Vì sao cảng biển Việt Nam tăng trưởng ấn tượng?

Việc ưu tiên đầu tư nhiều hơn cơ sở hạ tầng giao thông, tăng kết nối sau cảng, cải cách thủ tục hành chính.

32

Nhóm cảng biển số 1 và số 5 chiếm gần 80% tổng sản lượng hàng thông qua cảng biển cả nước (Trong ảnh: Bốc xếp hàng tại cảng Hải Phòng)

Việc ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng giao thông, tăng kết nối sau cảng, cải cách thủ tục hành chính cảng biển theo hướng đơn giản và hiện đại hóa,... được xem là những lý do khiến hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.

Cảng biển ngày càng hấp dẫn

Con số về sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 mà Cục Hàng hải VN vừa công bố đặc biệt ấn tượng, với hơn 203 triệu tấn hàng hóa, đạt 57,8% kế hoạch năm và tăng 10,43% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, riêng hàng container đạt 6,2 triệu TEU, đạt 67,5% kế hoạch năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhóm cảng biển số 1 (khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh) và số 5 (khu vực TP HCM, Vũng Tàu) nơi chiếm tới gần 80% tổng sản lượng hàng thông qua cảng biển cả nước tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh nhất. Riêng nhóm cảng số 1 đạt 64,2 triệu tấn, tăng 7%. Nhóm cảng biển số 5 đạt 89,7 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014.

Đánh giá của ngân hàng HSBC về kinh tế nói chung và cảng biển của Việt Nam hết sức lạc quan. HSBC cho rằng, kinh tế Việt Nam gần đây hưởng lợi do xuất khẩu tăng vọt, với tốc độ gấp ba lần các nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân, theo HSBC là môi trường kinh doanh bao gồm phần cơ sở hạ tầng đang ngày càng được cải thiện. HSBC cho rằng, chỉ cần cơ sở hạ tầng tiếp tục cải thiện và các công ty nước ngoài được phép mở rộng kinh doanh thì xuất khẩu của VN sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Lý giải về sự tăng trưởng này, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines cho biết, cảng biển là đối tượng được hưởng lợi nhiều từ tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu thời gian qua. “Cùng với đó, việc ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng giao thông, tăng kết nối sau cảng, cải cách thủ tục hành chính cảng biển theo hướng đơn giản và hiện đại hóa, cải tiến nâng cao năng lực của các doanh nghiệp (DN) cảng hoạt động theo mô hình CPH... khiến cảng biển ngày càng hấp dẫn hơn. Chính điều này làm cho sản lượng hàng hóa thông qua tại các cảng biển tăng mạnh thời gian qua”, ông Sơn nói.

Phó Tổng giám đốc cảng Đình Vũ- Bùi Chiến Thắng cũng cho rằng, thời gian qua cảng Hải Phòng tập trung dồn lực đầu tư, xây dựng chi nhánh Đình Vũ trở thành hệ thống cảng container lớn nhất với hệ thống kho bãi rộng khắp, các loại cần trục giàn tiên tiến. Bên cạnh đó, cảng cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào xếp dỡ, lắp đặt hệ thống định vị container giúp các chủ hàng nhanh chóng rút hàng. Đây chính là lý do sản lượng thông qua cảng tăng mạnh thời gian qua.

Các cảng khu vực TP HCM, thuộc nhóm cảng số 5 tăng trưởng mạnh là do TP HCM đã đầu tư mạnh mẽ và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như: Tân Cảng-Hiệp Phước, nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2... Riêng dự án nạo vét luồng Soài Rạp đưa vào khai thác cuối tháng 6/2014 đáp ứng cho tàu biển có trọng tải 50 nghìn DWT (đầy tải) và 70 nghìn DWT (hạ tải), với hơn 1.700 lượt tàu ra vào cảng biển, hành trình rút ngắn hơn 20 km và hơn một giờ so với lưu thông theo tuyến luồng Lòng Tàu trước đây.

Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, hiệu quả rõ rệt nhất của dự án nạo vét luồng Soài Rạp, là giúp thu hút tàu thuyền, tăng sản lượng hàng hóa vào cảng. Điều này còn làm nguồn thuế hải quan Hiệp Phước tăng từ 600 tỷ đồng lên 3.400 tỷ đồng/năm.

Tiếp tục có sự đột phá mạnh hơn

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, con số gần 204 triệu tấn hàng hóa và 6,2 triệu TEU hàng container thông qua cảng biển VN trong 6 tháng đầu năm là sự tăng trưởng thật sự ấn tượng. Sản lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2015 theo quy hoạch được duyệt là 400-410 triệu tấn, như vậy, khả năng lượng hàng hóa cả năm 2015 đạt hoặc vượt so với quy hoạch.

Cũng theo Thứ trưởng Công, triển vọng tăng trưởng của cảng biển Việt Nam thời gian tới dự báo rất khả quan, do các yếu tố cả chủ quan và khách quan đang và sẽ tiếp tục được phát huy. Các chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển cảng biển tiếp tục được khuyến khích. Trong đó các cơ chế, chính sách tiếp tục được xây dựng hoàn thiện, nhằm thu hút vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác phát triển cảng biển như: Áp dụng cơ chế cho thuê khai thác đối với kết cấu hạ tầng các bến cảng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách theo quy định của pháp luật; Áp dụng mô hình quản lý cảng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Cùng đó, hiệu quả khai thác cảng có thể được cải thiện nhờ sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân thông qua CPH thành công nhiều DN cảng biển. Việc Chính phủ cho phép các DN nhà nước như Vinalines thoái toàn bộ vốn và chỉ nắm quyền kiểm soát tại một số cảng, đã đẩy mạnh việc tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực cảng biển. Với tiềm lực tài chính lớn mạnh, kỳ vọng trong các năm tới, cơ sở hạ tầng cảng biển sẽ được đầu tư hoàn thiện và hiệu suất khai thác cảng sẽ được cải thiện.

“Cải cách hành chính, thủ tục hành chính, công khai minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho DN tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm tạo môi trường thông thoáng, phục vụ hiệu quả cho việc đầu tư phát triển và kinh doanh, khai thác, sử dụng cảng biển phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế”, Thứ trưởng Công nói.