Ngày 3-12, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) Việt Nam sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần 3. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân sự kiện này, Chủ tịch Hiệp hội DNN&V Việt Nam Nguyễn Văn Thân nhận định: “Khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục tác động xấu đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN, đã làm cho nhiều DN trong đó chủ yếu là DNN&V phải ngừng hoạt động và giải thể”.
Dễ bị tổn thương
Phóng viên: DN đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt và gay gắt. Ông nhận định thế nào về số lượng cũng như chất lượng phát triển của cộng đồng DNN&V?
+ Ông Nguyễn Văn Thân: DNN&V cả nước hiện chiếm khoảng 97% tổng số DN, đóng góp 43,2% GDP và tạo việc làm cho khoảng 62% tổng số lao động cả nước. Tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng cộng đồng DN này chưa chú ý về mặt chất lượng để có thể đối phó và thích ứng với những biến động diễn ra rất nhanh của thị trường.
Những khó khăn về quy mô sản xuất, vốn, công nghệ, trình độ lao động khiến các DN nhỏ dễ bị tổn thương, khả năng cạnh tranh thấp. Điều này có thể thấy qua 23.000 DN phải giải thể và ngừng hoạt động ngay trong quý I-2016.
Điều đáng nói, cùng với những tác động từ thị trường thì những khó khăn về thể chế đang làm cho DN nhỏ vốn đã nhỏ ngày càng nhỏ đi.
Các doanh nghiệp nhỏ cần phải liên kết lại với nhau, tránh tình trạng rời rạc, mạnh ai nấy làm. Ảnh: HTD
Nhưng Nhà nước cũng có sự hỗ trợ, như việc thành lập quỹ hỗ trợ DNN&V. Bản thân hiệp hội cũng tìm kiếm những cơ chế, định chế tài chính để tiếp sức cho các DN nhỏ, thưa ông?
+ Đúng là Chính phủ có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách lớn để hỗ trợ, khuyến khích phát triển một cách có hệ thống và thông thoáng về vốn cho DN. Song nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển DNN&V triển khai chậm, thiếu đúc rút kinh nghiệm, do đó các chính sách chưa phát huy được hiệu quả. Đơn cử như chính sách về trợ giúp cho DN tiếp cận các quỹ phát triển DNN&V, các quỹ bảo lãnh tín dụng.
Tạo hành lang pháp lý công bằng
Quốc hội vừa thảo luận về dự luật hỗ trợ DNN&V. Ông kỳ vọng gì vào dự luật này?
+ Nếu dự luật này được thông qua trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, tôi cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DNN&V phát triển. Chẳng hạn như quy định ưu tiên cho các DNN&V đấu thầu các dự án công có mức 3 tỉ đồng trở xuống. Đây là một quy định phù hợp. Bởi ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... những gói đầu tư nhỏ đều được ưu tiên cho các DN nhỏ. Cụ thể Mỹ dành 35% dự án đầu tư công cho cộng đồng DN này.
Mức 3 tỉ đồng tôi nghĩ là hợp lý để dành cho DNN&V, tạo điều kiện cho họ được bình đẳng trong đấu thầu.
Có ý kiến cho rằng không nhũng nhiễu DN đã là hỗ trợ họ rồi. Ông có đồng tình với quan điểm này?
+ Thủ tục hành chính là một trong những nút thắt của phát triển DN nhỏ. Do đó phải cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính để các DN nhỏ được tiếp cận bình đẳng hơn đối với các cơ hội phát triển kinh doanh, nhất là các vấn đề liên quan đến việc tiếp cận tín dụng ngân hàng, tài sản thế chấp, xử lý nợ xấu.
Những vấn đề trên phải được luật hóa, tức là kiến tạo một hành lang pháp lý đảm bảo cạnh tranh, bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh. Thực tế có tình trạng anh khỏe luôn lấn lướt anh yếu, “cá lớn nuốt cá bé”. Nên có những sự ưu tiên nhất định cho DN nhỏ để thúc đẩy họ vươn lên, nâng tầm và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Ở trên ông nói DNN&V đang có xu hướng li ti hóa. Vậy theo ông, cần làm gì để họ lớn lên và có thể vươn ra biển lớn?
+ Có những quan điểm gần đây cho rằng DN Việt Nam không chịu lớn. Điều đó hẳn có nguyên nhân, mà trước hết là những vấn đề thể chế, chính sách như tôi đề cập ở trên. Chi phí tuân thủ, chi phí ngoài luồng... đang là những thách thức mà không phải DN nào cũng vượt qua được.
Về phía các DNN&V, tôi cho rằng quan trọng nhất là phải liên kết lại với nhau, tránh tình trạng rời rạc. Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy các DN nhỏ, siêu nhỏ vẫn tồn tại nhờ liên kết theo chuỗi, theo ngành.
Trong hội nhập thì việc liên kết đương nhiên phải tính đến cả liên kết với quốc tế để tiếp nhận công nghệ, tiếp thu phương pháp quản trị tiên tiến. Trong quá trình đó sự sàng lọc, đào thải chắc chắn sẽ rất khắc nghiệt nhưng đó là điều không thể tránh khỏi nếu DN Việt Nam muốn trưởng thành hơn.
Xin cám ơn ông.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng DNN&V phải tuân thủ nguyên tắc liêm chính trong kinh doanh. Chính phủ đã xác định sẽ hoạt động theo nguyên tắc kiến tạo, phục vụ và liêm chính thì DNN&V cũng nên kinh doanh liêm chính, hướng đến cộng đồng để tạo được sự cộng hưởng cho một xã hội kiến tạo và liêm chính. Ông NGUYỄN VĂN THÂN, Chủ tịch Hiệp hội DNN&V Hiệp hội DNN&V đến nay đã phát triển hội viên cấp tỉnh/TP ở 55/63 địa phương với 62.000 hội viên. Hiệp hội đảm nhiệm vai trò tư vấn, hỗ trợ cho các DN ở hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt là đã thành lập được một số văn phòng đại diện tại nước ngoài. |