Vì sao giá HPG giảm sâu?

Giá cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) liên tục đi xuống 10 tháng qua, từ vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu (giá đã được quy đổi theo vốn điều lệ mới) đã giảm khoảng 40% theo giá thấp nhất 25.300 đồng/cổ phiếu của ngày 5/6/2015.

Ảnh minh họa

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nhìn nhận: HPG giảm nhanh có lẽ chỉ là do suy tính thiếu chuẩn xác về tương lai HPG của một số cổ đông chứ không phải HPG đang đương đầu với nợ xấu, nợ cao hay khó khăn về tiêu thụ hàng hóa như nhiều DN trong ngành thép.

Vậy việc Chủ tịch HĐQT HPG Trần Đình Long quyết định mua 10 triệu cổ phiếu để nâng tiếp sở hữu lên hơn 184,3 triệu cổ phiếu và nâng tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông lên 32,49% là để chứng minh cho những e ngại trên là không đúng? Đặt ra câu hỏi này, VAFI cũng đã đưa ra thêm một số phân tích mới cần lưu ý về HPG với nhà đầu tư để có thêm một góc nhìn mới.

Theo VAFI, báo cáo tài chính của quý I/2015 hay cả năm 2014 của nhiều DN trong ngành thép cho thấy, đa số DN ngành thép kinh doanh ở tình trạng thua lỗ, hòa vốn hoặc nếu có lãi thì ở mức rất thấp, lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 1%/doanh thu. Đa phần các DN trong ngành thép ở tình trạng vốn kinh doanh ít, nợ ngân hàng nhiều nên họ chỉ đầu tư phần ngọn và ít có khả năng đầu tư sản xuất thép theo dây chuyền khép kín vì thế giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh thấp.

Tuy nhiên, HPG lại ở cùng nhóm với HSG và vài DN khác không trong tình cảnh thê thảm ấy. Mà ngược lại, HPG ở vị thế kinh doanh thuận lợi do giá thành sản xuất thấp, nợ ít, quản trị DN tốt, với HPG lợi nhuận sau thuế luôn đạt ở mức bằng 10% so với doanh thu. Lý giải về sự ngược dòng này, VAFI nhìn nhận: đó là do HPG có đội ngũ quản trị xuất sắc, thuộc hàng giỏi nhất trong cộng đồng DN Việt Nam và không thua kém so với các tập đoàn nước ngoài. Mặc dù mới chỉ ra đời hơn 20 năm nhưng nay HPG đã nằm trong top 10 DN có lợi nhuận sau thuế lớn nhất trong hơn 700 DN niêm yết.

Giá thành sản xuất thép rẻ là do cách thức lựa chọn công nghệ sản xuất và nhà thầu, suất đầu tư của HPG chỉ bằng 50% so với trong ngành. Các dây chuyền sản xuất thép của HPG được xây dựng bởi nhà thầu Trung Quốc có uy tín, suất đầu tư thường chỉ bằng 1/2 so với nhà thầu châu Âu. Nhưng chất lượng đảm bảo bởi nhà thầu Trung Quốc chỉ chọn mua phần máy móc thiết bị quan trọng từ các nước G7, phần còn lại họ sản xuất trong nước.

Một lợi thế khác mà HPG đã tạo được cho mình đó là trở thành một trong vài DN khôn ngoan đặt cơ sở sản xuất ở vị trí ngay bên cảng sông, cảng biển như khu liên hợp thép Hải Dương. Thời gian gần đây, Chính phủ kiểm tra gắt gao về tải trọng đường bộ thì HPG lại càng có ưu thế cạnh tranh lớn.

Thậm chí với quy trình khép kín, sau khi triển khai xong giai đoạn 3 của khu Liên hợp thì giá thành càng thấp hơn. Sự kiện giá dầu giảm mạnh làm cho giá nhiều nguyên liệu giảm mạnh chỉ ảnh hưởng trong quý IV của các DN, trong đó có HPG giảm sút lợi nhuận một phần có lẽ do hàng tồn kho nhưng chỉ ảnh hưởng trong giai đoạn chuyển đổi.

Nhìn nhận về việc HPG đầu tư vào nông nghiệp, VAFI cho rằng, tiềm năng còn lớn vì số DN lớn tham gia lĩnh vực này chưa nhiều trong khi nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng tăng lên. Phương thức đầu tư của HPG cũng tương đối thận trọng như chỉ bỏ ra 300 tỷ đồng đầu tư cho tài sản dài hạn. Đây được coi như dự án thí điểm, nếu thua lỗ thì mức độ không nhiều, nhưng nếu thành công thì sẽ được rất nhiều hơn mất.

Quan trọng hơn, không phải toàn bộ cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài liên tục thoái vốn tại HPG thời gian qua. Bằng chứng là VOF Investment Limited cũng đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu kể từ ngày 10/6 đến 9/7/2015 để tăng tỷ lệ nắm giữ từ 5,27% lên 6,09% tương đương với 29.769.459 cổ phiếu.

Với dự đoán sản lượng tiêu thụ thép quý II/2015 là 400.000 tấn, tăng hơn 100.000 tấn so với quý I, năm sau sản lượng thép tiếp tục tăng lên 40%, dự kiến lợi nhuận sau thuế của HPG trong năm 2016 có thể đạt 3.500 tỷ - 4.000 tỷ đồng, đạt EPS khoảng 5.000 đồng/cổ phiếu. VAFI nhìn nhận có lẽ giá HPG giảm sâu sẽ là cơ hội đẹp cho nhà đầu tư mua vào.