VIC thỏa thuận 8,4 triệu CP, thị trường giảm điểm nhẹ

VIC thỏa thuận 8,4 triệu CP, thị trường giảm điểm nhẹ

(NDH) Nếu trừ đi giao dịch thỏa thuận, thanh khoản trên sàn HOSE trong phiên hôm nay chỉ ở mức trung bình, đạt gần 1.500 tỷ đồng.

Hết thời gian giao dịch, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 593,07 điểm, giảm 1,01 điểm (-0,17%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 130,75 triệu đơn vị, trị giá 2.296,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 110 mã tăng, 113 mã giảm và 81 mã đứng giá.

Diễn biến giao dịch trên sàn HOSE vẫn tương tự như phiên sáng, các cổ phiếu lớn tiếp tục phân hóa rất mạnh. Một số cổ phiếu trụ cột như GAS, VCB và MSN đã đứng ở mức giá tham chiếu.

Trong khi đó, các mã như VNM, SSI, PVD, STB… đã đồng loạt giảm giá. Khép phiên giao dịch, VNM giảm 1.000 đồng xuống 111.000 đồng/CP.

Chiều ngược lại, một vài cổ phiếu lớn khá là VIC, BVH, BID, MBB, KDC… đã nhích lên trên mốc tham chiếu và góp phần rất lớn giúp chỉ số VN-Index không giảm quá sâu.

Diễn biến trong phiên giao dịch hôm nay khá buồn tẻ và ít có sự nổi bật. Đáng chú ý nhất phải kể đến là mã VIC. Mặc dù VIC chỉ tăng nhẹ 500 đồng lên 52.000 đồng/CP, nhưng đã có thỏa thuận lên tới 8,4 triệu cổ phiếu, trị giá trên 430,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BHS giảm 300 đồng xuống 13.500 đồng/CP và cũng có thỏa thuận hơn 7,8 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 109,6 tỷ đồng. Ngoài ra, SAM và TTF cũng có giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn.

Nếu trừ đi giao dịch thỏa thuận thì thanh khoản trong phiên hôm nay chỉ ở mức trung bình, đạt gần 1.500 tỷ đồng.

FLC tiếp tục cho thấy mình là cổ phiếu ‘siêu’ thanh khoản, với khối lượng khớp lệnh vọt lên hơn 20,6 triệu đơn vị. Phiên giao dịch hôm qua, FLC cũng đã khớp lệnh được trên 40 triệu đơn vị.

Ba cổ phiếu JVC, KSS và PTK tiếp tục bị bán tháo và đã giảm kịch sàn, với dư bán giá sàn luôn luôn ở mức rất lớn.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 86,75 điểm, giảm 0,34 điểm (-0,39%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,75 triệu đơn vị, trị giá 577,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 70 mã tăng, 120 mã giảm và 171 mã đứng giá.

Giao dịch trên sàn HNX cũng không có gì thực sự nổi trội ngoài trừ việc SCR thỏa thuận hơn 12,2 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 99 tỷ đồng. Khép phiên giao dịch, SCR giảm 100 đồng xuống còn 8.100 đồng/CP và khớp lệnh hơn 3,39 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHB đứng giá tham chiếu và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 4,6 triệu đơn vị.

Về mặt điếm số, các cổ phiếu có tính dẫn dắt như AAA, ACB, DBC, SHS, VND… đã đồng loạt giảm giá và khiến chỉ số HNX-Index không thể tăng trở lại.

Mã SSI được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 1.213.120 đơn vị (chiếm 45,9% tổng khối lượng giao dịch). Hiện SSI đứng ở mức giá 23.600 đồng/cp (-1,3%), tổng khối lượng giao dịch đạt 2.644.730 đơn vị. Các mã tiếp theo là VIC (818.930 đơn vị), KBC (715.560 đơn vị), STB (615.310 đơn vị), CTG (607.960 đơn vị).


Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 593,96 điểm, giảm 0,12 điểm (-0,02%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,8 triệu đơn vị, trị giá 1.018,76 tỷ đồng. Toàn sàn có 83 mã tăng, 96 mã giảm và 125 mã đứng giá.

Phiên sáng nay, các cổ phiếu lớn trên sàn HOSE phân hóa rất mạnh và khiến chỉ số VN-Index giằng co trong biên độ hẹp. Trong khi các cổ phiếu dòng ngân hàng, chứng khoán và bất động sản đều rơi vào trạng thái đi ngang, tích lũy. Giao dịch trên sàn HOSE phiên sáng nay diễn ra thiếu tích cực mặc dù thanh khoản trên sàn này ở mức tương đối cao.

