Nội dung nổi bật:
- Các nhà đầu tư chủ động (activist investor) nắm giữ số cổ phần không lớn nhưng lại giống như những chính trị gia đi vận động tranh cử.
- Họ thường được coi là những người hiếu chiến và luôn tấn công các doanh nghiệp. Tuy nhiên bộ phận này đem đến những lợi ích không nhỏ cho công ty như tăng tính minh bạch ...
Công ty đại chúng là một trong những phát minh vĩ đại nhất của chủ nghĩa tư bản. Các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là lực đẩy cho sáng tạo cải tiến và tăng tính minh bạch cho các công ty. Niêm yết cổ phiếu cũng giúp người bình thường có cơ hội đầu tư vào những "cỗ máy" tạo ra tiền.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trong 15 năm qua đã phủ bóng đen lên các công ty đại chúng. Những cái tên lớn như Enron hay Lehman Brothers không còn là những cỗ máy kiếm tiền hay bằng chứng cho sự minh bạch. Mô hình quản trị doanh nghiệp cũng bị suy yếu bởi sự nổi lên của các quỹ đầu tư chỉ số bị động, có nghĩa là trong nhiều trường hợp cổ đông lớn nhất của công ty sẽ là các phần mềm đầu tư.
Trong khi đó, các nhà đầu tư định chế sẵn sàng bán tháo cổ phiếu ngay khi những dấu hiệu bất ổn bắt đầu xuất hiện thay vì giải quyết vấn đề. Các giám đốc điều hành được mô tả là bị ám ảnh về lợi nhuận hàng quý và vơ vét tiền bạc cũng như quyền lực khi có thể. Những tỷ phú nổi lên từ thung lũng Silicon sẽ biến những nhà đầu tư bên ngoài thành "công dân hạng hai" nhờ quyền bỏ phiếu đặc biệt đi kèm với cổ phiếu.
Ông chủ của các công ty vốn cổ phần tư nhân cho rằng mô hình sở hữu tập trung của họ sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Trong khi đó các chính phủ cho rằng bộ phận doanh nghiệp cần đến "bàn tay" của chính phủ. Tuy nhiên, có một cách tốt hơn: trông chờ vào các nhà đầu tư chủ động (activist investor).
Những kẻ phá đám...
Các quỹ đầu cơ chủ động nắm giữ số cổ phần không lớn nhưng họ hoạt động giống như những chính trị gia đi vận động tranh cử. Họ cố gắng giành lấy sự ủng hộ của các cổ đông khác đối với các yêu cầu như có mặt trong hội đồng quản trị của công ty, cắt giảm chi phí, chia nhiều tiền mặt hơn cho cổ đông… Vì những đặc điểm như hiếu chiến và cơ hội, rất dễ hiểu khi lãnh đạo của các công ty đại chúng thường không ưa gì bộ phận này.
Khái niệm nhà đầu tư chủ động đã có từ những năm 1980, nhưng ở Mỹ chưa bao giờ bộ phận này hoạt động mạnh mẽ như hiện nay. Họ điều hành các quỹ có số vốn tối thiểu 100 tỷ USD và thậm chí thu hút tới 20% tổng số vốn chảy vào các quỹ đầu cơ trong năm 2014. Năm ngoái, họ triển khai tổng cộng 334 chiến dịch nhằm vào các công ty đại chúng cả vừa và nhỏ. Trong 5 năm qua, 50% các công ty thuộc nhóm có giá trị vốn hóa lớn nhất trong chỉ số S&P 500 có quỹ đầu tư chủ động là cổ đông lớn nhất và 1/7 bị tấn công bởi các nhà đầu tư chủ động.
Người Mỹ sẽ "chạm trán" các công ty đã trở thành mục tiêu tấn công của các nhà đầu tư chủ động khi họ đánh răng (Procter & Gamble), trả lời điện thoại (Apple), mở máy tính (Microsoft, Yahoo và eBay), đi ăn nhà hàng (Burger King và PepsiCo) và xem tivi mỗi ngày (Netflix). Tháng 12 năm ngoái, một quỹ có tên gọi Trian đã giành được ghế trong hội đồng quản trị của ngân hàng Bank of New York Mellon.
Các nhà đầu tư chủ động nổi tiếng với việc tước đoạt tiền mặt và tài sản hay khiến các công ty ngập trong nợ. Carl Icahn thường gọi các CEO là "bọn trẻ ranh" và chỉ trích họ trên Twitter. Một nhà đầu tư chủ động nổi tiếng khác là Bill Ackman đã so sánh Herbalife với mô hình lừa đảo kim tự tháp.
Hay những vị anh hùng?
Tuy nhiên, không thể phủ nhận bộ phận này cũng đem lại một số lợi ích nhất định cho các cổ đông.
Một trong lý do đưa đến kết luận trên là có khá nhiều công ty không được quản lý tốt. 10% các công ty lớn của Mỹ vẫn áp dụng những thủ thuật như "chiến lược thuốc độc" (poison pills) để chống lại đối thủ khi bị thâu tóm hoặc hội đồng quản trị của công ty dung túng các lãnh đạo yếu kém.
Một lý do khác là ngày nay các nhà đầu tư chủ động thường tìm cách cải thiện ban quản trị của công ty thay vì chiếm đoạt tài sản như trong những năm 1980. Họ làm việc với các cổ đông và thường dành được sự ủng hộ của các quỹ lớn Capital Group và Fidelity. Họ cũng giúp vốn dài hạn của công ty tăng lên. Nghiên cứu của The Economist phân tích 50 vị thế lớn nhất của các nhà đầu tư chủ động kể từ năm 2009 cho thấy các công ty thường có lợi nhuận, đầu tư vốn và chi phí R&D tăng lên.
Quan trọng nhất, các nhà đầu tư chủ động sẽ lấp đầy lỗ hổng trong quản trị doanh nghiệp. Các quỹ đầu tư theo chỉ số và quỹ ETF quá lười biếng. Họ đi theo biến động của thị trường và ít quan tâm đến việc doanh nghiệp được điều hành như thế nào. Các quỹ tương hỗ truyền thống và quỹ hưu trí có danh mục đầu tư đa dạng và không muốn tham gia quá sâu vào quá trình quản trị doanh nghiệp.
Cho dù ý tưởng của họ là tồi tệ hay thông minh, nhà đầu tư chủ động khiến các nhà đầu tư khác khó có thể đứng bên lề. Các quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí buộc phải quan tâm và do đó trở nên chủ động hơn.
Các cổ đông ở châu Âu và châu Á cho rằng họ không cần đến các nhà đầu tư chủ động vì họ có nhiều quyền lợi hơn trong việc bổ nhiệm và tăng lương cho đội ngũ lãnh đạo. Thêm vào đó, vì văn hóa khác biệt so với Mỹ, các nhà đầu tư chủ động của châu Âu (dù số lượng ít) có xu hướng hành động mềm mỏng hơn.
Bạn sẽ tìm thấy những công ty hoạt động yếu kém hay những dòng vốn "lười biếng" ở bất cứ thị trường chứng khoán nào. Các công ty đại chúng không bao giờ có ý định trở thành một bộ máy quan liêu được điều hành bởi những cỗ máy xa xôi. Các nhà đầu tư chủ động sẽ đem đến một sức sống mới.