Trong vòng 1 tuần qua, nhìn lại danh sách những cổ phiếu hút tiền nhất thị trường có thể dễ dàng nhận thấy đó đều là cổ phiếu bất động sản và một vài mã trong ngành tài chính. Duy nhất lọt vào top 10 có một cổ phiếu "lạc ngành" là VHG của CTCP Cao su Quảng Nam (tên gọi cũ là CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn).
Tính từ 01/08 - 06/10, tức trong vòng hơn 2 tháng, cổ phiếu VHG mới tăng 48,9% - một mức tăng không mấy nổi bật khi so với những cổ phiếu đang làm mưa làm gió, nhưng chỉ tính trong 10 phiên từ 23/09 đến nay, tốc độ tăng giá của VHG đã bật lên đáng kể với mức tăng 31,7%. Đóng cửa ngày 06/10, giá cổ phiếu VHG là 13.700 đồng.
Tái cấu trúc toàn diện hay "thay máu"?
Khởi đầu là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cáp, nhựa … nhưng qua những thăng trầm trên thương trường mà cụ thể là 2 năm 2011, 2012 lỗ liên tục thì định hướng phát triển của VHG đã thay đổi. Năm 2013 là năm mà VHG đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc toàn diện với chiến lược phát triển theo định hướng mới: lấy lĩnh vực cao su làm hoạt động kinh doanh chính.
Với định hướng này, bước sang năm 2014, sau khi phát hành thêm 37,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nâng vốn điều lệ lên 750 tỷ, ngày 14/07/2014, Nghị quyết HĐQT của công ty thống nhất thông qua việc đổi tên công ty từ CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn thành CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam.
Tuy nhiên cũng chú ý rằng, cổ đông hiện hữu chỉ mua 1,91% số cổ phiếu phát hành thêm. Gần 36,8 triệu cổ phiếu mà cổ đông hiện hữu không mua đều được nhà đầu tư bên ngoài mua hết. Thông tin về những nhà đầu tư bên ngoài này không được công bố nhưng vào ngày 18/08, CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Sao Vàng đã mua vào 14 triệu cổ phiếu VHG để trở thành cổ đông lớn. Trong nửa đầu năm nay, VHG cũng gây chú ý khi CTCP Chứng khoán Xuân Thành "lướt sóng" 2,3 triệu cổ phiếu trong vòng 2 tuần từ 7/4 - 18/4.
Điều này khiến cho nhiều người "đoán" rằng trong thời gian tới, Ban lãnh đạo của VHG sẽ xuất hiện những gương mặt mới, đại diện cho những cổ đông mới, bởi vì bên cạnh đó, công ty đã thông báo vào tháng 10 - 11/2014 dự kiến sẽ triệu tập ĐHCĐ bất thường nhằm miễn nhiệm và bẩu bổ sung thành viên HĐQT, đồng thời thông qua một số nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Quả ngọt đã thấy ngay?
Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của công ty, doanh thu thuần đạt 143,4 tỷ - tăng 50% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 28,3 tỷ đồng - giảm 48% do không còn khoản lợi nhuận khác nhờ chuyển nhượng cổ phần như năm trước. Con số này mới hoàn thành 39% kế hoạch cả năm.
Thế nhưng, thông tin mới nhất được ông Trần Xuân Hiếu - phó Tổng giám đốc của công ty cho biết trên báo chí thì trong 9 tháng đầu năm, VHG đã đạt lợi nhuận 76 tỷ đồng - vượt qua con số 75 tỷ kế hoạch. Doanh thu và lợi nhuận đến chủ yếu từ mảng kinh doanh cao su. So với mức lợi nhuận ròng 83 tỷ của năm 2013 thì LNST của 9 tháng đầu năm 2014 bằng 91,6%.