Dòng tiền trên sàn HOSE tập trung mạnh vào các cổ phiếu như OGC, MBB, FLC, CTG… Đáng chú ý, MBB tiếp tục cho thấy mình là cổ phiếu ngân hàng mạnh nhất lúc này, với đà tăng được duy trì ở mức 200 đồng lên 15.900 đồng/CP và khớp lệnh được tới hơn 5,4 triệu đơn vị. Sau 5 phiên tăng liên tiếp (4 phiên tăng trần), OGC đã giảm trở lại 100 đồng xuống 2.900 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 6,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, diễn biến ở cổ phiếu JVC vẫn chưa có dấu hiệu tích cực, mã này vẫn giảm kịch sàn, với dư bán giá sàn lên tới hơn 12 triệu cổ phiếu. Đây cũng là phiên giảm sàn thứ 9 của JVC kể từ khi tin đồn liên quan đến tình hình hoạt động của công ty này được phát ra.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 86,98 điểm, giảm 0,11 điểm (-0,13%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,28 triệu đơn vị, trị giá 323,17 tỷ đồng. Toàn sàn có 54 mã tăng, 91 mã giảm và 216 mã đứng giá.

Tương tự sàn HOSE, các cổ phiếu có tính dẫn dắt trên HNX đã phân hóa tương đối mạnh. Các cổ phiếu dòng dầu khí trên sàn HNX như PVS, PVC, PGS… là trụ đỡ mạnh nhất của chỉ số HN-Index trong phiên sáng nay. Trong đó, PGS tăng 400 đồng lên 23.200 đồng/CP. PVS tăng 300 đồng lên 27.900 đồng/CP.

Đáng chú ý, cuối phiên sáng, ACB đã không thể duy trì được sắc xanh mà lùi về đứng ở mức giá tham chiếu.

Giao dịch trên sàn HNX phiên sáng nay diễn ra ảm đạm, dòng tiền chỉ tập trung vào một cổ phiếu trong HNX-30 như SHB, SCT, KLF… Trong đó, SHB đứng giá tham chiếu và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX đạt hơn 2,8 triệu đơn vị.


Sau phiên tăng điểm mạnh của chỉ số VN-Index hôm qua, BVSC cho rằng song hành cùng diễn biến tích cực của chỉ số, áp lực cung sẽ ngày càng tăng dần. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì danh mục trung hạn đồng thời tăng cường hoạt động trading quay vòng nhằm gia tăng hiệu quả đầu tư cho danh mục tổng thể. Các nhóm ngành nên được ưu tiên lựa chọn là chứng khoán, xuất khẩu, hàng tiêu dùng, bất động sản, vật liệu xây dựng.

Bước vào phiên giao dịch mới, thị trường giao dịch khá thận trọng, các cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE đang giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn như BID, VCB, SSI, FPT, HPG… đã đồng loạt giảm giá. Việc thiếu trụ đỡ là nguyên nhân chính đẩy chỉ số VN-Index lùi nhẹ xuống dưới mốc tham chiếu.

Chiều ngược lại, MBB tiếp tục duy trì ‘phong độ’ với mức tăng 400 đồng lên 16.100 đồng/CP. Được biết, trong bản tin của VDSC, công ty này cho biết, một số NĐT có nghe một số tin đồn về việc MBB đã phát hành thành công cho một NĐT chiến lược trong nước. Trước đây, vì muốn để dành 20% vốn bán cho NĐT chiến lược nước ngoài mà MBB đã khóa room nước ngoài trên sàn giao dịch còn 10% và đã được sở hữu kín room. Do đó, phát hành thành công cho cổ đông chiến lược trong nước sẽ làm tăng số lượng (tuyệt đối) cổ phiếu MBB mà NĐT nước ngoài (không chiến lược) được phép sở hữu. Đây là nguyên nhân khiến MBB trở nên hấp dẫn và tăng giá mạnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, JVC vẫn chưa thể thoát khỏi giá sàn và tiếp tục nằm trong trạng thái đóng băng thanh khoản, với lượng dư bán giá sàn lên tới hơn 12 triệu đơn vị. Tương tự mã PTK cũng giảm kịch sàn với lượng dư bán giá sàn tới hơn 1 triệu đơn vị. Thông tin khiến PTK giảm sàn liên tục trong thời gian gần đây vẫn là những lo ngại liên quan đến vấn đề con dấu của công ty này.

Đến 09:32, chỉ số VN-Index đứng ở mức 592,24 điểm, giảm 1,84 điểm (-0,31%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,33 triệu đơn vị, trị giá 190,92 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cùng thời điểm đứng ở mức 87,10 điểm, tăng 0,01 điểm (0,01%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,2 triệu đơn vị, trị giá 68,57 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index đã tăng nhẹ trở lại ở đầu phiên giao dịch. Hiện tại, một số cổ phiếu có tính dẫn dắt trên sàn HNX như ACB, PVS, PGS, LAS… đã nhích lên tren mốc tham chiếu. ACB đang tăng nhẹ 100 đồng lên 22.000 đồng/CP. PVS tăng 400 đồng lên 28.000 đồng/CP.

Giao dịch trên sàn HNX đang diễn ra rất chậm, SCR là cổ phiếu duy nhất khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị. Hiện giờ, SCR đang giảm 100 đồng xuống 8.100 đồng/CP.