Vì sao ECB quyết định mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản mà không phải là QE? 

ECB bất ngờ hạ đồng loạt các mức lãi suất và chưa đề cập đến QE, EUR lao dốc.

Nguồn: CNN Money


Tại cuộc họp báo sau khi quyết định cắt giảm 3 loại lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục trong ngày thứ Năm, ECB công bố các biện pháp kích thích mới, trong đó có việc phát động chương trình mua tài sản.

Theo đó, vào tháng 10 tới ECB sẽ mua các chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS) và trái phiếu đảm bảo từ hệ thống ngân hàng với kỳ vọng động thái này sẽ gia tăng thanh khoản cho hệ thống tài chính và khôi phục hoạt động cho vay.

Tuy nhiên, Chủ tịch Draghi khẳng định rằng hiện ông vẫn chưa thể xác định giá trị cụ thể của số chứng khoán mà ECB sẽ mua vào.

Biện pháp mà ECB áp dụng không phải là chương trình mua trái phiếu Chính phủ - một quá trình được biết đến với tên gọi nới lỏng định lượng (QE) mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang áp dụng.

Trước đó, một số nhà kinh tế đã dự báo đúng động thái của ECB vì vào tháng 8 vừa qua, ngân hàng này thông báo đã thuê Blackrock để tư vấn cho kế hoạch mua ABS.

Theo chương trình này, các ngân hàng sẽ bán cho ECB các khoản vay của mình cũng như các hình thức tín dụng khác đã được đóng gói. ECB sẽ mua cả các ABS hiện có cũng như ABS mới và các chứng khoán thế chấp nhà ở (RMBS).

Một phương án chính sách khác mà ECB có thể áp dụng là QE với việc mua vào trái phiếu Chính phủ từ các ngân hàng. Đây là phương án đã gây tranh cãi trong thời gian qua, một phần vì hiện Eurozone vẫn chưa có trái phiếu chung (Eurobond). Bên cạnh đó, sự chia rẽ giữa các thành viên trong hội đồng điều hành ECB cũng đã ngăn cản ngân hàng này tiến thêm một bước nữa tới việc thực hiện gói QE tương tự như Fed.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn kỳ vọng QE sẽ là bước đi tiếp theo của ECB. Tại cuộc họp báo ngày thứ Năm, Chủ tịch Draghi cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về QE. Một số thành viên hội đồng điều hành ủng hộ việc áp dụng thêm nhiều biện pháp hơn nữa trong khi số khác lại muốn ít hơn".

Ông cho biết thêm, ECB có thể áp dụng QE nếu cần thiết nhưng cần sự phối hợp của Chính phủ các nước châu Âu. Theo ông, quy định ngân sách hiện tại của Liên minh châu Âu (EU) đủ linh hoạt để các quốc gia thành viên có thể áp dụng thêm các biện pháp kích thích tăng trưởng và việc làm cũng như cải cách nền kinh tế của mình.

Được biết, ECB đã và đang đứng trước sức ép kích thích đà tăng trưởng của nền kinh tế Eurozone trong bối cảnh sản lượng sản xuất giảm tốc và lạm phát của khu vực này suy yếu chỉ còn 0.3% trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Cũng trong ngày thứ Năm, Chủ tịch Mario Draghi công bố các dự báo mới về nền kinh tế Eurozone với lời cảnh báo về đà tăng trưởng ngày càng suy yếu. Theo ECB, GDP của Eurozone sẽ tăng trưởng 0.9% trong năm 2014 và 1.6% trong năm 2015.

Đồng thời, ECB hạ dự báo lạm phát năm 2014 xuống 0.6% và ước tính lạm phát năm 2015 ở mức 1.1%. Cả hai mức ước tính này đều thấp hơn mục tiêu sát 2% của ECB.

Sau tuyên bố của ECB, đồng EUR sụt mạnh về 1.2996 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2013 và đánh dấu lần đầu tiên rớt xuống dưới ngưỡng 1.3 USD kể từ thời điểm này.

Tại cuộc họp trước đó trong ngày, ECB tuyên bố cắt giảm 3 loại lãi suất chủ chốt bớt 0.1% xuống mức thấp kỷ lục. Cụ thể, ECB hạ lãi suất tái cấp vốn từ 0.15% xuống 0.05%, lãi suất cho vay margin từ 0.4% xuống 0.3% và lãi suất huy động từ âm 0.1% xuống âm 0.2%.