Một khó khăn nổi bật trong hoạt động của Vietnam Airlines là công tác kiểm soát rủi ro tỷ giá.
Ngày 14/11 tới, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Các thông tin cần thiết đã được hãng này công bố.
Bản công bố thông tin phục vụ cho IPO dài tới 192 trang, cùng với các báo cáo tài chính đã đưa ra một bức tranh tương đối toàn diện về tình hình, triển vọng hoạt động của Vietnam Airlines.
Các yếu tố rủi ro trong kinh doanh có thể xẩy ra trong tương lai là điểm hẳn các nhà đầu tư quan tâm. Song, rất tiếc, một yếu tố rủi ro từng có ảnh hưởng lớn lại còn thiếu những nhận định cần thiết. Đó là rủi ro biến động tỷ giá.
Cũng chính ở yếu tố này, Vietnam Airlines trở thành điển hình chịu những khó khăn lớn trong giai đoạn 2008-2011, giai đoạn tỷ giá USD/VND liên tục biến động mạnh. Và kết quả kinh doanh của hãng trong tương lai cũng phụ thuộc một phần lớn vào việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Dù còn thiếu thông tin định hướng nói trên, nhưng bản công bố thông tin cũng nhấn mạnh, một khó khăn nổi bật trong hoạt động của Vietnam Airlines là công tác kiểm soát rủi ro tỷ giá.
Với đặc điểm cơ cấu dòng tiền thu - chi (thừa VND và thiếu USD) nên Vietnam Airlines chịu rủi ro do biến động tỷ giá USD/VND; nếu tỷ giá biến động mạnh sẽ làm cho công tác quản trị rủi ro tỷ giá, sử dụng công cụ phái sinh tiền tệ của hãng trở nên phức tạp và khó khăn.
Thực tế, hãng hàng không này đã từng chịu tổn thất lớn từ biến động tỷ giá USD/VND giai đoạn 2008-2011. Tương tự như rủi ro mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) từng trải qua (hay có thể nói là giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng), chi phí đầu vào chính và lớn của Vietnam Airlines là nhiên liệu nhập khẩu, chịu tác động của biến động tỷ giá.
Trong giai đoạn 2008-2013, đồng Việt Nam có xu hướng mất giá mạnh và liên tiếp so với đồng đô la Mỹ, đã làm tăng chi phí nhiên liệu tính theo đồng Việt Nam của Vietnam Airlines và ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận.
Trong giai đoạn 6 năm trước cổ phần hóa, năm 2010 Vietnam Airlines có lợi nhuận cao nhất (đạt 314 tỷ đồng) và năm 2011 lợi nhuận thấp nhất là 36,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do biến động tỷ giá USD/VND. Hai năm sau đó (2012 và 2013), Ngân hàng Nhà nước quyết tâm giữ ổn định tỷ giá, lợi nhuận của Vietnam Airlines bớt đi một gánh nặng rủi ro để phục hồi (năm 2013 lợi nhuận đã trở lại 157 tỷ đồng).
“Chính sách ổn định tỷ giá từ năm 2011 đã làm giảm rất nhiều chi phí chênh lệch tỷ giá của Vietnam Airlines”, bản công bố thông tin nhấn mạnh.
Trước đó, xét trên cả doanh thu và chi phí chênh lệch tỷ giá, trong các năm 2008, 2009, 2010, chênh lệch tỷ giá làm tăng chi phí của Vietnam Airlines với giá trị tương ứng 750 tỷ đồng, 486 tỷ đồng và 551 tỷ đồng trong khi năm 2011 và 2012 chênh lệch tỷ giá làm tăng doanh thu tài chính tương ứng chỉ còn gần 200 tỷ đồng và 137 tỷ đồng.
Tỷ trọng chi phí tài chính so với doanh thu của hãng cũng có xu hướng giảm từ mức gần 8% doanh thu vào năm 2008 xuống 4% doanh thu vào năm 2013, do chi phí chênh lệch tỷ giá giảm mạnh trong giai đoạn này xuất phát từ chính sách ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Trong giai đoạn 2008-2011, chi phí lãi vay chiếm xấp xỉ 30% chi phí tài chính, còn lại gần 70% là chi phí chênh lệch tỷ giá; nhưng đến giai đoạn 2012 - 2013, tỷ trọng chi phí lãi vay đã tăng lên 50% - 70% tổng chi phí tài chính.
Trong năm 2014, xét ở yếu tố có sức tác động lớn này, Vietnam Airlines tiếp tục nhờ bóng… Ngân hàng Nhà nước, khi cơ quan này tiếp tục và quyết tâm giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, mức điều chỉnh 1% tỷ giá hồi tháng 6/2014 hẳn đã có ảnh hưởng nhất định đến chi phí của hãng.
2014 cũng là năm thứ ba liên tiếp Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND (cùng với cam kết giữ ổn định cuối năm 2011). Cập nhật gần nhất, nếu có điều chỉnh dự kiến cả năm sẽ không quá 1,43%, theo tuyên bố mới đây của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.