.

Hiện tại, sản phẩm mang thương hiệu Viglacera đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực là vật liệu xây dựng như: kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch Cotto, gạch ốp lát ceramic và granite. Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn nói: "Riêng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, lượng cung trong nước rất lớn, vì vậy Viglacera phải đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa".

So với giá bán trong nước, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng của Viglacera không cao hơn, thậm chí thấp hơn nhiều. Nhưng trước mắt tổng công ty không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, thậm chí chấp nhận hòa vốn. Ưu tiên hiện nay là chiếm lĩnh thị trường, qua đó tạo sức ép để nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thức, mẫu mã nhằm cạnh tranh với các sản phẩm ngoại. Tám tháng đầu năm nay, doanh thu từ xuất khẩu chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng đã tăng trưởng hơn 44% với cùng kỳ năm 2013, trong đó cao nhất là kính và gạch granite.

"Hiện kim ngạch xuất khẩu mới chiếm 5% trong doanh thu của toàn tổ hợp, chúng tôi phấn đấu 2 năm nữa sẽ đạt 15% doanh thu hợp nhất", ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Viglacera cho biết. Theo ông Minh, một trong những cách đi để đạt được mục tiêu trên là tổng công ty sẽ bắt tay với đối tác nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề mua cổ phần của Viglacera để trở thành cổ đông chiến lược. "Chúng tôi ưu tiên cho những tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài có khả năng đưa sản phẩm Viglacera tiến xa hơn trên thị trường thế giới. Tỷ lệ bán cổ phần cho họ có thể lên tới vài chục phần trăm", ông Minh chia sẻ. Theo định hướng của Chính phủ, Viglacera sẽ giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ trên 90% hiện nay xuống 75%, sau đó là 51% và có thể thấp hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư có tiềm lực sẽ "có cửa" để tham gia sâu hơn vào hoạt động doanh nghiệp, tránh kiểu cổ phần hóa bình mới rượu cũ như ở nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn hiện nay.