Cùng với đó, việc phát hành tăng vốn giúp VHG thu về 375 tỷ đồng và số tiền này có thể được dùng vào việc cơ cấu lại vốn và đầu tư. Nghị quyết HĐQT ngày 29/09/2014 của VHG cho biết dư nợ vay ngân hàng cuối quý 3 chỉ còn 11 tỷ đồng so với 115 tỷ đồng tại thời điểm công ty bắt đầu tái cấu trúc.
Cũng theo Nghị quyết này, VHG đã lên kế hoạch thành lập Ban quản lý xây dựng, phát triển Nhà máy chế biến sâu cao su tại vùng được ưu đãi thuế, ưu đãi về lãi vay và vùng nguyên liệu sẵn có với quy mô lớn. Dự kiến năm 2015 sẽ triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến cao su (giai đoạn 1) công suất 10.000 tấn/năm, doanh thu khoảng 500 tỷ/năm (theo tính toán của VHG).
Không chỉ cao su, VHG định hướng tiếp tục bám sát triển khai Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng (tổng vốn đầu tư 272 triệu USD), tìm kiếm đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm thực hiện hợp tác liên doanh tham gia thực hiện dự án. Dự án 5,3ha đất biển D'evelyn Beach cũng đang được VHG gấp rút triển khai.
Trong quá khứ, VHG từng nổi tiếng với bài "tái cấu trúc, thay thế ban lãnh đạo"
Tháng 5/2013, ĐHCĐ của VHG đã thông qua việc tái cấu trúc toàn bộ công ty, thực hiện chuyển nhượng tài sản, cổ phần tại các công ty con hoặc liên kết. Đáng nói là tại đại hội này, VHG lại đưa ra kế hoạch lỗ 20 tỷ đồng và sẵn sàng tư thế bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, ngày 31/08, VHG lại tổ chức ĐHCĐ bất thường, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh từ lỗ thành lãi 130 tỷ đồng, lên kế hoạch chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 2:1. Bên cạnh đó, ông Đinh Công Trạng - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Trọng Bằng - ủy viên HĐQT đã từ nhiệm và được thay thế bởi ông Phạm Dũng Tiến và ông Nguyễn Thắng Lợi.
Sau đó, kết quả kinh doanh quý 3/2013 được công bố: 9 tháng đầu năm 2013, VHG lãi hợp nhất 75,5 tỷ đồng nhờ khoản doanh thu tài chính và lợi nhuận khác rất "khủng" từ chuyển nhượng tài sản, ký hợp đồng sản xuất ống nhựa. Do đó, khoản lỗ lũy kế cũng được xóa chuyển thành lãi lũy kế 9,3 tỷ đồng.
Trước kỳ họp ĐHCĐ, VHG đã có những phiên giảm sàn triền miên xen kẽ đôi ba phiên tăng trần. Nhưng từ ngày 26/04/2013, VHG bắt đầu tăng trần nhiều hơn giảm sàn và giá cổ phiếu VHG đã tăng từ 3.000 đồng lên tận 14.900 đồng vào ngày 26/11/2013. Sau ngày chia cổ tức này, VHG còn tăng trần 2 phiên nữa rồi mới rơi vào 2 tuần giảm sàn gần như liên tục.
Với 2 đợt sóng trong năm 2014, không ít nhà đầu tư đã được hái quả ngọt của VHG và đương nhiên có những người bị "kẹt" tại đỉnh. Cũng trong năm nay, cổ phiếu của rất nhiều doanh nghiệp được "tái cấu trúc" đã tăng rất mạnh do nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh (bên cạnh những yếu tố khác).
Song phải nói rằng việc tăng doanh thu, lợi nhuận so với năm trước là kết quả bình thường khi một doanh nghiệp được bơm thêm vốn gấp đôi, thậm chí gấp bốn. Vì vậy, dù chơi theo trường phái nào, nhà đầu tư vẫn nên nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp để đánh giá được giá trị cơ bản và tiềm năng tương lai chứ không nên đi theo tin đồn.