Vì sao HĐQT Tường An liều lĩnh trả cổ tức "vượt quyền" ĐHĐCĐ?

(NDH) Việc nhất quyết công bố tạm ứng cổ tức năm 2014 từ HĐQT của CTCP Dầu Thực vật Tường An (HOSE: TAC) trong khi ĐHĐCĐ thường niên 2015 đã phủ quyết tờ trình này đã trở thành hiện tượng lạ!

Vào đầu tháng 03/2015, HĐQT TAC công bố chi trả cổ tức năm 2014 theo tỷ lệ 16% với ngày giao dịch không hưởng quyền 23/03/2015, thời gian thực hiện vào ngày 08/05/2015. Mọi chuyện cũng có lẽ sẽ bình thường nếu như ĐHĐCĐ của TAC tổ chức vào 23/04 biểu quyết thông qua như nhiều doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, bất ngờ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 trên, hàng loạt vấn đề trọng yếu, trong đó bao gồm cả phương án chia cổ tức năm 2014 không được Đại hội thông qua. Đây cũng là lý do khiến TAC xin gia hạn thời gian trả cổ tức năm 2014 và sẽ thông báo sau khi được ĐHĐCĐ thông qua.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại, thay vì tiếp tục tổ chức Đại hội bất thường hoặc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua các vấn đề phủ quyết tại Đại hội, HĐQT TAC vẫn nôn nóng quyết phải chi tiền “ngay lập tức” bằng động thái tiếp tục thông báo điều chỉnh thời gian thực hiện trả cổ tức năm 2014 từ “sau khi được ĐHĐCĐ thông qua” thành “ngày 10/06/2015”. Đáng chú ý, nội dung điều chỉnh trả cổ tức năm 2014 cũng đã được thay đổi thành tạm ứng cổ tức 2014.

Nếu chiếu theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, ĐHĐCĐ có quyền quyết định mức cổ tức hằng năm, điều này cũng thể hiện rõ trong Điều lệ của TAC. Trả lời thắc mắc của người viết về vấn đề này, ông Vũ Đức Thịnh – Giám đốc tài chính kiêm Kế toán trưởng (người công bố thông tin) của TAC cho biết đây là việc tạm ứng trước cổ tức của năm 2014. Công ty cũng đang lên kế hoạch sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào thời gian sắp tới để thông qua tỷ lệ cổ tức chi trả cho năm 2014.

Như vậy, với động thái tạm ứng của HĐQT, nếu ĐHĐCĐ tiếp tục phủ quyết vấn đề cổ tức thì HĐQT TAC phải xử lý như thế nào khi “tiền đã trao”?

Được biết, để thông qua tờ trình thì TAC phải đáp ứng được tỷ lệ đồng ý của cổ đông là 65% nếu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, còn nếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, tỷ lệ đồng ý để thông qua là 75% (theo Luật Doanh nghiệp 2005) hoặc 51% (theo Luật Doanh nghiệp 2010 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015). Nhưng quyền lựa chọn phương thức tổ chức ĐHĐCĐ bất thường hay lấy ý kiến bằng văn bản thuộc về HĐQT TAC bởi ĐHĐCĐ thường niên đã đồng ý ủy quyền cho HĐQT quyết định hình thức để giải quyết tiếp các vấn đề chưa được Đại hội thông qua.

Hiện Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex) đang là công ty mẹ của TAC với tỷ lệ sở hữu hơn 51% với 3/5 thành viên trong HĐQT. Mặc dù nắm tỷ lệ sở hữu lớn nhưng ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 vừa qua của TAC cũng đã rất bất ngờ khi hầu hết tờ trình đều bị phủ quyết, tỷ lệ biểu quyết đều dưới 65%, cũng bởi phiếu không tán thành cùng cổ đông lớn Vocarimex. Tuy nhiên, nếu HĐQT TAC tiến hành tạm ứng trước và chờ qua tháng 07/2015 mới tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thì nghị quyết gần như chắc chắn thông qua bởi chỉ cần Vocarimex đồng thuận là đã đủ tỷ lệ 51% theo Luật doanh nghiệp 2010. Có lẽ vì điều này mà HĐQT TAC "khá tự tin" khi thực hiện tạm ứng cổ tức trong khi ĐHĐCĐ đã phủ quyết vấn đề này gần đây?

Với động thái "nôn nóng" từ HĐQT, có thể thấy cổ đông lớn của TAC dường như đang rất cần tiền mặt ngay lúc này. Riêng Vocarimex sẽ nhận về khoảng gần 155 tỷ đồng cho lần tạm ứng cổ tức 16%.

Xem thêm: Dầu thực vật Tường An: ĐHCĐ không thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 và thù lao HĐQT