VIC thỏa thuận 9 triệu cổ phiếu, VN-Index giảm hơn 4 điểm

VIC thỏa thuận 9 triệu cổ phiếu, VN-Index giảm hơn 4 điểm

(NDH) VIC phiên hôm nay giảm 500 đồng xuống 41.200 đồng/CP và có thỏa thuận lên tới 9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 382,5 tỷ đồng.

Tương tự như phiên trước, về gần cuối phiên giao dịch hôm nay, lực bán lại có phần tăng mạnh và kéo hàng loạt các cổ phiếu lớn trên thị trường lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, khác với phiên trước là lực bán không tỏ ra quá mạnh và dứt khoát nên mức giảm của cả hai chỉ số là không quá cao.

Phiên hôm nay, sắc đỏ tiếp tục bao trùm lên các cổ phiếu trụ cột như BID, VIC, VCB, GAS, PVD, PVS, PVC… Trong đó, sau 2 phiên tăng giá tích cực, BVH đã giảm trở lại 1.500 đồng xuống 50.500 đồng/CP. VIC phiên hôm nay giảm 500 đồng xuống 41.200 đồng/CP và có thỏa thuận lên tới 9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 382,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, tác động tiêu cực từ giá dầu thế giới vẫn chưa cho các cổ phiếu dầu khí cơ hội bật tăng trở lại. Phiên hôm nay, GAS giảm 600 đồng xuống 38.100 đồng/CP. PVD giảm 500 đồng xuống 28.500 đồng/CP. PVS giảm 400 đồng xuống 17.700 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, thị trường vẫn ghi nhận ‘lác đác’ sắc xanh đến từ các cổ phiếu như EIB, KDC, STB… Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến là sự bứt phá của STB. Kết thúc phiên giao dịch, STB tăng 500 đồng lên 11.300 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực bán mạnh đã khiến hàng loạt các cổ phiếu bất động sản như ITA, KBC, FLC, HQC… giảm sâu. Trong đó, HQC tiếp tục giảm 200 đồng xuống 5.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn 7,2 triệu đơn vị. FLC giảm 400 đồng xuống 7.600 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 11,7 triệu đơn vị.

Thanh khoản trong phiên giao dịch hôm nay có phần được cải thiện so với phiên trước phần lớn là nhờ giao dịch thỏa thuận tới 9 triệu cổ phiếu của VIC. Bên cạnh đó, về cuối phiên giao dịch, thị trường còn đón nhận thêm giao dịch thỏa thuận của SHB, đạt 6,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 39,7 tỷ đồng. Hai mã CTX và DBC cũng có thỏa thuận lần lượt 1,5 triệu cổ phiếu và 2 triệu cổ phiếu. SSI cũng có thỏa thuận gần 1,7 triệu cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/12/2015, chỉ số VN-Index giảm 4,16 điểm (-0,74%) xuống còn 561,04 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 151 mã giảm và 83 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 113 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.937,28 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,71 điểm (-0,89%) xuống 78,89 điểm. Toàn sàn có 65 mã tăng, 100 mã giảm và 208 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 42 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 442 tỷ đồng.


Phiên sáng nay, thị trường giao dịch với trạng thái ảm đạm và không có quá nhiều sự nổi trội. Tổng giá trị giao dịch trên hai sàn HOSE và HNX chỉ đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận là hơn 150 tỷ đồng. AMD phiên sáng nay đứng giá tham chiếu và có thỏa thuận hơn 2 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 22,5 tỷ đồng. FDC giảm 1.100 đồng xuống 17.500 đồng/CP và cũng thỏa thuận được 1,32 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 26,3 tỷ đồng.

Dòng tiền trong phiên sang vẫn tập trung phần lớn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. FLC giảm 100 đồng xuống 7.800 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu khối lượng khớp lệnh sàn HOSE, đạt hơn 6,3 triệu đơn vị.

Đáng chú ý nhất phải kể đến là sự bứt phá của mã STB. Khép phiên sáng, SBT bật tăng mạnh trở lại 500 đồng lên 11.300 đồng/CP. Bên cạnh đó, một cổ phiếu cổ phiếu lớn khác trên thị trường như VNM, SSI, FPT, BVH… cũng đã nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu và giúp chỉ số VN-Index có được mức tăng điểm nhẹ trong phiên sáng.

Chiều ngược lại, do những diễn biến tiêu cực của giá dầu thế giới nên các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC… vẫn giao dịch không mấy sáng sủa hơn. GAS tiếp tiếp tục giảm 200 đồng xuống 38.500 đồng/CP. PVS giảm 100 đồng xuống 18.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HQC và DLG đã bị kéo xuống mức giá sàn. Trong đó, HQC khớp lệnh được hơn 5 triệu đơn vị, còn DLG khớp lệnh trên 1,5 triệu đơn vị.

Khép phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 0,13 điểm (0,02%) lên 565,33 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 97 mã giảm và 124 mã đứng giá.

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,27 điểm (-0,34%) xuống 79,33 điểm. Toàn sàn có 58 mã tăng, 81 mã giảm và 234 mã đứng giá.


Thị trường bước vào phiên giao dịch mới với tâm lý thận trọng, giao dịch trên thịt rường đang diễn ra khá ảm đạm. Tuy vậy, một số cổ phiếu lớn trên thị trường như BVH, VIC, VCB, STB, KDC, FPT… đã nhích lên trên mốc tham chiếu và giúp hai chỉ số tăng nhẹ trở lại. Hiện tại, VCB đang tăng 300 đồng lên 41.700 đồng/CP. STB tăng 200 đồng lên 11.000 đồng/CP.

Chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn bao trùm lên trên một số cổ phiếu lớn khác như BID, GAS, PVD, MSN, PVC, ACB… Trong đó, GAS tiếp tục giảm 200 đồng xuống 38.500 đồng/CP. PVD giảm 300 đồng xuống 28.700 đồng/CP. PVC giảm 100 đồng xuống 16.900 đồng/CP. Được biết, giá dầu ngày 9/12 giảm phiên thứ 4 liên tiếp khi thị trường bỏ qua số liệu cho thấy lượng dầu lưu kho của Mỹ giảm mà tập trung vào nguồn cung sản phẩm chưng cất - tăng gấp 2 lần so với dự đoán. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 1/2015 giảm 35 cent, hay 0,9%, xuống 37,16 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 1/2016 giảm 15 cent, tương đương 0,4%, xuống 40,11 USD/thùng.

Hiện tại, giao dịch trên thị trường chỉ đang tập trung vào một số cổ phiếu vừa và nhỏ nhưu FLC, HQC… Trong đó, FLC đứng giá tham chiếu và đang có khối lượng khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt khoảng 2 triệu đơn vị.

Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 2,26 điểm (0,4%) lên 567,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 158,8 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index cùng thời điểm đứng ở mức 79,62 điểm, tức tăng nhẹ 0,02 điểm (0,02%). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 3,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 33 tỷ đồng.

Với diễn biến trong phiên ngày hôm qua, phần nhiều rủi ro đang nghiêng về phía các nhà đầu tư đưa ra quyết định bắt đáy trong phiên liền trước. Việc chỉ số, giảm sâu trở lại đang cho thấy sự lấn át của xu hướng giảm ở cả phía chỉ số cũng như tâm lý của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh cuộc họp FED đang tới gần mang theo những rủi ro hiện hữu ở mức đáng kể, VCBS khuyên nghị nhà đầu tư thận trọng quan sát thị trường và hạn chế bắt đáy trong bối cảnh động lực hồi phục của thị trưởng tỏ ra khá yếu ớt.